(Tổ Quốc) - Cử tri và người dân cả nước cùng đồng hành với các cơ quan chức năng với kỳ vọng một điều luật nhỏ thôi sẽ thay đổi cả xã hội, để những ám ảnh, thương tâm sẽ không còn bám riết lấy mỗi người khi ra đường.
- 13.06.2019 "Đã uống rượu bia - không lái xe" và đây là sự thật đang diễn ra thường xuyên ở Hà Nội
- 11.06.2019 Trước tin đồn doanh nghiệp rượu bia lobby đại biểu: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói gì?
- 09.06.2019 Tài xế lái xe CSGT ở Bình Dương có dấu hiệu dùng rượu bia khi gây tai nạn khiến 1 người tử vong
- 12.05.2019 Gần 8.000 người tuần hành kêu gọi nói không với rượu bia khi lái xe
Ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 7 (14/6), Quốc hội khóa 14 đã có một động thái được cử tri và nhân dân đánh giá rất tích cực, đó là thông qua Luật phòng chống tác hại rượu, bia với điều khoản bổ sung "đã uống rượu bia không lái xe" với tỷ lệ 84,3% tán thành.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2020, điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là một trong 12 hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, chứ không phải không được uống vượt mức quy định như quy định hiện hành.
Đây là bất ngờ phút chót của đạo luật được cử tri đặc biệt quan tâm này.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia
Xin được trở lại thời điểm trước đó hơn một tuần, cũng chính điều luật này khi được đưa ra lấy ý kiến trước đó Quốc hội, các đại biểu đã thể hiện chính kiến bằng bấm nút điện tử hai phương án: Một là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn" và hai là "cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông". Nhưng cả hai phương án đều không vượt qua nổi 50% tổng số đại biểu tán thành.
Ngay sau đó, nhiều cử tri và người dân đã bày tỏ sự băn khoăn, nghi ngại rằng tại sao các đại biểu lại không tán thành một điều luật quan trọng, mang tính nhân văn đến vậy. Kèm theo đó là lo ngại tai nạn giao thông sẽ không được kiềm chế. Bởi thời gian qua đã xảy ra quá nhiều vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện tham gia giao thông uống rượu bia gây ra hậu quả đặc biệt thương tâm. Cả cộng đồng với những hành động thực tiễn: hàng ngàn người tham gia đi bộ, thay avatar của các trang cá nhân trên mạng xã hội bằng thông điệp "đã uống rượu bia không lái xe"..., tất cả nhằm kêu gọi mọi người khi tham gia giao thông cần phải có ý thức giữ gìn sự an toàn cho chính mình và những người xung quanh, trong đó đặc biệt chú ý đến việc "đã uống rượu bia không lái xe".
Đã có những câu hỏi đặt ra, phải chăng có lợi ích nhóm, có sự "lobby" của các doanh nghiệp sản xuất rượu bia tới các đại biểu khi xây dựng dự luật này? Việc này cũng đã được đích thân Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi bác bỏ trong một cuộc trao đổi riêng với báo chí trước ngày dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia dự kiến được Quốc hội thông qua (14/6): về nguyên tắc, đại biểu không được để cơ quan, doanh nghiệp hay tổ chức mời đi với tư cách nghiên cứu mang tính chất lobby; Và rằng việc vận động thì làm sao có thể lobby được gần 500 Đại biểu Quốc hội; Quy trình xây dựng luật rất chặt chẽ, muốn lobby cũng không được…
Và ngay sau đó, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật hoàn thành ngày 13/6 và được trình bày trước khi đại biểu bấm nút đã thể hiện tinh thần khác. Việc Quốc hội tiếp thu ý kiến của dư luận, mong muốn của cử tri tán thành bổ sung vào điều 5 về các hành vi bị nghiêm cấm một khoản ghi rõ cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông" được cử tri và người dân đặc biệt hoan nghênh. Thậm chí trên mạng xã hội, rất nhiều tài khoản cá nhân đã bày tỏ sự ủng hộ trước kết quả này. Thực tiễn là thời gian qua số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến sử dụng rượu bia nhiều và phức tạp như vậy nên Quốc hội không thể thờ ơ được và các đại biểu đã thể hiện trách nhiệm của một người đại diện cho dân để biểu thị tinh thần quyết liệt thông qua việc tán thành điều luật này.
Và một điều đáng mừng hơn, là trong nghị quyết của kỳ họp đã nêu rõ: giao Chính phủ khẩn trương bổ sung xử phạt hành chính về trật tự an toàn giao thông, trong đó tăng chế tài xử phạt nghiêm hành vi sử dụng ma túy, rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Quyết định của Quốc hội ngày 14/6 đã nhận được sự đánh giá cao của cử tri, đã thể hiện nguyện vọng và ý chí của đa số người dân. Đúng như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói: Qua mỗi kỳ họp lại khẳng định, hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân, bám sát thực tiễn cuộc sống. Cử tri và người dân hy vọng, với tinh thần lắng nghe, tiếp thu và tôn trọng ý kiến của người dân, cùng với việc tăng mạnh chế tài xử phạt, những vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện uống rượu bia sẽ giảm dần.
Vâng, cử tri và người dân cả nước cùng đồng hành với các cơ quan chức năng với kỳ vọng một điều luật nhỏ thôi sẽ thay đổi cả xã hội, để những ám ảnh, thương tâm sẽ không còn bám riết lấy mỗi người khi ra đường.