(Tổ Quốc) - Theo tờ National Interest, rất khó để có thể khẳng định chính quyền ông Biden có thể tạo nên một chính sách ngoại giao Mỹ khác biết nếu ông trúng cử tổng thống.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, cựu phó Tổng thống Joe Biden đã hứa sẽ đưa người dân Mỹ trở lại cuộc sống bình thường và trong chính sách đối ngoại – ông Biden tự nhận mình là đối thủ cạnh tranh tiềm năng với Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử.
Trong 4 năm ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump vẫn đặt ra mục tiêu "Nước Mỹ trên hết" và cố gắng đạt được mục tiêu rõ ràng về chiến lược cho dù không nhất quán, thậm chí đôi khi có chút mâu thuẫn. Bầu cử Mỹ 2020 sắp tới, nếu ông Biden giành chiến thắng thì liệu cựu phó Tổng thống Mỹ có thể tạo nên đột phá thay đổi cho nước Mỹ? Hay chỉ đơn giản là sự phục hồi lại năng lực chuyên môn và tính ổn định trong Nhà Trắng? Ông Biden và nhóm chính sách đối ngoại có khi nào tiếp tục bị mắc kẹt trong ý thức hệ của quá khứ gây thiệt hại hơn là đảm bảo an ninh cho Mỹ?
Vào tháng 7, tờ Foreign Policy đã báo cáo rằng chiến dịch tranh cử của ông Biden đã tích lũy một mạng lưới lên tới 2000 cố vấn chính sách đối ngoại và chia thành 20 nhóm làm việc, trong đó có hàng chục nhóm nhỏ. Tuy nhiên, các nguồn tin giấu tên trong chiến dịch gợi ý rằng bộ máy đầy màu sắc này không hoạt động như một công cụ hoạch định chính sách nghiêm túc mà thay vào đó lại nhằm mục đích "đưa mọi người vào cuộc" trong nhóm của ông Biden.
Tờ National Interest cho rằng, quyền lực thực sự vẫn nằm trong vòng tròn nhỏ, tronng đó những thành viên của chính quyền cựu Tổng thống Obama hay ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton đều có một lịch sử hồ sơ chính sách đối ngoại tốt nhất có thể kiểm chứng. Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến Libya hay thất bại trong việc thực sự tái thiết lập quan hệ với Nga lại là minh chứng cho thấy các bất cập trong chính sách đối ngoại mà Đảng Dân chủ xây dựng. Theo quan sát của chuyên gia nghiên cứu Stephen M. Walt, trong khi cựu Tổng thống Obama ghi nhận một số thành công như tạo điều kiện cởi mở cho vấn đề Cuba thì chính quyền của ông ở một số khía cạnh khác phải nói rằng đã thất bại khi nhắc đến chính sách đối ngoại. Cựu Tổng thống Obama từng có cơ hội để định hình lại vai trò của nước Mỹ với thế giới. Khủng hoảng trong năm 2008-2009 là thời điểm lý tưởng để từ bỏ chiến lược bá quyền tự do thất bại mà Mỹ theo đuổi từ sau Chiến tranh Lạnh.
Với ông Biden thì lại khác. Cố vấn hàng đầu của ông Biden là ông Antony Blinken – nhân vật đã liên tục sát cánh cùng cựu phó Tổng thống Mỹ trong suốt hai thập kỷ và còn nhiều cố vấn khác của Mỹ.
Các cố vấn của ông Biden đã phát triển một loạt vấn đề. Với vấn đề Trung Đông, chính sách đối ngoại sẽ tập trung vào việc chấm dứt chiến tranh mãi mãi và xây dựng lại nền dân chủ trong nước. Với cách tiếp cận như vậy, nhóm cố vấn của ông Biden cũng thừa nhận rằng việc Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ là điều không thể tránh khỏi, do vậy nó được xem là trường hợp mà Mỹ cần phải cân nhắc cẩn thận trong mối quan hệ. Theo cố vấn của ông Biden là Colin Kahl, giờ đây sự cạnh tranh giữa các cường quốc đã trở lại. Các thách thức của Mỹ và Nga đã xuất hiện. Giống như tác giả William Burns từng viết: "Mặc dù nước Mỹ không còn có thể ra lệnh có tất cả các sự kiện, nhưng đôi khi chúng ta vẫn tin rằng điều đó là khả thi". Về cơ bản, các lập luận khẳng định thách thức lớn nhất của Mỹ trên phạm vi toàn cầu ở hiện tại là vấn đề biến đổi khí hậu và đại dịch bùng phát, trong đó chỉ có thể giải quyết thông qua hợp tác chặt chẽ với các đồng minh.
Theo tờ báo, các hứa hẹn cải cách có thể cho là hợp lý. Tuy nhiên, chiến dịch của ông Biden vẫn tập trung vào việc "hồi phục lại sự lãnh đạo của Mỹ trên thế giới" để có thể nắm quyền của một cường quốc.
Nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Trump đã thiết lập chính sách đối ngoại nhằm cân nhắc lại các giả định trước đó. Tuy nhiên, điều quan trọng là nó đã không thể làm lung lay niềm tin cốt lõi rằng nước Mỹ luôn dẫn đầu mọi nơi.
"Ứng viên Đảng Dân chủ Biden có thể khẳng định lại vai trò lãnh đạo của nước Mỹ", ông Blinken nhấn mạnh. "Cho dù chúng ta muốn hay không thì thế giới không thể tự tổ chức. Mặc dù Washington giảm đi phần nào quyền lực so với trước đây nhưng Mỹ luôn sở hữu năng lực và quyền lực mạnh mẽ có thể đưa thế giới trở nên tốt đẹp hơn".
Hai cố vấn của ông Biden – Blinken và Jake Sullivan từng thừa nhận có thất bại trong hồ sơ chính sách ngoại giao của họ duy trì trong suốt thời gian qua. Trong một bài nghiên cứu tổng quan trên tờ Foreign Affairs, ông Sullivan đưa ra nhận định về các lập luận trong chính sách ngoại giao của hai học giả Stephen Walt và John Mearsheimer - là thiếu kinh nghiệm hoạch định chính sách thực tế.
"Học giả Walt chưa từng làm việc ở Lầu Năm Góc hay Bộ Ngoại giao Mỹ. Điều này giải thích cho lý do thất bại trong đối sách ngoại giao về việc đặt vấn đề tiếp cận chiến tranh Iraq", ông Sullivan nhấn mạnh.
Tác giả bài viết Jordan Henry trên tờ National Interest cho rằng, các hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử Tổng thống cử ứng viên Đảng Dân chủ Biden được cho rằng là biểu tượng hoài niệm về "một thế kỷ Mỹ", trong đó Washington chắc chắn phải đạt quyền lãnh đạo tuyệt đối. Chính định hướng này về quyền lực Mỹ đang khiến cho nước này can thiệp quá mức vào các vấn đề quốc tế và làm giảm đi các nỗ lực kiềm chế đối phương.
Theo nhận định của tác giả bài viết Jordan Henry, các tuyên bố của ứng viên Biden về vấn đề Aghanistan hay Trung Đông cũng vậy. Cựu phó Tổng thống hứa hẹn rằng sẽ kết thúc "chiến tranh vĩnh viễn" bằng cách đưa số lượng lớn quân đội Mỹ ra khỏi Trung Đông về nước – nghĩa là vẫn còn lại một số quân nhất định ở khu vực. Cố vấn ông Biden và Blinken cũng đưa ra tuyên bố tương tự và nêu bật sự khác biệt giữa việc triển khai "quy mô lớn - kết thúc mở" trong khi hoạt động nhỏ bền vững.
Cùng lúc, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sẽ tiếp tục vô thời hạn nhưng lại không hề có tiêu chuẩn rõ ràng để đạt được thành công và có thể lại là cuộc chiến mãi mãi. Vì vậy, thay vì lập biểu đồ cho một lộ trình mới, chính quyền Biden có thể đang bị vướng vào những giáo điều của quá khứ.