• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ lực lượng nắm giữ “suy – còn” của thoả thuận ngừng bắn Syria

Thế giới 02/01/2017 20:20

(Tổ Quốc) - Thoả thuận ngừng bắn tại Syria có thể đổ vỡ bất kỳ lúc nào bởi nhiều lý do.  

Nhìn bề ngoài, lệnh ngừng bắn được bắt đầu vào giữa tuần trước tại Syria, là sự đồng thuận giữa quân đội Chính phủ và các lực lượng đối lập, bên cạnh Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, những nhóm đối lập tại Syria, từ lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) cho đến phong trào hồi giáo Ahrar… đều có thể không do dự mà phá hỏng thoả thuận ngừng bắn, nếu những mục tiêu chính trị của họ không được đáp ứng, sau các cuộc thương lượng sẽ được tổ chức tới đây tại Astana, Kazakhstan.

HƠN 70% NGƯỜI SYRIA MUỐN GÌ?

“Chúng tôi không chỉ muốn ông Assad từ chức, mà chúng tôi muốn cả chế độ Assad phải chấm dứt,” Abu Mohammed, tư lệnh chỉ huy của một đơn vị FSA tại phía Bắc Aleppo – một trong những bên tham gia ký kết thoả thuận ngừng bắn nói qua Skype. “Nếu hiệp định tại Astana bắt chúng tôi phải hoà hoãn với một chế độ đã từng giết chết 300.000 thường dân và không đếm xỉa gì đến nguyện vọng của người dân Syria, chúng tôi sẽ trở lại chiến trường.”

 Tổng thống Syria  Bashar al-Assad có thể sẽ từ chức?

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, có khoảng hiện có khoảng 80.000 quân lính thuộc các lực lượng nổi dậy tại Syria, trong đó, 60.000 người chịu ảnh hưởng trực tiếp của thoả thuận ngừng bắn.

Điều đáng nói là, bất chấp tất cả những khác biệt - từ những lực lượng có vai trò chủ chốt, các nhóm quy mô nhỏ, cho đến các đơn vị vũ trang tự phát… - mục tiêu của những bên đã chiến đấu chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trong hơn 5 năm vừa qua, đều là khiến ông phải rời khỏi chiếc ghế quyền lực, và hình thành một chính phủ mới tại Syria.

Dĩ nhiên, hy vọng này không chỉ đơn giản nằm ở sự thay đổi người đứng đầu chính phủ.

Với việc lật đổ ông Assad và hướng tới một chính phủ mới do người dân bầu cử, các lực lượng nổi dậy – mà phần lớn trong số đó là người Sunni – theo đuổi mục tiêu thay đổi sự cân bằng quyền lực giữa các phe phái trong bộ máy quyền lực của đất nước.

Trong 40 năm được điều hành bởi gia đình Assad và các thành viên chính phủ thuộc cộng đồng Alawite, Syria nằm dưới sự chỉ đạo của một nhóm thiểu số người Shiite, và “gạt ra bên lề” vai trò của cộng đồng người Sunni – những người chiếm tới hơn 70% dân số Syria trước khi chiến tranh xảy ra.

Lệnh ngừng bắn được cho là sẽ tạo đường cho ông Assad từ chức – mặc dù, nhiều khả năng điều này sẽ chỉ xảy ra trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo – nhưng lại không nói gì tới việc kết thúc sự cầm quyền của người Alawite. Một số nguồn tin cho rằng, ông Assad sẽ được thay thế bởi một quan chức thân cận với mình, nhưng ít “tai tiếng” hơn.

Trong thực tế, nhiều nhà quan sát nhận định, để người Alawite tiếp tục cầm quyền là một điều kiện được đưa ra bởi Iran – một trong những lực lượng đồng minh thân cận, đã sát cánh cùng ông Assad trong suốt bốn năm qua.

Mặc dù tỏ ra lạc quan về lệnh ngừng bắn, tuy nhiên, những chỉ huy người Sunni vẫn giữ thái độ e ngại rằng,“sự trả đũa” đến từ các lực lượng quân đội người Shiite ủng hộ chính quyền Assad, như các tay súng Hezbollah và Iraq – những bên không được nhắc đến trong lệnh ngừng bắn – có khả năng phá huỷ thoả thuận này.

“Nếu quân đội người Shiite chống lại chúng tôi hoặc dân thường, các lực lượng cách mạng Syria sẽ đánh trả và lệnh người bắn sẽ chấm dứt,” Abdul Hadi Sari, một cựu tướng lĩnh của lực lượng nổi dậy, hiện đang cư ngụ Jordan trả lời phỏng vấn tạp chí Christian Science Monitor.

CÓ QUÁ NHIỀU NHÓM ĐỐI LẬP

Một thử thách khác cho lệnh ngừng bắn chính là số lượng đông đảo các lực lượng, nhóm và đơn vị vũ trang đối lập tại Syria. Có 54 nhóm đối lập đang hoạt động tại mặt trận phía Nam cùng FSA. Tại phía Bắc và phía Tây, có khoảng 60 nhóm. Ngoài ra, hiện còn có một số nhóm có liên hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm đưa các đơn vị vũ trang người Kurds và IS trở lại miền Bắc. 

Lực lượng FSA là một bên ký kết của thoả thuận ngừng bắn

Những người đứng đầu lực lượng đối lập và chỉ huy của FSA từng miêu tả một số đơn vị vũ trang tại Syria như những “mafia cá nhân”, được điều hành bởi những kẻ đã “bỏ túi” khoảng 30% ngân quỹ do Arab Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ để mua vũ khí.

Sáng kiến trực tiếp nhận tiền từ các nhà tài trợ, đã khiến nhiều quân đoàn có quy mô vừa ở Syria không thể liên kết thành một mặt trận lớn hơn. Sự chia rẽ này đã khiến các lực lượng đối lập bị sụp đổ, suy yếu, dẫn đến việc phải ngồi vào bàn thương lượng với Nga tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy, khả năng và ý chí tuân theo các điều khoản trong lệnh ngừng bắn của hơn 100 nhóm đối lập tại Syria, là vô cùng mong manh.

ẨN SỐ LIÊN QUAN ĐẾN AL QAEDA

Một trong những ẩn số lớn nhất, bao trùm thoả thuận ngừng bắn đó là phong trào cực đoan có liên hệ với Al Qaeda, Jabhat Fateh al Sham (hay vẫn được gọi bằng tên cũ, Jabhat al Nusra). Trong khi các lực lượng đối lập tại Syria khăng khăng cho rằng Nursa cũng là một phần trong thoả thuận, thì Quân đội Syria và truyền thông Nga lại tuyên bố phủ nhận.

Theo nhiều nguồn tin, Nusra chỉ bao gồm từ 5.000 đến 10.000 binh lính. Tuy nhiên, đây là lực lượng tinh nhuệ hàng đầu, được vũ trang hiện đại, huấn luyện kỹ càng và luôn có hiệu quả cao nhất trên chiến trường.

Nursa là lực lượng quân đội tinh nhuệ hàng đầu tại chiến trường Syria

Nusra đã luôn gắn bó và sát cánh với các nhóm đối lập tại Syria, cùng tham gia các trận chiến với Ahrar as Sham và FSA tại miền Nam, Aleppo và giờ đây là Idlib. Các chỉ huy và tay súng FSA thậm chí còn coi lực lượng này là “niềm hy vọng cuối cùng” để lật đổ chính quyền hiện tại.

Mối quan hệ thân thiết này sẽ khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ gặp  nhiều khó khăn trong những nỗ lực nhằm cô lập Nusra. Nó cũng có thể được chính phủ Syria lấy làm cái cớ, để tiếp tục chiến dịch chống lại các lực lượng đối lập, khiến thoả thuận ngừng bắn rơi vào bế tắc.

Nusra hiện vẫn chưa có phản hồi chính thức về thoả thuận ngừng bắn. Nhưng các thành viên của phong trào này thề, họ sẽ tiếp tục chiến đấu, như “một phần của đất nước Syria.”

“Nếu sự bất công và thảm sát vẫn tồn tại, sẽ không có một lệnh ngừng bắn hay thoả thuận hoà bình nào,” Abu Baker, một thành viên của Al Nusra ở phía Nam tuyên bố. “Với những điều kiện này, Jabhat Fateh as Sham sẽ vẫn tiến hành cuộc cách mạng.”

(Theo Christian Science Monitor)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ