• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ "thất hứa", EU đẩy tây Balkan vào vòng tay Nga và Trung Quốc?

Thế giới 05/11/2019 08:01

(Tổ Quốc) - Albania và Bắc Macedonia cho rằng, các nỗ lực cải cách và một hiệp định đổi tên nước với Hy Lạp có thể bị đe dọa.

Theo tờ Financial Times, mới đây giới lãnh đạo của Bắc Macedonia và Albania đã cảnh báo, hai quốc gia này đang phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và cải cách kinh tế không hiệu quả sau khi cơ hội gia nhập EU bị trì hoãn trong nhiều năm qua.

Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev bày tỏ sự e ngại, "quá khứ tồi tệ" chia cắt dân tộc của đất nước ông có thể quay trở lại, bao gồm cả một cuộc nội chiến từng suýt xảy ra vào năm 2001. Còn Thủ tướng Albania Edi Rama cho hay, Albania có thể sẽ phải gánh chịu những "thiệt hại" từ sự bất đồng ngay trong EU đối với vấn đề mở rộng khối.

Bất ngờ "thất hứa", EU đang đẩy tây Balkan vào vòng tay Nga và Trung Quốc? - Ảnh 1.

Thủ tướng Bắc Macedonia Zoran Zaev và đồng cấp Albania, Edi Rama (ảnh: AFP)

Lời cảnh báo từ cả hai nhà lãnh đạo Balkan nhấn mạnh những lo lắng của giới phân tích rằng, việc EU chưa thể chấp nhận tư cách thành viên của Bắc Macedonia và Albania sẽ gây ra bất ổn tại một khu vực vốn nhạy cảm về địa chính trị, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng tại chính nơi đây.

Trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chối bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập với Bắc Macedonia và Albani, hai nước này cũng chỉ trích EU đã không hồi đáp lại những nỗ lực mà họ đã dành ra để đáp ứng các yêu cầu của Brussels. Hà Lan và Đan Mạch cũng phản đối dàm phán với Albania.

Hai lần chúng tôi bị chia cắt khỏi châu Âu một cách nghiệt ngã… Không ai có thể sống với ý tưởng là sẽ có lần thứ ba, và lần này chính châu Âu tự tách chúng tôi khỏi bản thân mình.

Thủ tướng Albania Edi Rama

Ông Zaev chỉ ra, hiệp định nhạy cảm mà Bắc Macedonia đạt được với Hy Lạp vào năm ngoái liên quan tới tái đặt tên nước – có thể sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực trước sự gia tăng của làn sóng chủ nghĩa dân tộc. Quyết định đổi tên là bước đi quan trọng trong lộ trình gia nhập EU cho Skopje, nhưng nó cũng vấp phải tranh cãi tại cả Hy Lạp và Bắc Macedonia. Theo ông Zaev, việc tiếp tục thực thi thỏa thuận với Athens giờ đây đang đứng trước nhiều rủi ro.

"Một phần của tiến trình là không thể đảo ngược, nhưng tôi lo ngại có thể quá khứ tồi tệ sẽ quay trở lại", Thủ tướng Bắc Macedonia nói về tình hình đa sắc tộc tại đất nước mình. "Nếu lập trường, hành động và lời nói theo chủ nghĩa dân tộc tại Bắc Macedonia đủ mạnh, nó sẽ tạo cơ hội để giới chính trị Hy Lạp làm điều tương tự… và điều đó có thể dẫn mọi người tới các bước đi cụ thể không có lợi cho khu vực hoặc quốc gia của tôi".

Ông Zaev từng tuyên bố sẽ từ chức và tổ chức bầu cử sớm vào năm sau trước lời "cự tuyệt" từ EU. Ông cũng cảnh báo, thỏa thuận đổi tên với Hy Lạp có thể lâm nguy nếu đảng của ông không giành chiến thắng.

Còn tại Tirana, Thủ tướng Rama nhấn mạnh, quyết định của EU không tiến hành đàm phán gia nhập đã gây nên "một sang chấn tâm lý lớn" cho Albania; đồng thời ảnh hưởng tới niềm tin vào liên minh trong khu vực.

"Hai lần chúng tôi bị chia cắt khỏi châu Âu một cách nghiệt ngã…", ông Rama nói. "Không ai có thể sống với ý tưởng là sẽ có lần thứ ba, và lần này chính châu Âu tự tách chúng tôi khỏi bản thân mình".

Cả hai Thủ tướng Rama và Zaev đều khẳng định, họ hiểu những quan ngại của các nước thành viên EU không chấp nhận đàm phán gia nhập, là bởi vì những nước này muốn có sự cải cách nội khối và cả trong chính sách mở rộng liên minh. Tuy nhiên, hai ông cũng đồng ý rằng, để trở thực sự trở thành thành viên cần ít nhất một thập kỷ nữa; do vậy Bắc Macedonia, Albania và EU có thể tận dụng thời gian đó để tiếp tục các cải cách của mình.

Theo ông Rama, nhu cầu cải cách nội bộ EU "không thực sự là một cái cớ" để làm ngưng trệ cho các vấn đề then chốt khác. "EU đang ở trong một giai đoạn mà nó sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi tốt đẹp hơn và chúng tôi chỉ đơn giản là bị ảnh hưởng bởi điều đó", ông nói.

Trong khi đó, học giả cấp cao của tổ chức Carnegie châu Âu Judy Dempsey nhận định, sự tín nhiệm của EU đang bị thiệt hại bởi vì từ năm 2003, giới lãnh đạo của Bắc Macedonia và Albania đã được hứa hẹn rằng, nếu họ đáp ứng các yêu cầu của Brussels, họ sẽ được gia nhập. Và giờ đây, khi mà ít nhất Skopje đã làm vậy thì họ lại bị từ chối với lý do EU cần phải được cải cách trước tiên.

Lời hứa đã bị phá vỡ. Các nước tây Balkan giờ đây sẽ dễ dàng rơi vào ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc hơn.

Judy Dempsey

"Lời hứa đã bị phá vỡ", bà Dempsey phân tích. "Các nước tây Balkan giờ đây sẽ dễ dàng rơi vào ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc hơn".

Còn Thủ tướng Zaev cho hay, ông lo ngại về những cố gắng để lấp chỗ trống. "Quyết định [của EU] tạo ra không gian cho các thế lực thứ ba, vốn không đem lại cho chúng tôi dân chủ, tự do và luật pháp", ông nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ