(Tổ Quốc) - Các chuyên gia bày tỏ hoài nghi cho quan hệ giữa Nga và phương Tây trong bối cảnh nước Nga chuẩn bị cho bầu cử Tổng thống vào ngày 18/3 tới.
Bản Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin ngày 1/3 đã nêu rõ định hướng của Nga trong việc phát triển các tên lửa tàng hình liên lục địa mới và các công nghệ khác. Điều này gợi ý cho một cuộc chạy đua vũ khí với phương Tây khi chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống Nga 2018.
Tổng thống Nga Putin |
Cuộc chạy đua vũ trang
Theo một chuyên gia, bản Thông điệp liên bang của ông Putin ra đời sau khi quân đội Mỹ công bố một bản đánh giá về tình hình hạt nhân cũng như các mối đe dọa hạt nhân trong tương lai. Chính truyền thông phương Tây nói rằng, chương trình vũ khí hạt nhân mới của Mỹ đã khơi mào khiến Nga đưa ra Thông điệp liên bang cứng rắn như vậy.
Chúng tôi không hề mong muốn một “cuộc chiến tranh lạnh mới” hay một “cuộc chạy đua vũ trang mới”. NATO đã tuyên bố như vậy sau bản Thông điệp liên bang của Tổng thống Nga Putin hôm 1/3, trong đó tiết lộ những loại vũ khí mới mà ông mô tả là “không thể đánh bại”.
Trong Thông điệp liên bang, ông Putin cho biết, sự phát triển công nghệ của Nga nhằm vào động thái ảnh hưởng của NATO tại các biên giới Nga và ngầm định làm suy yếu việc triển khai hệ thống chống tên lửa của Mỹ.
“Tôi hi vọng rằng bài phát biểu ngày hôm nay sẽ kiềm chế các hành động khiêu khích từ bên ngoài. Các phản ứng không thân thiện với Nga, chẳng hạn như việc triển khai hệ thống chống tên lửa của Mỹ và việc xây dựng hạ tầng của NATO gần biên giới của chúng tôi chắc chắn sẽ không hề mang lại bất kỳ hiệu quả nào”, ông Putin khẳng định.
Các chuyên gia cho rằng, Nga đang ưu tiên thúc đẩy sức mạnh hạt nhân chiến lược và có hai vấn đề nổi cộm trong Thông điệp liên bang của ông Putin, bao gồm:
Đầu tiên là bằng cách nào có thể thúc đẩy quá trình kiểm soát vũ khí. Sự rạn nứt trong quá trình triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) của NATO, khả năng sụp đổ Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) và các lo lắng Hiệp định New START mới khó có thể duy trì đến năm 2021 đang là các vấn đề nóng gần đây. Mỹ và Nga hiện đều đang có khoảng cách lớn về nỗ lực thúc đẩy quá trình kiểm soát vũ khí.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nghi ngờ giữa Washington và Moscow về vấn đề quốc phòng và an ninh, các vấn đề có thể vượt qua nếu ý chí chính trị có thể được đầu tư nhằm giải quyết các vấn đề thách thức hiện tại của toàn cầu.
“Sau bầu cử Nga 2018, chương trình khởi động mới về ảnh hưởng của Nga đối với thế giới là có thể nhưng phải dựa trên nền tảng chung về luật chơi giữa các bên”, chuyên gia nhận định.
Vấn đề thứ hai liên quan đến các ưu tiên chi tiêu của Moscow. Điều quan trọng nhất trong Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin là tập trung vào kinh tế và tiếp tục thúc đẩy ngân sách Nga duy trì tăng trưởng và phúc lợi. Tuy nhiên, việc Nga vẫn tiếp tục trong cuộc đua vũ khí sẽ tiếp tục khiến thế giới nghi ngờ.
Bối cảnh nước Nga hiện tại
Quỹ tiền tệ Quốc tế cho biết, kinh tế Nga “đang đi vào ngõ cụt” trong bối cảnh tiếp tục điều chỉnh giảm giá dầu và các nước gia tăng ảnh hưởng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow. Vì vậy, kinh tế Nga chỉ có thể tăng trưởng khiêm tốn trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, giống với những gì ông Putin khẳng định, các vấn đề bao gồm: mức độ tăng trưởng khó để duy trì mà không tăng năng suất, đầu tư còn chậm và vấn đề đáng ngại hơn khi đồng rúp đang mất giá. Quá trình cải cách cấu trúc cần phải tuân thủ hệ thống lập pháp, quyền sở hữu cùng với khoảng cách giữa đầu tư công và truy thu thuế.
Bài phát biểu của ông Putin đã đưa ra quan điểm về “truyền thống và giá trị” nhằm đảm bảo tính liên tục và ổn định. Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng chỉ ra các vấn đề lớn hơn về quá trình hiện đại hóa kinh tế, cải cách chính trị và xã hội nhằm củng cố và xem đây là nhiệm vụ cấp bách.
Cả hai vấn đề đời gợi ý đến khả năng về vai trò của Nga trong quan hệ với phương Tây trong giai đoạn mới sau bầu cử Tổng thống 2018. Tín hiệu về nội chiến tiếp tục tại Ukraine có thể tiếp tục kéo dài xung đột và có thể tiến tới các nỗ lực bắt đầu cho các đàm phán ý nghĩa.
Mấu chốt quan hệ Nga và phương Tây thời gian tới
Các nhà bình luận Nga nói về khủng hoảng hệ thống tại châu Âu bắt đầu từ xung đột lợi ích của các thành viên. Các nhà lãnh đạo châu Âu cho biết, sự hoài nghi của Kyiv đối với Moscow và phát hiện các tín hiệu tích cực từ Kremlin là tiền đề cho tiến trình đầu tiên trong quá trình giải quyết xung đột Ukraine.
Thêm vào đó, vấn đề quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm chệch hướng chú ý đến sự liên quan của châu Âu trong nỗ lực phá vỡ bế tắc tại Ukraine. Pháp, Đức và Italy đã nhấn mạnh tính cần thiết về việc thúc đẩy đối thoại giữa NATO với Moscow.
Các nhà quan sát khẳng định sẽ có chút thay đổi diễn biến thế giới sau bầu cử Tổng thống Ukraine năm 2019. Moscow cho rằng, phương Tây đang thất bại trong việc tiếp cận lợi ích an ninh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các nhà lãnh đạo chính trị Nga đều có lỗi khi từ chối tiếp cận các động lực và ưu tiên của phương Tây
Giới chính trị cho rằng, Nga không thể định hình các vấn đề toàn cầu. Ảnh hưởng khu vực của Moscow vẫn còn giới hạn và không có bất kỳ hợp tác đối tác với phương Tây ở thời điểm hiện tại. Chính sách ngoại giao của Kremlin vẫn tập trung vào chiến thuật có lợi. Vấn đề đặt ra là ai sẽ có đủ năng lực để sẵn sàng tiếp nhận trọng trách cho một nước Nga lớn mạnh và quan hệ đối ngoại tích cực trong 6 năm nữa.