• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Bất phối hợp” Nga, Syria: lý do thực sự trì hoãn tổng tấn công Idlib?

Thế giới 12/09/2018 07:00

(Tổ Quốc) - Lý do gì khiến lực lượng quân đội chính phủ Syria vẫn chưa tiến hành chiến dịch tấn công vào tỉnh Idlib?

Trang Daily Beast dẫn lời một số nhà lãnh đạo đối lập tại Syria nhận định, nguyên nhân khiến chiến dịch tổng lực của chính phủ Syria vào tỉnh Idlib chưa diễn ra là do, cần phải có thời gian để các lực lượng trên mặt đất có thể phối hợp được với không lực của Nga.

Hiện chính quyền Syria có khoảng 25.000 quân lính tại khu vực phía bắc. Con số này bao gồm cả 5.000 quân tiếp viện, trong đó có một phần là những tay súng đối lập đã đầu hàng và cần phải được “thử nghiệm” lòng trung thành trên chiến trường. Trong khi đó, những gì đang chờ đợi họ tại Idlib là hơn 100.000 binh lính, với rất nhiều người đến từ các vùng khác nhau ở Syria, sau loạt chiến dịch trước đó của quân đội Damascus.

Tuy nhiên, yếu tố chủ chốt còn thiếu chính là lực lượng Hezbollah và các nhóm vũ trang được Iran ủng hộ - những đồng minh quan trọng từng “sát cánh” với Tổng thống Bashar al-Assad tại Aleppo và vùng Damascus. Không có dấu hiệu các lực lượng trên đang chuẩn bị cho chiến dịch tại Idlib, trong khi Iran cũng tỏ ra không muốn tham gia vào cuộc tấn công “hứa hẹn” đẫm máu và nhiều thương vong này.

“Chúng ta có thể nói là trận chiến Idlib đã bị trì hoãn”, Fateh Hassoun, đại diện cho các lợi ích của lực lượng đối lập trong các cuộc thương thảo trong tiến trình hòa bình Astana cho biết. “Nga cần phải có một đối tác trên chiến trường cho các phi cơ chiến đấu của mình” nhưng sự hỗ trợ từ chính phủ Syria là không đủ, còn Iran không muốn tham chiến.

Columb Strack, một chuyên gia về Trung Đông nhận định, chiến dịch tấn công “gần như chắc chắn sẽ xảy ra; vấn đề chỉ là bao giờ mà thôi”. Và khi diễn ra, “đó sẽ là một quá trình chậm chạp” do quy mô của quân đội chính phủ, Strack nói với The Daily Beast. “Dần dần họ [quân đội chính phủ]  sẽ lấy lại từng ngôi làng một, dựa vào các cuộc không kích để đánh bại hoặc ép đối thủ phải đầu hàng”.

Idlib được kỳ vọng sẽ là chương cuối trong cuộc chiến đã kéo dài 7 năm tại Syria. Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi Syria, Nga và Iran không tiến hành chiến dịch tấn công. “Tổng thống Bashar al-Assad không được tấn công Idlib bất chấp hậu quả,” ông Trump viết trên Twitter. “Người Nga và Iran sẽ tạo ra một sai lầm nhân đạo khổng lồ nếu tham gia vào thảm kịch này. Hàng trăm nghìn người có thể sẽ mất mạng. Đừng để điều đó xảy ra”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng cảnh báo, một cuộc tấn công tổng lực có thể khiến tất cả chìm trong “biển máu”.

Chiến dịch tấn công Idlib sớm hay muộn cũng xảy ra nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào?

Hiện có khoảng 3,3 triệu người ở Idlib, trong đó một nửa đến từ các địa phương khác của Syria, và phần lớn đều phụ thuộc vào viện trợ nhân đạo từ bên ngoài. Như đã đề cập ở trên, có ít nhất 100.000 binh lính đối lập với một tỷ lệ không nhỏ là các tay súng cực đoan có liên hệ với tổ chức khủng bố Al Qaeda.

Moscow cũng viện cớ tiêu diệt những tàn dư của Al Qaeda để làm lý do Moscow cho việc triển khai không lực hỗ trợ cho chính phủ Syria tại Idlib.

Trong khi đó, với đường biên giới kéo dài gần 100km với Idlib, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong các bên bảo trợ cho một khu vực giảm leo thang tại đây, dựa trên một hiệp định với Nga và Iran từ một năm trước. Ankara cũng đang dành nhiều nỗ lực đàm phán để giảm bớt sự hiện diện của các tay súng Hồi giáo, nhằm ngăn cản khả năng can thiệp quân sự.

Lực lượng Hồi giáo lớn nhất tại Idlib hiện giờ tự gọi mình là Hei’at Tahrir al-Sham (HTS). Mặc dù đã tuyên bố không còn liên hệ với Al Qaeda, nhưng nhóm này vẫn bị liệt vào danh sách khủng bố. HTS có khoảng 10.000 tay súng, trong đó một nửa đến từ các nước bên ngoài Syria. Chi nhánh chính của Al Qaeda tại Idlib là Hurras Al-Din, trước đây từng là một phần của HTS, và giờ lại đang mắc kẹt trong thế đối đầu với chính “tiền thân” của mình.

HTS đã từ chối lời đề nghị tự giải tán của Tổng thống Erdogan và hiện tại, hy vọng duy nhất để từ bỏ Hurras Al-Din một cách hòa bình là để các thành viên của nhóm này được rời khỏi Idlib một cách an toàn.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Tehran hôm 7/9, ông Erdogan đã yêu cầu người đồng cấp Vladimir Putin đưa ra một lệnh ngừng bắn, cho phép các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có thêm thời gian thuyết phục HTS và dàn xếp với Hurras Al-Din. Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã từ chối; thay vào đó cả ba nhà lãnh đạo (còn có Tổng thống Iran Hassan Rouhani) lại cùng ra một tuyên bố chung kêu gọi các tay súng cực đoan buông vũ khí.

Tuy nhiên, The Daily Beast cho rằng, lý do chống lại khủng bố mà Nga đưa ra rất có thể sẽ bị lợi dụng thành một cái cớ cho một chiến dịch quét sạch lực lượng đối đầu với Tổng thống al-Assad. Sau các cuộc hội đàm tại Tehran, ông Putin cũng thừa nhận, Idlib hiện đang có “rất nhiều thường dân”. Cùng lúc,  người đứng đầu nước Nga lại nhấn mạnh, các tay súng khủng bố đến từ các khu vực từng thuộc quyền kiểm soát của các lực lượng chống lại Damascus, giờ đây “đều tập trung tại Idlib”, và họ có “rất nhiều vũ khí”. Theo Putin, “nhiệm vụ khó khăn nhất sẽ là trung lập” những tay súng này, và “các nhóm khủng bố sẽ sử dụng thường dân để làm lá chắn sống”… Ông khẳng định, Nga sẽ đảm bảo một lối thoát cho thường dân; tuy nhiên, trong thực tế, nơi duy nhất mà người dân Idlib có thể chạy tới, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ.

Cũng trong ngày 7/9, Đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc Staffan de Mustura lưu ý, “98,8% người dân Idlib là thường dân” và việc bảo vệ họ “là ưu tiên hàng đầu” mà Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế hướng tới.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ