• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ Thổ hứng loạt hệ luỵ từ đòn giáng mạnh Mỹ vào Iran

Thế giới 10/11/2018 08:54

(Tổ Quốc) - Dù đã được miễn trừ nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chịu nhiểu sức ép từ đòn trừng phạt của Mỹ vào Iran.

Các biện pháp trừng phạt của chính quyền Trump đối với Iran là đòn giáng mới nhất vào mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ - ngay cả khi hai đồng minh NATO đã vượt qua cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất của họ trong nhiều thập kỷ.

Hệ lụy từ trừng phạt

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ là một trong tám quốc gia được miễn trừ tạm thời trong lệnh trừng phạt Iran, điều cho phép họ tiếp tục mua dầu thô của Tehran thêm một thời gian nữa, nhưng Ankara - nền kinh tế lớn nhất Trung Đông vẫn thấy mình đang bị ép buộc.

Theo các điều kiện do Mỹ quy định, việc miễn trừ chỉ áp dụng cho một phần tư lượng dầu thô Thổ Nhĩ Kỳ nhập từ Cộng hòa Hồi giáo, có nghĩa là sẽ phải cắt giảm lượng dầu thô họ mua từ Iran xuống khoảng 3 triệu tấn, so với 11,5 triệu tấn đã mua năm ngoái, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez cho biết ngày 9/11. Nhà máy lọc dầu Thổ Nhĩ Kỳ Tupras Turkiye Petrol Rafinerileri AS đang tìm kiếm các nguồn hàng thay thế cho hàng nhập khẩu của Iran, theo Donmez.

Bất ngờ Thổ hứng loạt hệ luỵ từ đòn giáng mạnh Mỹ vào Iran - Ảnh 1.

Ngành năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ phải hạn chế lượng dầu mua từ Iran. (Nguồn: Bloomberg)

"Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran gián tiếp tác động đến người dân Thổ Nhĩ Kỳ," Donmez nói với đài truyền hình NTV ở Ankara.

Rạn nứt ngày càng tăng về vấn đề Iran là một vấn đề phức tạp nữa sau khi mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Hoa Kỳ đã xuống mức thấp bởi những cuộc tranh cãi về vấn đề an ninh và kinh tế trong những năm gần đây. Khi nền kinh tế đã bị suy giảm sau nhiều đợt tranh chấp, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lúc này lo sợ rằng, các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran đang tạo ra một áp lực mới.

Hiện chưa rõ ràng liệu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ có cơ hội để đưa vấn đề của mình trực tiếp tới người đồng nhiệm Mỹ Donald Trump vào ngày 11/11 tới hay không, khi họ sẽ là một trong những nhà lãnh đạo thế giới có mặt ở Paris để tham dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến I. Ông Trump và ông Erdogan gặp nhau lần cuối tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9, bắt tay nhau nhưng không đối thoại về những căng thẳng chính giữa hai bên.

Mỹ - Thổ vượt lên loạt thăng trầm

Kể từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã thả mục sư người Mỹ Andrew Brunson, người đã bị giam giữ gần hai năm vì nghi ngờ đóng một vai trò trong một cuộc đảo chính thất bại năm 2016 chống lại ông Erdogan. Vụ việc này trước đó đã trở thành rào cản chính trong quan hệ song phương. Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với hai quan chức Thổ Nhĩ Kỳ trước đó được Washington là có liên quan đến việc mục sư này bị giam giữ.

Ông Erdogan cũng từng cho biết, cuộc đàm phán với Mỹ về những lo ngại của Washington đối với ngân hàng quốc doanh của Thổ Nhĩ Kỳ Halkbank đang trên một con đường tích cực. Thổ Nhĩ Kỳ đang đấu tranh để bảo đảm việc phóng thích cho công dân Mehmet Hakan Atilla, cựu lãnh đạo ngân hàng Halkbank, trước đó bị một tòa án New York kết tội hồi đầu năm nay vì đã tham gia vào một kế hoạch giúp Iran tránh được các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ.

Tuy nhiên, sự khác biệt về vấn đề Iran có thể khó giải quyết hơn. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã phản đối lập trường của Mỹ, và ông Erdogan đã nói vào ngày 6/11 rằng, "chúng tôi nghĩ, các biện pháp trừng phạt như vậy là nhằm lật đổ sự cân bằng trên thế giới" và vi phạm luật pháp quốc tế và chính sách ngoại giao.

Ông Erdogan không đơn độc khi đưa ra nhiều lời chỉ trích quyết định của ông Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đạt được trong năm 2015 (JCPOA). Các bên khác trong thỏa thuận, bao gồm Nga và Liên minh châu Âu, đã cam kết cứu vãn hiệp ước này và coi đây là con đường quan trọng đối với an ninh quốc tế.

Bất chấp sự miễn trừ mà các quốc gia nhận được, cũng bao gồm Ấn Độ và Trung Quốc, chính quyền Trump nói rằng tám quốc gia này cần phải chứng minh rằng họ đang nỗ lực để đưa lượng dầu nhập từ Iran về mức không. Các nhượng bộ này dự kiến sẽ kéo dài 180 ngày, mặc dù chúng có thể được gia hạn.

Cổ phiếu của Tupras sụt giảm sau khi Donmez nói nhà máy lọc dầu lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chỉ có thể mua khoảng một phần tư dầu thô Iran mà họ từng mua vào thời điểm trước khi Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt. Những phát biểu gần đây đã tạo ra kỳ vọng giữa một số nhà đầu tư rằng công ty này sẽ được miễn thuế hoàn toàn, theo Toygun Onaran, một nhà nghiên cứu cổ phiếu tại Oyak Securities ở Istanbul.

Mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Hoa Kỳ đã trở nên căng thẳng khi Ankara từ chối cho phép quân đội Mỹ tiến vào tấn công Iraq láng giềng thông qua lãnh thổ của họ vào năm 2003.

Bên cạnh vấn đề Iran, những thách thức khác hiện nay bao gồm, kế hoạch mua một hệ thống phòng thủ tên lửa từ Nga của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như việc Mỹ liên minh với một lực lượng dân quân ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là kẻ thù. Một vấn đề gây tranh cãi khác là Mỹ đang rất miễn cưỡng trong việc dẫn độ Fethullah Gulen, giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ sống lưu vong tại Pennsylvania mà ông Erdogan cáo buộc là chủ mưu nỗ lực đảo chính thất bại.

Hiện tại, việc được miễn trừ đã đủ để cứu vãn cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, và các nhà chức trách ở Ankara đang kì vọng về những đề xuất mới từ Mỹ (có thể mở ra lối thoát-pv) trong sáu tháng tới, theo phát ngôn viên của ông Erdogan - Ibrahim Kalin.

"Ưu tiên của chúng tôi là lợi ích quốc gia của chúng tôi", Kalin nói với truyền hình Haberturk tuần này. "Chúng tôi sẽ không từ bỏ lợi ích quốc gia của chúng tôi bởi vì Hoa Kỳ trừng phạt một quốc gia vì lý do này hoặc lý do kia."


An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ