• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bất ổn thị trường lao động Hàn Quốc

Thế giới 01/08/2015 06:17

(Toquoc)- Thị trường lao động tại Hàn Quốc đang trở nên bất ổn và khó dự đoán, kéo theo nhiều căng thẳng trong xã hội.

(Toquoc)- Thị trường lao động tại Hàn Quốc đang trở nên bất ổn và khó dự đoán, kéo theo nhiều căng thẳng trong xã hội.

Theo các số liệu của tờ Korean Herald, số thanh niên lứa tuổi 20 thất nghiệp tại Hàn Quốc hiện tại đang là 410 nghìn người, tăng từ con số 33 nghìn năm 2013 (mức cao nhất kể từ năm 2000). Năm 2014, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp của Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục 9% trong tháng 12, theo thống kê chính thức, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp là 3,5%.

Ảnh hưởng từ khủng hoảng năm 1997

Những số liệu trên đã gây ra sự ngạc nhiên cho nhiều chuyên gia luôn chú ý đến những thay đổi của xã hội Hàn Quốc từ sau năm 1997, khi châu Á đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Năm 1997, Hàn Quốc đã đối mặt với nhiều khủng hoảng liên tiếp, bao gồm sự sụp đổ của đồng won, giảm giá xuống còn khoảng 1700 won/USD từ mức 1000 won/ USD, và cuối cùng phải chấp nhận gói cứu trợ 57 tỉ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF với nhiều điều kiện khắt khe, buộc nước này phải tiến hành những cải cách đầy đau đớn và làm cho nền kinh tế Hàn Quốc bị thu hẹp đáng kể.

Một thế hệ mới đã được sinh ra trong khoảng thời gian này, khi sự suy yếu về kinh tế, xã hội đẩy Hàn Quốc gần đến bờ vực phá sản. Một thế hệ 880 nghìn won đã xuất hiện, thuật ngữ được Giáo sư kinh tế Woo Suk-hoon đặt ra trong một cuốn sách năm 2007. 880 nghìn won, khoảng 750 USD thu nhập mà một người lao động không thường xuyên hoặc theo hợp đồng có thể nhận được mỗi tháng. Khái niệm này đã thể hiện sự mất mát trước những cam kết về sự tiến bộ và đảm bảo an ninh tài chính cho Hàn Quốc được đưa ra sau năm 1997.

Trong khi các trụ cột của nền xuất khẩu Hàn Quốc- chaebol (tập đoàn lớn) có thể đã dần hồi phục từ cuộc khủng hoảng mà họ cũng có phần tạo ra (trước năm 1997, các tập đoàn nhận được nhiều sự ủng hộ - tỉ lệ đòn bẩy cao trong khi hoạt động tài chính vô trách nhiệm, tăng trưởng chủ yếu từ tiền nợ) thì người lao động Hàn Quốc, trong đó có lực lượng lao động thường trực chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều người trong số họ phải chịu cảnh thất nghiệp hoặc có việc làm bấp bênh (chuyển sang làm việc theo hợp đồng ngắn hạn hoặc tạm thời). Đây cũng là hậu quả không đáng ngạc nhiên đối với lớp thanh niên trẻ hiện nay tại Hàn Quốc.

Một phần của nạn thất nghiệp cũng là xu hướng chỉ lựa chọn những việc làm thường trực ít ỏi và uy tín của phần lớn thanh niên Hàn Quốc. Trong khi những người trẻ với bằng cấp và kiến thức tốt bỏ qua nhiều công việc ở những công ty ít danh tiếng hơn- được cho là không đáp ứng được mong muốn của họ, và dẫn đến là tỉ lệ thanh niên Hàn Quốc không có việc làm gia tăng.



Tháng 2/2015, tỉ lệ thất nghiệp của giới trẻ Hàn Quốc (độ tuổi 15-29) đạt 11.1% trong khi tỉ lệ thất nghiệp chung đạt 4.6%

Tình trạng ảm đạm

Bên cạnh đó, lực lượng lao động ở tất cả mọi lứa tuổi, đặc biệt những người được coi là “thất học” (theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc) đều cảm thấp áp lực nặng nề hơn. Số lượng ngày càng tăng những người lao động tạm thời và người cao tuổi với điều kiện sống khó khăn là đáng lo ngại.

Theo nguồn khảo sát chính thức năm 2014, số người có việc làm tăng lên 533.000 đến 25,6 triệu, mức tăng lớn nhất trong 12 năm. Tuy nhiên hầu hết công việc đều tuyển dụng những người thuộc độ tuổi 50, nhiều chuyên gia nghi ngờ rằng đây là những công việc cấp thấp với mức lương không cao. Nhiều doanh nghiệp buộc nhân viên ngoài 50 tuổi nghỉ hưu sớm để tiết kiệm chi phí, do đó họ phải đi tìm thêm những công việc tạm thời khác để trang trải cuộc sống. Hệ thống hưu trí ở Hàn Quốc còn kém phát triển trong khi tỷ lệ người cao tuổi nghèo đói của nước này cũng thuộc hàng cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Còn đối với nhiều người trẻ, họ đã buộc phải làm những công việc tạm thời hoặc hợp đồng ngắn hạn từ vài tháng tới 1 năm, sau một thời gian dài không tìm được việc làm. Theo một cuộc điều tra của Cục thống kê Hàn Quốc năm ngoái, trong số những người trẻ tìm được việc làm, 19.5% làm việc theo hợp đồng dưới 1 năm.

Đồng thời có đến 34.8% thanh niên cho biết họ phải bỏ việc khi hết hạn hợp đồng hoặc tiếp tục làm việc với điều kiện tạm thời. Điều này có thể cho rằng thanh niên Hàn Quốc đang bắt đầu sự nghiệp của họ một cách không vững chắc.

Số liệu thống kê cho thấy rằng tại Hàn Quốc, những người khởi nghiệp như một lao động tạm thời có thể sẽ tiếp tục như vậy, liên tục tìm công việc mới mỗi hai năm, hoặc thậm chí trở thành thất nghiệp.

Thống kê từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy chỉ có 11.1% người lao động ngắn hạn thành công trở thành nhân viên chính thức sau một năm, 69.4% tiếp tục là nhân viên tạm thời và 19.5% trở thành thất nghiệp.

Gây căng thẳng xã hội

Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên khắp đất nước, kéo dài nhiều ngày để đòi quyền lợi cho người lao động.

Nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5 vừa qua, theo AFP, các công đoàn ước tính hơn 100.000 công nhân đã tham gia hai cuộc biểu tình ở thủ đô Seoul, tuy nhiên cảnh sát cho rằng con số thực tế là 38.000 người.

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đang thúc đẩy kế hoạch cải cách cơ cấu thị trường lao động và sửa đổi hệ thống lương hưu công chức. Điều này được cho là sẽ tạo ra sự linh hoạt trên thị trường lao động, cho phép chủ lao động dễ tuyển dụng hoặc sa thải nhân công hơn. Tuy nhiên người biểu tình cho rằng chính phủ muốn hạn chế quyền lợi của người lao động.

Đầu tháng 6, hai công nhân chính thức của công ty Kia Motors đã treo biểu ngữ kêu gọi Chủ tịch tập đoàn Huyndai Chung Mong-koo chịu trách nhiệm về những cam kết đối với nhân viên hợp đồng và tạm thời. Theo một báo cáo của Media Today, sau khi tuyển dụng hơn 3000 công nhân mới (với điều kiện lao động không xác định), Kia Motors hứa sẽ bổ nhiệm hơn 450 trong số họ vào các vị trí thường trực trong năm tiếp theo. Lời hứa này, rõ ràng, đã không được tôn trọng. Thay vì cung cấp việc làm ổn định, Kia được cho là thuê lao động để làm việc trong điều kiện đặc biệt" - một động thái được coi là không trung thực và bất hợp pháp đối với người lao động và công đoàn đại diện của họ.

Kim Jin-suk, một nhà hoạt động vì quyền lợi của người lao động, chia sẻ trong một thông báo trên mạng rằng "người lao động Hàn Quốc đã bị ném sang một bên." Quan điểm này của ông nhận được sự đồng tình của nhiều người.

Niềm tin suy giảm

Một bài viết trên tờ Washington Post gần đây đã trích dẫn số liệu của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy chỉ có 21% người dân Hàn Quốc bày tỏ hi vọng vào sự cải thiên của kinh tế- xã hội trong 12 tháng tới. Điều này đã chỉ ra sự bi quan về tương lai, so với 24% từ Nhật Bản và 84% của người dân Trung Quốc.

Hàn Quốc đã tránh được nhiều ảnh hưởng suy thoái sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, duy trì tốc độ tăng trưởng khá tốt, năm 2014 đạt mức 3.4% và ghi nhận mức kỷ lục về khối lượng mậu dịch, xuất khẩu và thặng dư tài khoản mậu dịch trong hai năm liên tiếp, lợi ích đó không được chia đều cho tất cả.

“Vấn đề chủ yếu là niềm tin tưởng của người dân”, Kim Kyung Soo, giáo sư kinh tế tại Đại học Sungkyunkwan ở Seoul cho biết. "Có một cuộc khủng hoảng, đặc biệt là trong giới trẻ, vì những thay đổi đang diễn ra quá nhanh. Chúng tôi đã phải đón nhận nhiều tin xấu như tỷ lệ sinh thấp và việc thu hẹp tương đối nhanh chóng lực lượng lao động trong khi người dân không kịp chuẩn bị để đón nhận chúng.”

An Bình (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ