• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bầu cử Quốc hội Israel lần thứ 5 trong vòng hơn 3 năm, cựu Thủ tướng Netanyahu trở lại

Thế giới 11/11/2022 13:34

(Tổ Quốc) - Ngày 1/11/2022, tại Israel đã diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội (Knesset) sớm trước hạn.

Đây là cuộc bầu cử Knesset khóa 25 và lần thứ 5 trong vòng ba năm rưỡi qua kể từ 9/4/2019. Tỷ lệ cử tri đi bầu lên tới 71,3% - mức cao nhất ở Israel kể từ năm 1999.

Phe cực hữu do cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu giành thắng lợi

Ngày 3/11/2022, Ủy ban Bầu cử trung ương Israel đã công bố kết quả kiểm phiếu chính thức, phe cực hữu do cựu Thủ tướng B. Netanyahu đứng đầu đã giành được đa số 64 trong tổng số 120 ghế của Knesset, trong đó đảng Likud 32 ghế, Liên minh Do Thái giáo Torah của người Do Thái Ashkenazi phương Tây và Shas của người Do Thái Sepradim phương Đông 18 ghế, Liên minh cực hữu "Chủ nghĩa phục quốc Do Thái” và "Chủ nghĩa Phục quốc Tôn giáo" do Itamar Ben Gvir và Bezalel Smotrich lãnh đạo 14 ghế. Kết quả này cho thấy xã hội Israel đi theo chiều hướng cực đoan hơn.

Trong khi đó, phe “Thay đổi” của Thủ tướng đương nhiệm Yair Lapid giành được 51 ghế, gồm đảng "Có một tương lai" của Thủ tướng đương nhiệm Y. Lapid 24 ghế, đảng Quốc gia của Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz 12 ghế, Yisrael Beiteinu 6 ghế, Danh sách thống nhất 5 ghế và đảng Lao động 4 ghế. Các lực lượng cánh tả đang mất dần ảnh hưởng.

Liên minh Mặt trận và Ả Rập vì Thay đổi do Ayman Odeh và Ahmed Al-Tibi đứng đầu, chống lại cả hai phe trên giành được 5 ghế còn lại. Đảng cực tả "Meretz" và "Tập hợp dân chủ Ả Rập" đã không giành được số phiếu cần thiết 3,25% theo luật định để được tham gia Knesset.

Bầu cử Quốc hội Israel lần thứ 5 trong vòng hơn 3 năm, cựu Thủ tướng Netanyahu trở lại - Ảnh 1.

Cựu Thủ tướng B. Netanyahu chuẩn bị thành lập chính phủ mới

Theo hiến pháp Israel, người đứng đầu đảng phái nào giành được nhiều ghế nhất trong Knesset sẽ được giao quyền đứng ra thành lập chính phủ. Tuy nhiên, Tổng thống có thể giao việc này cho thủ lĩnh một đảng không giành được nhiều ghế nhất, nhưng lại liên minh với các đảng phái khác để hội đủ đa số ghế quá bán đơn giản 61/120 nghị sỹ.

Đảng Likud của cựu Thủ tướng Netanyahu giành được 32 phiếu, nhưng liên minh với đảng phái khác đã giành được 64 ghế. Như vậy, ông Netanyahu chắc chắn sẽ được Tổng thống Isaac Herzog giao nhiệm vụ đứng ra thành lập chính phủ liên minh mới. Theo luật định, trong vòng 28 ngày ông phải thành lập được chính phủ và có thể được kéo dài thêm 14 ngày nữa nếu chưa hoàn thành. Nếu trong thời gian này không thành lập được chính phủ, Tổng thống sẽ ủy quyền cho một đại biểu khác và người này sẽ chỉ có 28 ngày hoàn thành sứ mệnh.

Cựu Thủ tướng 73 tuổi này hy vọng sẽ trở lại vị trí người đứng đầu chính phủ. Ngay sau khi thắng cử, ông Netanyahu đã bắt đầu liên hệ với các đảng phái chính trị để thành lập chính phủ liên hiệp và dự kiến sẽ hoàn thành sớm. Thủ tướng đương nhiệm Y. Lapid sẽ vẫn tiếp tục điều hành công việc đến khi liên minh cầm quyền tiếp theo được thành lập.

Bầu cử Quốc hội Israel lần thứ 5 trong vòng hơn 3 năm, cựu Thủ tướng Netanyahu trở lại - Ảnh 2.

Chính phủ Israel mới cực hữu nhất đang lộ diện

Ngoài đảng Likud, các chức vụ quan trọng chắc chắn sẽ được ông Netanyahu dành cho đại diện các đảng nằm trong phe cực hữu do ông đứng đầu trong cuộc bầu cử vừa qua. Hơn nữa, ông Netanyahu đã hứa đưa các đại diện của các đảng cực hữu vào tham gia chính phủ, đặc biệt là Ben Gvir và Bazalel Samotrich là những người đóng vai trò nòng cốt giúp ông trở lại nắm quyền và đang tìm cách thay đổi hệ thống tư pháp của Israel để hủy bỏ phiên tòa xét xử ông.

Netanyahu, người giữ chức Thủ tướng Israel từ năm 2009 đến năm 2021, bị cáo buộc gian lận, tham nhũng và phản quốc. Ông đã bác bỏ mọi cáo buộc này. Hiện nay, ông vẫn đang phải hầu toà. Nếu tòa án tuyên ông phạm tội tham nhũng thì theo quy định của pháp luật, ông phải đối mặt với án tù 10 năm. Hình phạt tối đa cho các tội danh còn lại là 3 năm tù.

Chủ nghĩa cực đoan đang trỗi dậy ở Israel. Ben Gvir, trong quá khứ đã từng bị kết án vì tham gia vào các hoạt động khủng bố, liên minh với Bazalel Smotrich là người nổi tiếng chống Palestine, với sự giúp đỡ của Netanyahu đã thành lập “Liên minh Chủ nghĩa Phục quốc Tôn giáo” và giành được 14 ghế trong Knesset. Đảng này công khai ủng hộ sự phân biệt chủng tộc giữa người Do Thái và người Ả Rập, phát triển các khu định cư của Israel ở Bờ Tây. Ông Netanyahu dự kiến sẽ đứng đầu một chính phủ cực hữu nhất trong lịch sử Israel.

Ben Gvir, một nhân vật có tư tưởng phân biệt chủng tộc, bài xích Ả Rập, ủng hộ việc sáp nhập toàn bộ Bờ Tây vào Israel, nhiều lần tham gia xông vào thánh đường Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem của người Ả Rập, hứa sẽ thành lập một "chính phủ toàn bộ cánh hữu" do Netanyahu lãnh đạo đang đòi chức Bộ trưởng An ninh. Đồng minh của ông là Smotrich đang tìm cách chiếm lĩnh chức Bộ trưởng Quốc phòng. Đây là hai bộ quan trọng nhất trong nội các Israel.

Bầu cử Quốc hội Israel lần thứ 5 trong vòng hơn 3 năm, cựu Thủ tướng Netanyahu trở lại - Ảnh 3.

Chính phủ mới của Netanyahu đứng trước nhiều khó khăn, thách thức

Nhiều nhà phân tích chính trị Israel cho rằng, sau cuộc bầu cử lần thứ năm trong vòng ba năm rưỡi, Israel có thể sẽ có một chính phủ ổn định hơn trong nhiệm kỳ bốn năm tới. Tuy nhiên, việc thành lập chính phủ mới với sự tham gia của các phần tử cực hữu khó có thể làm giảm đi sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel về nhiều vấn đề quan trọng, từ xung đột với người Palestine đến mối quan hệ tôn giáo và nhà nước.

Mặc dù Liên minh cực hữu giành được 64 ghế, nhưng đảng Likud của Netanyahu lần này trên thực tế chỉ giành được 32 ghế, giảm 4 ghế so với bầu cử năm 2019. Phe Netanyahu là một liên minh tình thế lỏng lẻo bao gồm các đảng phái không cùng chung một nền tảng chính trị và ý thức hệ vững chắc. Trong quá khứ, chính các đảng cực hữu đã nhiều lần lật đổ các chính phủ do Netanyahu lãnh đạo, thì không có gì đảm bảo trong tương lai chính phủ của ông sẽ đứng vững.

Netanyahu là người ủng hộ việc xây dựng các khu định cư của Israel ở Bờ Tây bị chiếm đóng sau cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Ông phản đối việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập như một giải pháp cho cuộc xung đột Palestine-Israel. Trong khi đó, Y. Lapid, kiến trúc sư của liên minh do N. Bennett đứng đầu, bao gồm nhiều đảng phái, cả cánh tả và cánh hữu, trong đó có các đảng Ả Rập lật đổ ông Netanyahu trong cuộc bầu cử năm 2019 lại ủng hộ giải pháp hai nhà nước, ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Họ vẫn đang tìm cách ngăn Netanyahu quay trở lại chức vụ Thủ tướng.

Người Israel gốc Ả Rập, cũng như những người Do Thái theo quan điểm cánh tả và trung tâm, coi việc thành lập một chính phủ hoàn toàn cực hữu của Netanyahu có thể sẽ làm mất đi hy vọng về khả năng đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Israel-Palestine, gây thêm căng thẳng cho quan hệ giữa Israel với Palestine, các nước Ả Rập và phương Tây.

Việc đưa Ben Gvir và Smotrich vào nội các cũng sẽ khiến các nước Ả Rập đã ký thỏa thuận Abraham với B. Netanyahu bình thường hóa quan hệ với Israel rơi vào tình thế khó xử. Năm 2020, "Hiệp định Abraham" bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain đã được ký kết với điều kiện Israel không được sáp nhập Bờ Tây. Ả Rập Saudi nói rõ sẽ không quan hệ với Israel nếu không tiến tới một giải pháp hòa bình với người Palestine. Hội nghị thượng đỉnh Ả Rập họp ở Alger vừa qua đã khẳng định ủng hộ việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Hầu hết các nước trên thế giới đều ủng hộ giải pháp hai nhà nước. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ giảm hợp tác với Israel nếu Israel sáp nhập Bờ Tây. Trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Israel và Tel Aviv phụ thuộc vào viện trợ quân sự của Mỹ, thì việc thành lập một chính phủ cực hữu sẽ dẫn đến hậu quả hết sức phức tạp cho quan hệ giữa Israel với cộng đồng quốc tế.

Netanyahu cũng sẽ phải đối mặt với áp lực của các đảng cực hữu đối với hồ sơ Iran. Quan hệ với Iran vốn hết sức căng thẳng, việc Netanyahu đứng đầu một chính phủ cực hữu sẽ đẩy mối quan hệ này lên nấc thang căng thẳng mới. Cựu Bộ trưởng Định cư Israel, T. Hanegbi không loại trừ Israel sẽ tấn công Iran trong nhiệm kỳ tới của Thủ tướng B. Netanyahu. Ông nói: “Nếu các cuộc đàm phán tại Vienna không kết thúc, không đạt được thỏa thuận và Mỹ không hành động độc lập, Netanyahu sẽ tấn công để phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran".

Bộ trưởng Tư pháp Gideon Sa'ar, một cựu thành viên Likud bất đồng chính kiến với Netanyahu, cảnh báo Israel không nên mạo hiểm thành lập một chính phủ liên minh cực đoan. Thủ tướng sắp mãn nhiệm, Y. Lapid cho biết không có khả năng ông sẽ tham gia vào chính phủ do B. Netanyahu đứng đầu. Ông nói, sẽ thành tập hợp phe đối lập để chống lại chính phủ cực hữu của Netanyahu.

Chính quyền Mỹ xem việc đưa Ben Gvir và Bazalel Smotrich theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tham gia chính phủ liên minh của ông Netanyahu có thể ảnh hưởng đến quan hệ chiến lược giữa hai nước.

Vòng bầu cử thứ năm của Israel trong vòng hơn ba năm đã kết thúc, phe ủng hộ Netanyahu đã giành được thắng lợi trước phe chống lại ông, nhưng vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng cuộc khủng hoảng chính trị sẽ kết thúc. Các nhà phân tích chính trị cho rằng, nếu các vấn đề của xã hội Israel, mâu thuẫn giữa các phe phái vẫn không được giải quyết và tình thế tiến thoái lưỡng nan vẫn như hiện nay thì không loại trừ khả năng phải tiến hành bầu cử lần thứ sáu./.

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

NỔI BẬT TRANG CHỦ