• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bầu cử Đức 2021: Diễn biến khó đoán trong cuộc chạy đua vào ghế Thủ tướng

Thế giới 24/09/2021 20:37

(Tổ Quốc) - Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, hầu hết số lượng cử tri Đức vẫn chưa quyết định bỏ phiếu cho ứng viên nào để thay thế bà Merkel cho vị trí Thủ tướng trong bầu cử liên bang sắp tới.

Theo CNBC, không thể dự đoán trước được kết quả bầu cử liên bang Đức vào ngày 26/9 sắp tới trong bối cảnh nhiều người dân nước này vẫn chưa quyết định sẽ bỏ phiếu cho ai.

Bầu cử Đức 2021: Diễn biến khó đoán trong cuộc chạy đua vào ghế thủ tướng - Ảnh 1.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: CNN

Tuần trước, Viện Allensbach (Đức) đã tiến hành khảo sát đối với 1.259 người, trong đó khoảng 40% người cho biết họ chưa tìm được ứng viên sáng giá nào trong cuộc chạy đua vào ghế Thủ tướng Đức. Một cuộc khảo sát khác do báo  Frankfurter Allgemeine Zeitung thực hiện cũng ghi nhận rằng, hầu hết người được khảo sát đều bày tỏ chưa ứng viên nào thực sự nổi bật để có thể thay thế bà Merkel vào thời điểm hiện tại.

Khảo sát của Politico đưa ra tỷ lệ ủng hộ của các đảng lần lượt vào thời điểm hiện tại là: đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD): 25% phiếu bầu, Liên đảng Dân chủ Thiên chúa giáo/Xã hội Thiên chúa giáo CDU/CSU: 21% phiếu bầu và đảng Xanh:15% phiếu. Đây được ví như tình thế tiến thoái lưỡng nan trong bối cảnh bà Angela Merkel đang chuẩn bị cho việc rời vị trí Thủ tướng sau 16 năm đảm nhiệm.

Trước đó, đảng CDU/CSU đã giành chiến thắng tương đối dễ dàng nhưng đến hiện tại, điều này được đánh giá là khó xảy ra khi "người kế nhiệm" của bà Merkel – ông Armin Laschet không thể thu hút cử tri bằng cách làm tương tự mà bà Merkel đã làm cách đây 16 năm.

"Chúng tôi dường như chưa thể chọn ra một "người dẫn dắt" mới thay thế bà Merkel. CDU đã cố gắng chỉ ra ông Laschet có thể là người kế nhiệm của bà Merkel nhưng ông ấy không phải là bà Merkel. Nhiều cử tri thích bà Merkel không có nghĩa là phải ủng hộ thành viên trong đảng của bà", ông Thomas Gschwend - Giáo sư Khoa khoa học chính trị tại Đại học Mannheim cho biết.

Giới quan sát nhận định, sự rời đi của bà Merkel có thể làm giảm đi phần nào sự ủng hộ của cử tri với CDU/CSU trong cuộc bầu cử gần đây. Người dân Đức, đặc biệt là các cử tri trẻ tuổi có vẻ như đang háo hức muốn nhìn thấy các thay đổi trong thời gian tới.

Cuộc thăm dò cử tri năm nay từng đưa ra gợi ý Đảng Xanh giành lợi thế vào tháng Tư. Tuy nhiên, đảng này đã bị SPD vượt trước và duy trì vị trí dẫn đầu trong các tuần gần đây.

"Hầu hết mọi người đều muốn lựa chọn người để thay thế bà Merkel nhưng chưa ai thực sự đủ khả năng. Đây là thời điểm khó khăn và cần phải hành động khẩn trương để giải quyết khủng hoảng quốc tế, dịch bệnh Covid-19 và các thách thức mà châu Âu nói chung, nước Đức nói riêng đang phải đối mặt. Các cử tri Đức sẽ lựa chọn ứng viên của mình dựa trên cách các ứng viên đối phó với thách thức quốc tế, cách họ thể hiện trên diễn đàn khi sánh vai cùng với Tổng thống Mỹ, Nga cũng như các nhà lãnh đạo Trung Quốc", chính trị gia của SPD và lãnh đạo phe đối lập ở vùng Schleswig-Holstein - Ralf Stegner nói trên CNBC ngày 24/9.

Ông Stegner cũng nhấn mạnh, chính các yếu tố nêu trên đã giúp ứng viên Olaf Scholz của SPD đang giành lợi thế cao nhất ở hiện tại so với các đối thủ của ông là Armin Laschet của CDU/CSU hay Annalena Baerbock từ Đảng Xanh.

"Khoảnh khắc quyết định"

Phát biểu trên CNBC vào ngày 22/9, ứng viên Olaf Scholz của SPD đã nhắc lại cam kết của mình với liên minh quân sự, khẳng định sẽ tăng ngân sách chi tiêu quân sự nhiều hơn so với những lần trước đây với mức tăng 37%.

"Đây là điều tôi muốn làm bởi vì chúng ta cần một cơ sở hạ tầng quốc phòng thật mạnh ở Đức cùng với đối tác của chúng ta trong EU và NATO", ông Scholz khẳng định.

Hiện tại chưa thể đoán trước được ai là ứng viên sáng giá giành ghế Thủ tướng Đức bởi khả năng số lượng phiếu bầu gửi qua thư dự kiến sẽ cao trong năm nay.

Ông Carsten Nickel – Phó Giám đốc Nghiên cứu của Teneo Intelligence cho rằng, mọi thứ sẽ còn phụ thuộc vào ngày bầu cử chính thức. Rất khó để phỏng đoán đảng nào sẽ giành lợi thế khi vào thời điểm hiện tại nhiều cử tri vẫn chưa có quyết định cụ thể.

"Chúng tôi đã có các cuộc thăm dò và phát hiện khoảng 40% cử tri vẫn chưa đưa ra lựa chọn cho bất kỳ ứng viên nào. Và điều đó sẽ phụ thuộc vào khoảnh khắc quyết định vào ngày bầu cử. Sau 16 năm ổn định, chiến dịch bầu cử Đức dự đoán sẽ có kết quả bất ngờ", ông Carsten Nickel nhấn mạnh.

Việc hình thành một liên minh dự kiến sẽ là việc làm lâu dài do sự khác biệt giữa các bên về vấn đề chính sách tài khóa và biến đổi khí hậu. Điều này cũng đang gây nhiều tranh cãi trong chiến dịch bầu cử./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ