(Tổ Quốc) - Nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên đã trao đổi thư bày tỏ hy vọng về cải thiện mối quan hệ song phương. Động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương xấu đi nhanh chóng trong ba năm qua khi tiến trình đàm phán hạt nhân bị đóng băng và Triều Tiên tăng tốc phát triển vũ khí.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm thứ Tư đã nhận được một bức thư cá nhân từ Tổng thống sắp mãn nhiệm của Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Kim sau đó đã trả lời bằng bức thư riêng vào thứ Năm, đánh giá cao những nỗ lực hòa bình của ông Moon trong nhiệm kỳ qua.
Tín hiệu mới giữa loạt căng thẳng
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) – cơ quan truyền thông chính thức của Bình Nhưỡng hôm thứ Sáu cho biết việc trao đổi thư của hai nhà lãnh đạo thể hiện "sự tin tưởng sâu sắc". Văn phòng của ông Moon cũng xác nhận rằng ông đã trao đổi thư với nhà lãnh đạo Triều Tiên, nhưng không thông tin về nội dung bức thư.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đã gia tăng kể từ một loạt vụ thử vũ khí của Triều Tiên trong năm nay, bao gồm cả vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên kể từ năm 2017 vào tháng 3 vừa qua. Những động thái này được coi là bước đi hồi sinh tiến trình phát triển hạt nhân nhằm buộc Mỹ chấp nhận nước này là cường quốc hạt nhân và loại bỏ các biện pháp trừng phạt làm tê liệt nền kinh tế nước này.
Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc cũng đã phát hiện các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang xây dựng lại các đường hầm tại một bãi thử hạt nhân mà nước này đã phá dỡ một phần vài tuần trước cuộc gặp đầu tiên của ông Kim với Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump vào tháng 6 năm 2018. Dấu hiệu này có thể cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị nối lại các vụ thử hạt nhân.
Ông Moon đã gặp ông Kim ba lần trong năm 2018 và đã nỗ lực vận động hành lang để giúp thiết lập các cuộc gặp của ông Kim với ông Trump. Tuy nhiên, quá trình ngoại giao chưa được nối lại sau cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump lần thứ hai vào năm 2019. Trong cuộc gặp này, người Mỹ từ chối yêu cầu của Triều Tiên về việc giảm nhẹ các lệnh trừng phạt lớn để đổi lấy việc dỡ bỏ một cơ sở hạt nhân cũ – cơ sở đóng góp một phần vào năng lực hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un kể từ đó đã tuyên bố sẽ tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân của Triều Tiên để chống lại áp lực của Mỹ và đẩy nhanh quá trình phát triển vũ khí dù nguồn lực bị hạn chế và những khó khăn liên quan đến đại dịch Covid-19.
Triều Tiên cũng cắt đứt mọi hợp tác với chính phủ của ông Moon trong khi bày tỏ sự tức giận về việc các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn vẫn đang được thực hiện. Các hoạt động diễn tập này vốn đã bị cắt giảm trong những năm gần đây để thúc đẩy ngoại giao với Triều Tiên và Seoul không thể thay mặt Washington nhượng bộ.
Leo thang nhiều nguy cơ
KCNA cho biết ông Moon đã viết trong bức thư gửi ông Kim rằng ông sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực tái thống nhất Triều Tiên dựa trên các tuyên bố chung về hòa bình liên Triều được ban hành sau các cuộc gặp của họ vào năm 2018.
Ông Kim và ông Moon chia sẻ quan điểm rằng "quan hệ liên Triều sẽ được cải thiện và phát triển như mong muốn và dự đoán nếu (miền Bắc và miền Nam) luôn giữ vững hy vọng", KCNA cho biết.
Nhà lãnh đạo tiếp theo của Hàn Quốc có thể có đường lối cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng. Tổng thống mới đắc cử của đảng Bảo thủ Yoon Suk Yeol, người nhậm chức vào ngày 10/5 tới, đã từ chối theo đuổi "đàm phán vì lợi ích" với Triều Tiên và tuyên bố sẽ củng cố quan hệ đồng minh của Seoul với Washington, cũng như tiếp tục các cuộc tập trận quân sự toàn diện để chống lại mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Các nhà phân tích cho rằng Triều Tiên cũng có khả năng leo thang các cuộc biểu dương vũ khí trong những tuần hoặc tháng tới để buộc chính quyền Biden phản ứng. Washington vốn đang tập trung vào cuộc xung đột tại Ukraine và sự cạnh tranh giữa họ với Trung Quốc.
Đặc phái viên của ông Biden về Triều Tiên, Sung Kim, đã đến Seoul trong tuần này để gặp các quan chức cấp cao của Hàn Quốc và cho biết họ nhất trí về sự cần thiết phải có phản ứng mạnh mẽ để chống lại "hành vi gây bất ổn" của Triều Tiên.
Sau khi giữ vững giọng điệu hòa giải trong nhiều năm, chính phủ của ông Moon cũng đã phản đối mạnh mẽ hơn các vụ thử vũ khí của Triều Tiên trong năm nay, chỉ trích chính phủ của ông Kim Jong -un về việc không còn tự áp đặt hạn chế về thử nghiệm tên lửa tầm xa và thúc giục Bình Nhưỡng quay trở lại ngoại giao.
Seoul cũng cáo buộc Triều Tiên có động thái phá hủy các cơ sở do Hàn Quốc sở hữu tại khu nghỉ mát Núi Kim Cương, nơi hai bên đã tổ chức các chuyến du lịch cùng nhau cho đến năm 2008. Năm 2019, ông Kim cho rằng các cơ sở của Hàn Quốc ở đó đã "xuống cấp" và được cho là đã ra lệnh phá hủy chúng, mặc dù hoạt động này đã bị trì hoãn bởi đại dịch virus corona.