• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ Qatar: Mỹ “chìa tay”, Vùng Vịnh “gạt phắt”?

Thế giới 08/06/2017 17:14

(Tổ Quốc) - Tổng thổng Trump đảo ngược thái độ, Thổ Nhĩ Kỳ “sát cánh”… tác động gì đến những căng thằng ngoại giao Qatar?  

Hôm thứ Tư, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ mong muốn được giúp đỡ giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao đang ngày một căng thẳng giữa Qatar và một số quốc gia Arab khác.

Lời đề nghị giúp đỡ từ Washington

Theo thông cáo từ Nhà Trắng, trong một cuộc điện thoại với vua Qatar Tamim bin Hamad al-Thani, Tổng thống Trump đã kêu gọi hành động chống lại khủng bố. “Ngài Tổng thống đề nghị giúp đỡ các bên giải quyết những bất đồng, bao gồm cả việc tổ chức một cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng nếu cần thiết,” thông cáo viết.

Trong một cuộc điện đàm sau đó với Hoàng thái tử của Abu Dhabi Mohammed bin Zayed al-Nahayan, ông Trump cũng mong muốn các quốc gia Arab đoàn kết “nhưng không bao giờ với cái giá là phải bỏ qua việc tài trợ cho các nhóm cực đoan và cuộc chiến chống khủng bố.”

Tổng thống Donald Trump trong chuyến công du đến Arab Saudi (ảnh: getty )

UAE, Arab Saudi, Ai Cập và Bahrain đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar hôm thứ Hai (05/6) với những cáo buộc rằng Doha đang mở rộng quan hệ với Iran – mối đe dọa lớn nhất từ bên ngoài; và ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan – mối đe dọa đáng sợ nhất từ bên trong, của khu vực.

Bốn quốc gia này cũng cắt các kết nối giao thông tới Qatar, chặn các nguồn cung cấp thực phẩm – nhu yếu phẩm; đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp cấm vận khác đối với quan hệ thương mại và đầu tư.

Đã có thể nhận thấy những tác động tiêu cực đầu tiên đối với nền kinh tế Qatar. Đồng nội tệ của nước này đã giảm xuống mức kỷ lục trong vòng 11 năm trở lại, trong khi các nguồn vốn đầu tư bắt đầu có dấu hiệu “chảy ra ngoài”. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor cũng đã giảm mức độ tín nhiệm của Qatar từ AA xuống AA-, và đe dọa đây có thể không phải là lần hạ mức cuối cùng.

Hãng tin Reuters dẫn lời Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash cho biết, sẽ có thêm những hạn chế về kinh tế dành cho Qatar, và Doha cần phải có những cam kết cứng rắn để thay đổi chính sách được cho là hỗ trợ cho các lực lượng quân đội Hồi giáo cực đoan.

Không cần can thiệp từ bên ngoài để giải quyết khủng hoảng

Ông Gargash khẳng định, các nước Vùng Vịnh không có kế hoạch tìm kiếm sự thay đổi lãnh đạo Qatar, mà chỉ tập trung vào chính sách.

Căng thẳng trong khu vực đã bắt đầu leo thang sau những tranh cãi ngoại giao. Hôm thứ Tư, các vụ nổ súng tại Tehran đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng. Phía Iran cho rằng Arab Saudi đứng sau vụ tấn công, trong khi Riyad kiên quyết phủ nhận mọi sự liên quan.

Ngoại trưởng Saudi Adel al-Jubeir tin rằng, các nước Vùng Vịnh có thể giải quyết cuộc khủng hoảng với Qatar mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài. “Chúng tôi không đòi hỏi một người hòa giải, chúng tôi tin rằng vấn đề này có thể được giải quyết giữa các quốc gia thuộc Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh,” ông Adel al-Jubeir phát biểu trong một cuộc họp báo trong chuyến thăm Berlin gần đây.

Ngài Ngoại trưởng từ chối xác nhận danh sách 10 yêu cầu mà kênh tin tức Al Jazeera từng đưa ra, trong đó bao gồm cả việc đóng cửa hãng tin này. Tuy nhiên, ông Jubeir khẳng định, Qatar đã nắm được mình cần phải làm gì để có thể khôi phục quan hệ bình thường với các nước khác.

Hành khách tại sân bay quốc tế Hamad (ảnh: Reuters)

Trong khi đó, một nguồn tin ngoại giao Kuwait cho biết, người đứng đầu nước này Sabah Al-Ahmad Al-Jaber Al-Sabah vẫn đang tiếp tục các nỗ lực hòa giải cuộc khủng hoảng, thông qua các cuộc gặp gỡ với đại diện của cả UAE và Qatar.

Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng hai thập kỷ trở lại đây tại Vùng Vịnh sẽ kết thúc sớm. UAE thậm chí còn đe dọa sẽ phạt tù lên tới 15 năm cho những ai tỏ ra đồng tình với Doha và cấm người dân Qatar nhập cảnh nước mình.

“Hành động kiên quyết và nghiêm khắc sẽ được áp dụng cho những ai bày tỏ sự cảm thông hoặc có bất kỳ hình thức ủng hộ nào với Qatar, hoặc cho những ai phản đối lập trường của UAE [trong vấn đề này], cho dù là trên các phương tiện xã hội, hay văn bản, lời nói,” báo Gulf News dẫn lời Bộ trưởng Bộ tư pháp UAE Hamad Saif al-Shamsi. Không chỉ phải đối mặt với án tù, người vi phạm sẽ phải trả khoản tiền ít nhất 136.000 USD.

Ủng hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ

Qatar có “chống lưng” cho các phong trào Hồi giáo, nhưng từ chối các kết nối với chủ nghĩa khủng bố. Hôm thứ Tư, Doha rốt cuộc cũng đã nhận được những sự “đồng tình” đầu tiên, cho dù còn khá ít ỏi, khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý thông qua một dự thảo luật cho phép triển khai quân lính tại một căn cứ quân sự thuộc Qatar. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cam kết sẽ cung thực phẩm và nước uống cho Qatar nếu được yêu cầu.

Cờ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện cạnh nhau trong một cuộc biểu tình ủng hộ Qatar (ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng đã nói chuyện với người đồng cấp Qatar, nhằm thể hiện cam kết của Washington với an ninh khu vực. Hiện 8.000 quân nhân Mỹ đang trú tại al Udeid – căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông.

Sự cô lập bất ngờ đã khiến Qatar phải tiến hành các cuộc đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và một số quốc gia khác liên quan đến vấn đề thực phẩm và nước sạch. Một quan chức Qatar cho biết, nước này có đủ nguồn cung cấp ngũ cốc cho bốn tuần, và kho dự trữ thực phẩm chiến lược dồi dào.

Reuters thông tin, cảng Abu Dhabi của UAE đã dỡ bỏ lệnh cấm cho các tàu chở dầu không phải của Qatar đến và đi từ Qatar. Các lệnh cấm những đội tàu của Doha sử dụng các cảng và bến neo đậu trong khu vực đe dọa sẽ làm gián đoạn việc xuất khẩu hàng hóa và khí gas hóa lỏng của nước này.

Phức tạp nhưng không thể không làm

Hai hãng hàng không của UAE là Etihad và Emirates cho biết, tất cả các hành khách sở hữu hộ chiếu Qatar hiện đang bị cấm đến, hoặc quá cảnh tại quốc gia này. Người nước ngoài sở hữu visa định cư của Qatar cũng sẽ không được nhập cảnh vào UAE.

Ngoại trưởng Gargash cho biết, rất khó để rạch ròi các mối quan hệ kinh tế “vô cùng phức tạp” giữa Qatar và các nước láng giềng, nhưng điều này là cần thiết: “Trong tương lai còn có thể có thêm những biện pháp khác. Chúng tôi hy vọng rằng, những cái đầu lạnh và thông thái hơn sẽ chiếm ưu thế, và chúng tôi không phải đi bước tiếp theo.”

“Tình hình vẫn rất căng thẳng, và các nỗ lực hòa giải của Kuwait vẫn chưa có kết quả rõ ràng, vì vậy các nhà đầu tư sẽ vẫn tiếp tục chờ đợi,” một thương nhân tại Dubai chia sẻ.

(Theo Reuters)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ