(Tổ Quốc) - Một thượng đỉnh thường niên sớm trong năm nay sẽ là một cơ hội mới cho quan hệ Trung Quốc - EU.
Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh sớm hơn với Trung Quốc trong tháng 4 hoặc tháng 5 tới tại Brussels để thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác quốc tế trong bối cảnh sự ủng hộ đối với chủ nghĩa bảo hộ và hướng nội của Washington đang gia tăng, các quan chức EU cho biết.
Trung Quốc và EU luôn tham gia một hội nghị thượng đỉnh hàng năm, thường là vào tháng 7, tuy nhiên, thời gian cụ thể cho sự kiện này vẫn chưa được ấn định chính thức trong năm 2017. Một trong những quan chức trên cho biết Bắc Kinh đã yêu cầu sự kiện này nên diễn ra càng sớm càng tốt.
Nền tảng xích lại gần nhau
EU tin rằng Trung Quốc coi hội nghị thượng đỉnh lần này là cơ hội để nhấn mạnh quan điểm bảo vệ sự mở cửa thương mại và quan hệ giao lưu toàn cầu – đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 1 vừa qua – động thái được cho là để phản ứng lại những tuyên bố bảo hộ về kinh tế của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Chủ tịch Tập Cận Bình đang thúc đẩy sự mở cửa thương mại và quan hệ giao lưu toàn cầu. (Nguồn: Reuters) |
"Với một hội nghị thượng đỉnh được diễn ra sớm hơn, Trung Quốc muốn gửi thông điệp đến Mỹ rằng họ đang có bạn bè ở châu Âu," một quan chức hỗ trợ phát triển chính sách của EU cho biết.
EU, mặt khác, muốn thu hút sự ủng hộ của Trung Quốc đối với các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc trong bối cảnh Mỹ và Nga đang ngày càng bỏ qua vai trò quan trọng của tổ chức này. Một ví dụ tiêu biểu là Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã mở tiến trình đàm phán riêng về Syria dù những vòng đàm phán do LHQ bảo trợ nhằm giải quyết cuộc xung đột dai dẳng tại đây vẫn chưa đi đến hồi kết.
"Trong khi một số quốc gia đang làm xói mòn hoặc suy yếu các tổ chức quốc tế, chúng tôi muốn thấy Trung Quốc ủng hộ và tin tưởng vào Liên Hiệp Quốc hay Tổ chức Thương mại Thế giới," một quan chức thứ hai của EU cho biết.
Reuters cũng dẫn thông tin từ Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang cho biết Trung Quốc đã liên lạc với EU về những sắp xếp cho hội nghị thượng đỉnh và các chi tiết của sự kiện năm nay sẽ được công bố trong thời gian tới.
"Chúng tôi muốn có một thế giới đa cực và EU đóng một vai trò rất quan trọng trong đó," Reuters dẫn một nguồn tin ở Bắc Kinh hiểu rõ về chính sách của Trung Quốc đối với EU nói.
Trong khi ông Trump đã ca ngợi quyết định của Anh rời khỏi EU - một thất bại chưa từng có đối với khối này, Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố muốn thấy một châu Âu mạnh mẽ, ổn định và thống nhất, và cho thấy sự lo ngại sau tiến trình Brexit.
Lo ngại bởi sự ra đi của Anh, khối thương mại lớn nhất thế giới hoan nghênh mong muốn của Trung Quốc trong việc phản đối các chính sách kinh tế của ông Trump, người cũng chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc và đe dọa sẽ áp đặt thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu.
Trước đó, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại đa phương với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương TPP, cam kết sẽ đàm phán lại thỏa thuận tự do thương mại của Hoa Kỳ với Canada và Mexico NAFTA, đồng thời muốn bảo vệ các ngành công nghiệp ở Hoa Kỳ trước sự cạnh tranh từ nước ngoài bằng cách thu thuế mới đối với hàng hóa.
"Châu Âu không muốn nhìn thấy một sự đảo ngược của toàn cầu hóa," Jin Canrong của khoa Nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân dân của Trung Quốc cho biết. "Nếu thế giới Anglo-Saxon (Anh) rút khỏi toàn cầu hóa, chúng tôi hy vọng Trung Quốc và châu Âu có thể đưa tiến trình này trở lại."
Mối quan hệ không dễ dàng
Cuộc họp cuối cùng của EU và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã diễn ra tại Bắc Kinh vào năm 2016 trong một bầu không khí căng thẳng khi trong cùng ngày hôm đó, tòa Trọng tài thường trực PCA đã ra phán quyết rằng những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông là phi pháp.
EU vẫn đang thận trọng về hướng đi của đối tác thương mại lớn thứ hai của mình, quan ngại bởi sản lượng xuất khẩu thép lớn của Trung Quốc hay hành động bồi đắp trái phép các đảo ở Biển Đông.
Cũng trong năm 2016, EU đã bày tỏ nhiều lo ngại với Bắc Kinh về mặt ngoại giao đối với vấn đề Biển Đông, quyết định không công nhận Trung Quốc là nền kinh tế thị trường trong khi cả hai bên cũng chưa thống nhất được biện pháp giải quyết cuộc tranh chấp thương mại về ngành thép Trung Quốc.
Một hội nghị thượng đỉnh diễn ra sớm trong năm nay có thể giảm bớt những căng thẳng trong năm 2016.
Các vấn đề nổi bật giữa hai bên hiện liên quan đến một hiệp ước đầu tư Bắc Kinh và Brussels vào năm 2013 đã đồng ý khởi động đàm phán để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai bên làm việc tại khu vực của nhau - điều được xem là tiền thân của một hiệp định tự do thương mại trong tương lai.
Trung Quốc cũng đã cam kết đầu tư vào quỹ cơ sở hạ tầng mới của EU, tuy nhiên gần hai năm thảo luận vẫn chưa dẫn tới quyết định của Bắc Kinh do hai bên chưa thống nhất được về cách nguồn tiền này được sử dụng.
Bên cạnh đó, dù EU nói rằng họ đứng trung lập trong tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, khối này luôn hi vọng tự do hàng hải và hàng không tại vùng biển này được duy trì.
Là một trong những sản xuất thép hàng đầu thế giới, sản lượng thép Trung Quốc đang gần gấp đôi tổng sản lượng thép EU. Các quốc gia phương Tây đang đổ lỗi cho xuất khẩu thép Trung Quốc đã gây ra một cuộc khủng hoảng thép toàn cầu, đe dọa công ăn việc làm và buộc nhiều nhà máy phải đóng cửa.
Trong hội nghị này, Trung Quốc có thể sẽ đưa ra dự án cơ sở hạ tầng hướng về phía tây của họ - "Một vành đai, Một con đường" - dự án được cho là có lợi cho EU và Bắc Kinh cũng đang tìm kiếm sự hỗ trợ và tham dự của EU trong Ngân hàng Phát triển hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này khởi xướng từ năm 2015.
"Nếu Trung Quốc muốn giúp duy trì trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp thì chúng tôi hoan nghênh điều đó", một quan chức EU nói. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng nói rằng: chúng ta hãy nhìn nhận một số bước đi cụ thể."
(Theo Reuters)