• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ngờ tuyên bố phát triển vaccine ngừa COVID-19, Triều Tiên giấu "lá bài" gì trong tay?

Thế giới 21/07/2020 08:20

(Tổ Quốc) - Triều Tiên mới đây tuyên bố sẽ tham gia phát triển vaccine COVID-19 – một cuộc chạy đua hiện thu hút những cường quốc và tập đoàn y tế hàng đầu thế giới, đồng thời tiêu tốn hàng tỷ USD.

CNN đăng tải, nếu những gì Ủy ban Khoa học và Công nghệ Triều Tiên phát biểu là đáng tin cậy, quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của một loại vaccine trong nước sản xuất đã được triển khai. Hiện các cơ quan liên quan đang tranh luận xung quanh giai đoạn tiếp theo là tiến hành thử nghiệm trên con người.

Với số lượng người lây nhiễm đã lên tới gần 14,5 triệu người và hơn 605.000 người thiệt mạng trên toàn cầu vì COVID-19, cuộc chạy đua phát triển vaccine phòng chống loại virus này trở thành một trong những thách thức khoa học và công nghệ gây sức ép nhất mà thế giới phải đối đối mặt trong thời gian gần đây. Nó gần như chắc chắn đòi hỏi những khoản tiền khổng lồ và các quốc gia đang đầu tư mạnh mẽ vào quá trình, nhằm giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh của tự hào dân tộc và ưu thế khoa học vượt trội.

Tuy nhiên, Triều Tiên được đánh giá là một trong những nước có hệ thống chăm sóc y tế kém phát triển nhất trên thế giới. Nhiều năm qua, quốc gia châu Á vẫn phải phụ thuộc vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để cung cấp vaccine và tiêm chủng cho người dân trong nước. Thế nhưng trong đại dịch COVID-19, Bình Nhưỡng cho hay, họ không có bất kỳ ca nhiễm nào.

Bất ngờ tuyên bố phát triển vaccine ngừa COVID-19, Triều Tiên giấu "lá bài" gì trong tay? - Ảnh 1.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (ảnh: CNN)

Câu hỏi đặt ra là, tại sao một đất nước tuyên bố là không có ai nhiễm COVID-19 và nền kinh tế đang trong thời kỳ khó khăn, lại bỏ tiền và nguồn lực vào phát triển vaccine?

Đây là vấn đề không dễ trả lời. Theo CNN, nó gần như là sự kết hợp giữa mối lo ngại nguyên thủy về virus cũng như một "ván cược" nhằm thuyết phục người dân Triều Tiên rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un một lần nữa sẵn sàng đối mặt với các thách thức và bảo vệ nhân dân của mình.

Triều Tiên là một trong những nước đầu tiên coi COVID-19 như một nguy cơ nghiêm trọng vì lí do rất hợp lí: hầu hết chuyên gia đều đánh giá, hệ thống y tế nước này sẽ nhanh chóng bị quá tải nếu dịch bệnh bùng phát. Nhiều cơ sở y tế tại Triều Tiên thậm chí còn không thể tiếp cận với nguồn điện và nước. Quốc gia châu Á thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu thốn trang thiết bị y tế và thuốc men.

Năng lực xét nghiệm cũng là một vấn đề lớn. Đại diện WHO tại Bình Nhưỡng, Tiến sỹ Edwin Salvador cho hay, tính tới đầu tháng 7, chỉ 922 người trên tổng số dân số khoảng 25 triệu người của Triều Tiên, được xét nghiệm COVID-19.

Ông Salvador tiết lộ, kể từ khi đại dịch bắt đầu, 25.551 người đã được cách li và sau đó được trả về nhà. Hôm 3/7, chỉ còn 255 người – tất cả đều là công dân Triều Tiên còn bị cách li.

Nhiều chuyên gia y tế độc lập tỏ ý nghi ngờ trước việc Triều Tiên không có ca nhiễm COVID-19 nào. Virus corona mới có tỷ lệ lây nhiễm cao và có thể dễ dàng xâm nhập vào một quốc gia mà không bị phát hiện.

Tất nhiên, Triều Tiên được chuẩn bị tốt để ngăn chặn các ổ dịch bùng phát do họ có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp phong tỏa mà các nước khác sẽ tốn nhiều thời gian hơn để thực hiện. Triều Tiên từ lâu cũng đã kiểm soát chặt chẽ những người đến từ bên ngoài – chỉ một số lượng nhỏ các nhà ngoại giao, du khách và nhân viên cứu trợ, cũng như những địa điểm công dân Triều Tiên được phép và không được phép đi. Một số người đào ngũ khỏi Triều Tiên kể lại, người dân thậm chí không được đi xa khỏi nhà không có giấy phép của chính quyền.

Hồi đầu tháng 7, Chủ tịch Kim Jong-un nói, các nỗ lực của Triều Tiên là "một thành công tỏa sáng". Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo các quan chức không được tự mãn vì cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu vẫn chưa kết thúc.

Hiện chưa rõ vai trò của "ứng viên" vaccine sản xuất trong nước đối với chiến lược chống đại dịch của Triều Tiên. Mặc dù vậy, Bình Nhưỡng không thể phủ nhận rằng, họ đang ở phía sau trong cuộc đua chế tạo vaccine. Tới thứ 4 tuần trước (15/7), đã có hơn 140 loại vaccine tiềm năng đang được đánh giá tiền lâm sàng và 23 loại khác đang trong giai đoạn thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Giá trị của một số tập đoàn y tế đang phát triển các mẫu vaccine – thậm chí còn lớn hơn toàn bộ nền kinh tế Triều Tiên.

Vì vậy, về mặt tài chính, việc Triều Tiên thúc đẩy phát triển vaccine không hề mang ý nghĩa thực tiễn. Nhưng nếu nhìn vào khía cạnh tuyên truyền, mọi thứ lại trở nên rõ ràng hơn.

"Tài năng, khoa học và công nghệ là những tài sản và vũ khí chiến lược chủ chốt của chúng ta", một bài viết xuất bản hồi tháng 6 của hãng thông tấn Triều Tiên KCNA khẳng định. "Nhờ vào tầm nhìn mức độ thế giới của khoa học gia và kỹ thuật gia của Triều Tiên, cũng như sự tự tôn vì được sống trong một quốc gia hùng mạnh cùng trí thức rộng lớn của họ - sức mạnh và uy tín của Triều Tiên đang được minh chứng trên trường quốc tế".

Trong những lần xung đột với Hàn Quốc hoặc Mỹ, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là minh chứng rõ rệt nhất của niềm tin trên. Sau tất cả, Triều Tiên là một trong 8 quốc gia trên thế giới từng thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Truyền thông Triều Tiên thường có xu thế tập trung vào những linh vực mà nước này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt là điện và an ninh lương thực. Tuần trước, KCNA đưa tin về một loại khoai tây mới được các nhà khoa học Triều Tiên phát triển cũng như việc tìm ra 10 giống rau mới, ngon lành và giàu chất dinh dưỡng. Trước đó, báo chí cũng đề cập tới những thành tựu như lại tạo được giống cá vàng mới, phát kiến công nghệ tại một nhà máy chế biến thị bò hay sản xuất thành công loại đèn tia cực tím tốt hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu…

Tất nhiên, chế tạo được vaccine COVID-19 là một thách thức lớn hơn rất nhiều. Và tới chiều ngày 20/7, KCNA vẫn chưa chính thức thông báo về các nỗ lực phát triển vaccine của Triều Tiên. Nguồn thông tin liên quan tới vaccine mới chỉ xuất hiện trên một trang web của chính phủ nước này.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ