• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ mặt trận Trung Đông lan rộng đè nặng sức mạnh Iran

Thế giới 20/02/2017 08:07

(Tổ Quốc) - Saudi và Israel tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) ngày 19/2 đều kêu gọi một động thái chống lại Iran.  

Theo Reuters, động thái này báo hiệu sự liên kết đang gia tăng nhằm chống lại Iran – điều diễn ra khi trong bối cảnh nhiều nghị sỹ Mỹ cũng dự định đưa ra thêm các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Các bộ trưởng Saudi và Israel tham dự Hội nghị an ninh Munich đều bác bỏ đề nghị từ Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hướng tới các quốc gia Sunny vùng Vịnh về việc đối thoại nhằm giảm bạo lực trong khu vực.

Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich ngày 19/2. (Nguồn: Reuters) 

Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir đã gọi Tehran là nhà tài trợ chính của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và là một lực lượng gây mất ổn định ở Trung Đông.

"Iran vẫn là nhà tài trợ chính duy nhất của chủ nghĩa khủng bố trên thế giới," Adel al-Jubeir nói với các đại biểu tại hội nghị.

Sáu thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), đặc biệt là Saudi Arabia trước đó đã cáo buộc Iran trong việc sử dụng chủ nghĩa bè phái để can thiệp vào các nước Ả Rập cũng như đang tìm cách xây dựng ảnh hưởng riêng của mình ở Trung Đông. Iran đã phủ nhận những cáo buộc trên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman cũng cho rằng mục tiêu cuối cùng của Iran là nhằm làm suy yếu Riyadh, và kêu gọi một cuộc đối thoại với các nước Ả Rập dòng Sunni để đánh bại các yếu tố "cấp tiến" trong khu vực.

Trong khi Saudi Arabia vẫn duy trì sự mâu thuẫn trong lịch sử với Saudi, các bộ trưởng từ hai bên đều đồng thuận về việc đưa ra yêu cầu tại Hội nghị An ninh Munich rằng Tehran cần bị trừng phạt vì đã ủng hộ chính phủ Syria, phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ cho lực lượng li khai ở Yemen.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham gia mặt trận thống nhất chống lại Tehran khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng chỉ trích điều ông gọi là "chính sách bè phái" của Iran nhằm phá hoại Bahrain và Saudi Arabia.

"Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới việc phản đối bất cứ hành động gây chia rẽ, về tôn giáo hay bè phái", ông nói. "Thật tốt khi chúng ta đang bình thường hóa quan hệ với Israel."

Các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Iran đã được dỡ bỏ cách đây một năm theo một thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới.

Động thái trên diễn ra khi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ trong ngày 19/2 cũng cho biết họ sẽ đề nghị đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa và những hành động của Tehran trong việc "gây bất ổn" ở Trung Đông.

Về phía Iran, Ngoại trưởng nước này Javad Zarif  bác bỏ bất cứ nhận định rằng nước này từng tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Và khi được hỏi về những lời lẽ cứng rắn của tân chính quyền Mỹ về vai trò của Iran trong khu vực và kêu gọi xem xét lại thỏa thuận hạt nhân, ông cho biết Tehran đã không phản ứng tốt với các mối đe dọa hoặc trừng phạt.

"Iran không phản ứng tốt với các mối đe dọa", AFP dẫn lời Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich. "Chúng tôi không phản ứng tốt với sự cưỡng chế. Chúng tôi không phản ứng tốt với các lệnh trừng phạt, nhưng chúng tôi phản ứng rất tốt với sự tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi phản ứng rất tốt với các thỏa thuận nhằm hướng tới những kịch bản các bên cùng chấp nhận."

"Iran không bị lay chuyển trước các sự đe dọa," ông cũng cho biết.

(Theo AFP, Reuters)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ