• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bầu cử Philippines cận kề: "Nóng" vấn đề Biển Đông

Thế giới 04/05/2022 15:19

(Tổ Quốc) - Trong khi ứng viên Marcos ủng hộ việc kết nối với Bắc Kinh, bà Robredo vẫn hướng tới các đồng minh truyền thống.

Chỉ hai ngày trước khi Philippines và Trung Quốc tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Rodrigo Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 8/4, Manila đã yêu cầu công ty dầu khí PXP Energy trong nước đình chỉ việc thăm dò tại khu vực Biển Đông đang tranh chấp.

Cấp bách vấn đề Biển Đông

Chính phủ Philippines vẫn chưa thông báo cho PXP khi nào họ có thể hoạt động trở lại, Chủ tịch PXP Manuel Pangilinan thông tin với các phóng viên cuối tuần trước.

Động thái này cho thấy Biển Đông vẫn là vấn đề phức tạp trong quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh và đây cũng là vấn đề chính sách đối ngoại cấp bách nhất đối với người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 9/5 tới.

Lucio Pitlo, nhà nghiên cứu của Tổ chức Con đường Tiến bộ Châu Á - Thái Bình Dương tại Manila, cho biết: "Không có gì phải bàn cãi rằng hàng hải sẽ tiếp tục thách thức quan hệ Philippines - Trung Quốc".

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Duterte đã đưa Philippines xích lại gần Trung Quốc và đe dọa phá vỡ liên minh hiệp ước lâu đời của Manila với Washington.

Đổi lại, Trung Quốc hoan nghênh động thái của ông Duterte và mở rộng quy mô tiếp cận thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp của Philippines và cam kết đầu tư trị giá hàng tỷ đô la, chủ yếu cho cơ sở hạ tầng. Nhưng cho đến nay, chỉ một phần nhỏ trong số những hứa hẹn này đã thành hiện thực.

Năm 2018, ông Tập Cận Bình và ông Duterte cũng nhất trí theo đuổi các dự án thăm dò và khai thác dầu khí chung ở các vùng biển tranh chấp. Trong một bài phát biểu trước người dân nước này năm 2019, ông Duterte mô tả tình hình ở Biển Đông là một "hành động cân bằng tinh tế".

Trước những diễn biến này, người kế nhiệm của ông có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng khó khăn tương tự khi xây dựng chiến lược đối ngoại về Biển Đông, ngay cả khi hai ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Duterte đang có hai cách tiếp cận khác hẳn nhau.

Bầu cử Philippines cận kề: "Nóng" vấn đề Biển Đông - Ảnh 1.

Hai ứng viên dẫn đầu cuộc đua bầu cử Philippines đang có những cách tiếp cận khác nhau về Biển Đông. Ảnh: AP, Getty.

Ứng viên Ferdinand Marcos Jr, đang dẫn đầu với khoảng cách khá xa trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, đang nghiêng về việc tiếp tục lập trường thân thiện của ông Duterte đối với Trung Quốc. Ông Ferdinand Marcos Jr ủng hộ các cuộc đàm phán song phương về vấn đề này - một chính sách mà Bắc Kinh cũng ủng hộ. "Chúng ta phải tham gia, không có cách nào khác", Marcos nói.

Trong khi đó, Phó Tổng thống đương nhiệm Leni Robredo, người đứng ở vị trí thứ hai trong cuộc đua tranh cử ghế tổng thống, có kế hoạch "tăng cường sự can dự của [Manila] với các đồng minh và các quốc gia cùng chí hướng" khi đối mặt với các căng thẳng hàng hải, trong đó có việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo.

'Cân não' từ ngoại giao đến thực địa

Chuyên gia Pitlo nói: "Manila nên tiếp tục phản đối và đẩy lùi hành động thâm nhập của Trung Quốc và các hoạt động thay đổi hiện trạng ở Biển Tây Philippines, đồng thời quản lý các sự cố trên biển để không ảnh hưởng đến quan hệ song phương trên diện rộng. Nhưng đồng thời, nước này nên tận dụng các liên minh và quan hệ đối tác, cũng như phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) năm 2016 để nâng cao vị thế đàm phán của mình."

Sau khi từng đe dọa chấm dứt Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng – được lập ra để tạo điều kiện cho quân đội Mỹ vào Philippines, vào tháng 7 năm ngoái, ông Duterte đã quyết định tiếp tục duy trì hiệp ước này. Các nhà phân tích cho rằng việc hủy bỏ thỏa thuận trên sẽ làm suy yếu Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau năm 1951, nền tảng của liên minh giữa hai nước.

Tháng trước, các lực lượng Mỹ và Philippines cũng đã tổ chức một cuộc tập trận chung lớn với gần 9.000 binh sĩ tham gia. Nhưng vào ngày cuối cùng cuộc tập trận – kéo dài gần hai tuần và bao gồm các cuộc tập trận an ninh hàng hải, ông Tập Cận Bình và ông Duterte đã hoan nghênh sức mạnh của quan hệ song phương.

Theo Tân Hoa xã, hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng việc hai bên giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hợp lý đã tạo nền tảng quan trọng cho hợp tác hữu nghị nhằm bảo vệ hiệu quả hòa bình và ổn định khu vực.

Văn phòng của ông Duterte đã đồng thuận với đánh giá đó. "Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải nỗ lực để duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông bằng cách thực hiện kiềm chế, hóa giải căng thẳng và xây dựng một khuôn khổ hợp tác chức năng được cả hai bên đồng thuận", tuyên bố từ phía Philippines cho biết.

Trong khi đó, tình hình thực tế đã thể hiện nhiều sự không chắc chắn. PXP đã chi 2 triệu USD cho hoạt động thăm dò dầu khí và vừa bị đình chỉ. Giá cổ phiếu của tập đoàn này trên sàn chứng khoán Philippines đã giảm 15% khi các nhà đầu tư chờ đợi những diễn biến tiếp theo.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana hồi tháng trước đã phát tín hiệu rằng bất kỳ tiến bộ nào về vấn đề này sẽ phụ thuộc vào người kế nhiệm ông Duterte, cho dù PXP đã nhận được hợp đồng này (từ năm 2013-pv) thậm chí trước cả thỏa thuận năm 2018 của ông Tập Cận Bình và ôn Duterte về thăm dò dầu khí chung. Bộ trưởng Lorenzana nói với các phóng viên tuần trước: "Tổng thống (Duterte-pv) cho biết chúng tôi sẽ giao cho chính quyền tiếp theo về cách giải quyết hoạt động thăm dò chung".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ