(Tổ Quốc) - NATO đang lên kế hoạch cải tổ năng lực quân sự toàn diện, từ an ninh mạng đến phòng vệ hạt nhân.
Trong một cuộc họp ở Brussels đầu tuần này, các bộ trưởng quốc phòng của khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí tăng cường khả năng phòng thủ của liên minh và thảo luận về tương lai một sứ mệnh của NATO tại Afghanistan.
Ngày 29/6, các bộ trưởng quốc phòng thành viên NATO đã đồng ý về các mục tiêu mới nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của liên minh trong một số lĩnh vực then chốt, bao gồm vũ khí hạng nặng, tiếp nhiên liệu trên không và tăng cường số lượng binh lực sẵn sàng cho hoạt động triển khai nhanh.
Các mục tiêu mới của NATO liên quan đến việc huấn luyện các đơn vị quân đội hiện có của NATO và đào tạo thêm các lực lượng mặt đất, hàng hải và không gian. (Nguồn: Reuters) |
Cuộc họp này được tổ chức một tháng sau hội nghị thượng đỉnh của NATO, khi các nhà lãnh đạo hàng đầu đưa ra các quyết định mới về việc gia tăng chi phí quốc phòng của liên minh, điều phù hợp với các nghĩa vụ trước đây của họ và các yêu cầu của Hoa Kỳ.
Từ an ninh mạng đến phòng vệ hạt nhân
Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, các mục tiêu mới của khối cũng liên quan đến việc huấn luyện các đơn vị quân đội hiện có của NATO và đào tạo thêm các lực lượng mặt đất, hàng hải và không gian.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói với các phóng viên rằng các kế hoạch này liên quan đến "mọi vấn đề, từ an ninh không gian mạng đến phòng vệ hạt nhân".
ÔngStoltenberg cũng lưu ý rằng điều này bao gồm, trong số những mục tiêu khác, là tăng cường khả năng phòng không của liên minh, chẳng hạn như hệ thống phòng không của hải quân và phát triển năng lực của không quân NATO với sự hỗ trợ của máy bay có khả năng hoạt động theo các điều kiện của hệ thống A2/AD - chống truy cập / ngăn chặn xâm nhập.
Các kế hoạch của NATO cũng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ - diễn ra trong bối cảnh có những dữ liệu mới về sự gia tăng ngân sách quốc phòng của liên minh này.
Ngày 29/6, liên minh này nói trong một báo cáo rằng vào năm 2017, chi phí của các quốc gia thành viên NATO để phục vụ cho các mục tiêu quốc phòng sẽ lên tới 946.96 tỉ USD so với 920,11 tỷ USD vào năm 2016.
Trong đó, đóng góp của Mỹ chiếm 683,4 tỷ USD và phần của các thành viên khác trong liên minh sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất trong ít nhất 8 năm.
Cuộc chiến tại Afghanistan
Cũng giành được sự chú ý trong chương trình nghị sự tại phiên họp ngày 29/6 là tương lai của nhóm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ của NATO tại Afghanistan.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp, ông Stoltenberg nói rằng sự hiện diện của NATO tại Afghanistan sẽ được đưa vào đúng vị trí sau năm 2017 và rằng đội ngũ của NATO ở đây sẽ được tăng cường. Tuy nhiên, liên minh này hiện vẫn chưa rõ ràng số quân chính xác mà họ sẽ triển khai tới Afghanistan.
Trước đó, các tướng lĩnh quân đội NATO đã đưa ra một danh sách các yêu cầu, theo đó cần bổ sung thêm vài ngàn quân NATO để huấn luyện hiệu quả hơn và trợ giúp các lực lượng an ninh Afghanistan.
Các nguồn tin cho hay, khoảng 4.000 lực lượng bổ sung của NATO có thể được triển khai tới Afghanistan trong tương lai.
Ông Stoltenberg nói với các phóng viên ngay trước khi cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng NATO về vấn đề này được diễn ra tại trụ sở liên minh tại Brussels rằng: "Hôm nay tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi sẽ tăng cường sự hiện diện của chúng tôi ở Afghanistan. 15 quốc gia sẽ cam kết tăng cường đóng góp vào nhóm nhiệm vụ Hỗ trợ kiên quyết. Và hi vọng sẽ nhận được các tuyên bố mạnh mẽ hơn nữa từ các quốc gia khác."
NATO đang chờ đợi quyết định của Hoa Kỳ - hiện vẫn chưa xác định mục tiêu chiến lược của mình tại khu vực này. Theo ông Mattis, cuộc họp cấp bộ trưởng tại Brussels sẽ cho phép Washington tiến lên phía trước trong vấn đề này. Hiện tại, quân đội gồm 13.500 binh lính mạnh mẽ của NATO ở Afghanistan bao gồm 6.900 lính Mỹ.
Trong ngày 28/6, ông Stoltenberg nói rằng NATO chưa có kế hoạch nối lại hoạt động chiến dịch ở Afghanistan, tuy nhiên, đã quyết định tăng cường đào tạo và hỗ trợ các lực lượng Afghanistan.
Ông nói thêm rằng NATO không coi quyết định ngừng nhiệm vụ của liên minh ở Afghanistan trong năm 2014 là một sai lầm.
Ông Stoltenberg chia sẻ với các nhà báo rằng: "Quyết định về việc hoàn thành chiến dịch quân sự của NATO và chuyển tiếp sang nhiệm vụ đào tạo không phải là sai lầm. Ông lưu ý rằng "tốt hơn là cho phép các lực lượng vũ trang địa phương ổn định đất nước hơn là công việc đó được thực hiện bởi lực lượng NATO".
Trong khi đó, ông chủ Lầu Năm Góc Mattis thừa nhận rằng việc rút quân Mỹ khỏi Afghanistan đã bị thúc đẩy quá nhanh. Ông Mattis nói: "Nhìn lại vấn đề, chúng tôi đã nhất trí cho rằng, chúng tôi đã rút quân khỏi đó quá nhanh, giảm số lượng quá nhanh".
Bình luận về tuyên bố trên của phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Tariq Shah Bahrami lưu ý rằng "cộng đồng quốc tế không thể để lực lượng ở Afghanistan quá lâu."
(Theo Sputnik)