• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Bắt tay” Nga, Israel tại Syria: kiềm Iran hay lo ngại chính Israel?

Thế giới 30/08/2018 08:16

(Tổ Quốc) - Lý do nào khiến Nga và Israel ngày càng thắt chặt quan hệ đồng minh quân sự tại Syria và trong khu vực?

Trong một bữa tiệc tối hồi tháng Sáu diễn ra tại khu dinh thự Đại sứ quán Nga ở Jerusalem, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cho thấy tại sao ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin lại đạt được một mối quan hệ tích cực như hiện tại.

Đầu tiên, Thủ tướng Israel đánh giá cao những di sản của Tolstoy  và Dostoevsky. Sau đó, ông cám ơn Hồng quân vì đã đánh bại phát-xít Đức; nhắc tới hàng triệu người Do thái nói tiếng Nga đang sinh sống tại Israel, và cuối cùng đánh giá cao những nỗ lực của ông Putin vì đã chống lại chủ nghĩa bài Do thái. “Tôi có một sự kính trọng lớn đối với Nga,” ông Netanyahu nói; “Tôi kính trọng sự đóng góp vào văn minh nhân loại và lòng dũng cảm của người dân Nga”.

Có vẻ như, những lời có cánh như vậy từ ông Netanyahu đã phát huy hiệu quả rõ rệt. Trong khi ảnh hưởng từ cuộc chiến Syria đang vượt qua biên giới Israel, Thủ tướng Israel đã tạo dựng được một liên minh với Điện Kremlin. Mối quan hệ tích cực giữa hai chính phủ trở thành một điểm sáng trên chính trường quốc tế, đặc biệt là khi Moscow vẫn chưa thoát khỏi những cáo buộc từ phương Tây như can thiệp bầu cử hay tấn công hoá học…

“Điều quan trọng hơn tất cả chính là các lợi ích chung [giữa hai nước], tuy nhiên sự thấu hiểu lẫn nhau cũng đã giúp xây dựng một niềm tin mở, và nó cho phép chúng tôi nói về các vấn đề phức tạp”, ông Alex Selsky, một cựu cố vấn cho Thủ tướng Netanyahu về quan hệ với Nga, cho biết. “Chúng tôi là đồng minh phương tây duy nhất có thể hiểu sâu sắc cả người Nga cũng như là người Mỹ”.

Tại Syria, ông Putin đã cho phép ông Netanyahu được tấn công vào các mục tiêu Iran gần với biên giới Syria - Israel. Mặc dù cùng ủng hộ cho Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng sự hợp tác giữa Nga và Iran luôn được đánh giá là nhiều sóng ngầm hơn những gì thể hiện bên ngoài. Nhìn vào cách Moscow gây áp lực lên các lực lượng Iran, Israel hy vọng có thể tìm được một cách để giữ cho đối thủ của mình rời xa khỏi khu vực biên giới, trong khi không bị vướng vào cuộc chiến tại Syria.

Kể từ đầu năm 2016 tới nay, số lần hai nhà lãnh đạo Nga và Israel gặp nhau đã lên tới con số 9, bao gồm cả lần ông Netanyahu tham dự Diễu hành Ngày chiến thắng tại Moscow. Chưa hết, tần suất nói chuyện qua điện đàm của cả hai ông đều đặn gần như là hàng tháng.  

Cũng theo ông Selsky, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Avigdor Lieberman – người có cha từng tham gia Hồng quân, là một yếu tố khác, góp phần không nhỏ khiến các cuộc gặp gỡ giữa giới quân đội hai nước diễn ra một cách êm đẹp và hiệu quả hơn. Ông Lieberman được cho là cũng thường xuyên đề cập tới các thắng lợi trên chiến trường, văn hoá hay điện ảnh Nga… trong những lần gặp gỡ với giới chức Nga.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Nga Vladimir Putin 

Mối quan hệ giữa Israel và Nga cũng là một minh chứng cho chính sách đối ngoại thành công của Điện Kremlin tại Trung Đông – nơi Moscow đang cùng lúc làm việc với một loạt các quốc gia sở hữu những lợi ích đối chọi lẫn nhau.

Các nhà phân tích cho rằng, thiếu đi sự hiện diện của Mỹ tại tây nam Syria, quyết định quay sang Nga của ông Netanyahu đã thể hiện rõ lợi ích chiến lược của các quốc gia có mặt tại Syria. Ở trong trường hợp của Israel, họ đã gần như từ bỏ việc phản đối ông Assad duy trì quyền lực.

“Mối quan hệ đang trở nên gần gũi hơn nhiều”, Dmitri Trenin, người đứng đầu Trung tâm Carnegie Moscow nói. “Israel coi Nga là bên chịu trách nhiệm cho an ninh tại Syria, và cả hai đang hợp tác rất thân thiết về mặt quân sự”.

Hợp tác song phương bao gồm một đường dây nóng giữa đại bản danh quân đội Israel tại Tel Aviv và căn cứ không quân Nga tại Syria; các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các giới chức quân đội; và những phòng ngừa tối đa trước khả năng không quân hai nước đụng độ nhau trên bầu trời Syria…

Fyodor Lkyanov, người đứng đầu Hội đồng chính sách quốc phòng và đối ngoại tại Moscow chỉ ra, mối quan hệ Nga – Israel được như ở thời điểm hiện tại là do Tổng thống Putin hiểu rõ những lo ngại của Israel về sự có mặt của các lực lượng Iran gần biên giới nước này. “Ông Putin không thường xuyên tin tưởng vào những gì nước khác nói về những hiểm hoạ an ninh của họ, nhưng trong trường hợp của Israel thì ngược lại, bởi vì đó là an ninh thực sự, đó là sự sống còn”, ông Lkyanov nhấn mạnh.

Các nhà ngoại giao Nga ca ngợi mối quan hệ với Israel là “phi ý thức hệ”; tương tự, Điện Kremlin từng không ít lần đánh giá cao chính phủ Israel vì đã không ủng hộ phương Tây trong các lệnh trừng phạt Nga. 

Tuy nhiên, theo Zvi Magen, cựu Đại sứ Israel tại Nga và Ukraine, cần phải thận trọng trước khi dựa quá nhiều vào mối quan hệ cá nhân giữa một Putin “lạnh lùng, tỉnh táo” với một Netanyahu “khéo ăn khéo nói”. Ông Magen nhận định, vai trò của Israel đối với Nga chính là một đối trọng trước Iran - quốc gia vốn không nhận được sự tin tưởng hoàn toàn từ ông Putin.

“Đối với Nga, Israel là một quốc gia khá nguy hiểm,” ông Magen nói, ám chỉ tới việc Moscow đã nhận ra Israel có thể là mối đe doạ tới lợi ích của họ. “Đây là một tình thế có một không hai, và không phải là do Nga thích Israel, mà do họ đang e ngại”.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ