(Tổ Quốc) - Thượng đỉnh trực tuyến Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) do Anh tổ chức hướng tới việc đảm bảo các quốc gia nghèo vẫn có cơ hội sử dụng vaccine.
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) đặt mục tiêu đảm bảo vaccine không chỉ dành cho các quốc gia giàu có mà sẽ hướng đến mục tiêu toàn cầu.
Thông báo đưa ra tại thượng đỉnh liên minh vaccine GAVI lần thứ ba, trong đó cam kết gây quỹ trị giá 8.8 tỷ đôla vượt mục tiêu ban đầu là 7.4 tỷ đôla thúc đẩy hỗ trợ tiêm chủng phòng chống bệnh, trong đó có bệnh sởi.
Thượng đỉnh GAVI thúc đẩy nỗ lực của các nhà lãnh đạo thế giới hình thành cơ chế đảm bảo rằng bất kỳ khi nào vaccine chống Covid-19 sẵn sàng thì mọi quốc gia trên thế giới, bất kể giàu nghèo đều có thể sử dụng.
Trong thời gian đầu của dịch bệnh Covid-19, việc thiếu khẩu trang và máy thở khiến nhiều quốc gia gặp khó khăn trong phòng chống bệnh Covid-19.
"Các quốc gia giàu có dường như đang cố gắng để có thể có vaccine về tay sớm nhất. Điều này khiến các quốc gia nghèo hơn phải lùi lại. Đây là một vấn đề. Tôi chưa từng thấy quốc gia nào nói: Châu Phi cần nhiều hơn chúng tôi, vì vậy họ phải có vaccine trước tiên". Giáo sư y tế công cộng quốc tế tại Trường Y học Nhiệt đới Luân Đông cho biết.
Quỹ này được mô phỏng theo công việc trước đây mà GAVI từng làm đối với các loại vaccine như phế cầu khuẩn hay Ebola.
"Bằng việc tăng cường đảm bảo số lượng cho các ứng viên cụ thể trước khi được cấp phép, Gavi Covax AMC sẽ khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư sản xuất. Điều này nhằm gia tăng nguồn cung và giảm thời gian cần thiết để vaccine nhanh được cấp phép, đặc biệt là đối với các quốc gia nghèo nhất trên thế giới", Gavi cho biết.
AstraZeneca đã thông báo đây là nhà sản xuất vaccine đầu tiên đăng ký với Gavi Covax AMC. Trong điều khoản hợp đồng trị giá 750 đôla với Gavi, AstraZeneca cam kết đảm bảo sẽ có 300 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trong nỗ lực hợp tác với Đại học Oxford. Các liều vaccine sẽ được cung cấp khi nhận được giấy phép hoặc thông qua Tổ chức Y tế thế giới, dự kiến vào cuối năm nay.
Cả AstraZeneca và Oxford đều nói rằng họ cam kết hoạt động dựa trên nền tảng không lợi nhuận trong thời gian đại dịch nhằm thúc đẩy tiếp cận rộng rãi và công bằng, bao gồm cả quốc gia thu nhập thấp.
AstraZeneca cũng đã đạt thỏa thuận cấp phép với Viện Huyết thanh Ấn Độ nhằm cung cấp một tỷ liều cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình.