(Tổ Quốc) - Philippines đã trở nên thân thiện với Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte đắc cử vào năm 2016.
Khi người dân Philippines tham dự cuộc bỏ phiếu vào ngày 9 tháng 5 tới để bầu ra một nhà lãnh đạo mới, các nhà quan sát sẽ theo dõi chặt chẽ xem ban lãnh đạo mới có định hướng như thế nào đối với mối quan hệ ngày càng tăng của Philippines với Bắc Kinh thời gian qua.
Charmaine Misalucha-Willoughby, Phó Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học De La Salle, Thủ đô Manila, Philippines, cho biết chính sách đối ngoại thường không phải là vấn đề nóng trong các cuộc bầu cử ở Philippines, nhưng có những lý do chính đáng để quan tâm tới điều đó trong cuộc bầu cử lần này.
"Có những lý do thuyết phục tại sao các ứng cử viên năm 2022 nên trình bày rõ chính sách về Trung Quốc, đặc biệt là vì sự ưu tiên vừa qua của Tổng thống (Duterte-pv) đối với một quốc gia cụ thể đã khiến quan hệ với các đối tác khác bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, ảnh hưởng từ sự ưu tiên này có thể vượt ra nhiệm kỳ của một chính quyền", bà nói trong một báo cáo được Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak Singapore đăng tải.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Duterte đã đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoại của Philippines. Khi vào năm 2016, ông tuyên bố "tách biệt" Philippines với Mỹ - một đồng minh quân sự truyền thống. Thay vào đó, ông tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, động thái xoay trục sang Trung Quốc của Philippines chưa mang lại nhiều ảnh hưởng rõ nét vì phần lớn các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh cam kết chưa thành hiện thực.
Trong khi đó, căng thẳng ở Biển Đông - nơi Trung Quốc và một số nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền - vẫn tiếp diễn. Trung Quốc tiếp tục di chuyển vào các vùng biển này và dấy lên sự phản đối của nhiều quốc gia trong khu vực.
Lập trường phản đối Trung Quốc trong chính phủ của ông Durterte ngày càng lớn hơn, trong khi các cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng Philippines cũng còn nhiều hoài nghi đối với Bắc Kinh. Các nhà phân tích cho rằng tâm lý như vậy có thể thúc đẩy tổng thống kế nhiệm ông Duterte có chính sách rời xa Trung Quốc.
Dựa trên phát biểu của các ứng viên trong quá trình tranh cử, CNBC đã xem xét lập trường của các ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Philippines trong vấn đề Trung Quốc.
Các ứng cử viên hàng đầu hiện nay bao gồm: Ferdinand "Bongbong" Marcos Jr - con trai nhà lãnh đạo quá cố Ferdinand Marcos, Leni Robredo, Phó Tổng thống đương nhiệm và Thị trưởng hiện tại của Manila Francisco Domagoso.
Marcos: Ứng cử viên thân thiện với Trung Quốc
Trong số các ứng cử viên tổng thống hàng đầu của Philippines, ông Marcos được xem là ứng cử viên thân thiện với Trung Quốc nhất. Các cuộc thăm dò dư luận hiện đặt ông là người dẫn đầu trong cuộc đua tổng thống: Cuộc khảo sát mới nhất của nhà thăm dò độc lập Pulse Asia cho thấy 60% người được hỏi ủng hộ ông Marcos.
Một vấn đề gây tranh cãi trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines là phán quyết năm 2016 về tranh chấp Biển Đông. Tòa Trọng tài thường trực tại La Hay, Hà Lan đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết đó. Còn ông Duterte, khi theo đuổi quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, đã bị chỉ trích vì không làm nhiều hơn nữa để yêu cầu Bắc Kinh tuân thủ phán quyết này.
Bình luận về vấn đề này, trong một cuộc tranh luận trên truyền hình vào tháng trước, ông Marcos nói rằng ông muốn Philippines hiện diện quân sự ở Biển Đông "để cho Trung Quốc thấy rằng chúng tôi đang bảo vệ những gì chúng tôi coi là lãnh hải của mình".
Tuy nhiên, ông Marcos cho biết ông sẽ không ưu tiên một giải pháp quân sự cho tranh chấp này và có kế hoạch tiếp tục thực hiện một "cách tiếp cận đúng đắn" là: Theo đuổi sự liên hệ với Trung Quốc, trong khi vẫn duy trì "lập trường vừa phải" giữa Trung Quốc và Mỹ.
Robredo: Rời khỏi chính sách của ông Duterte
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Leni Robredo, đồng thời là Phó Tổng thống Philippines đương nhiệm, tỏ ra kiên định hơn trong việc ủng hộ lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Được coi là ứng cử viên phản đối ông Duterte, bà đứng thứ hai trong cuộc thăm dò do Pulse Asia tiến hành. 15% số người được hỏi chọn bà là ứng cử viên tổng thống mà họ ưa thích.
Bà Robredo được cho là sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại "độc lập và toàn diện", không ủng hộ bất kỳ quốc gia nào.
Về tranh chấp Biển Đông, bà nhấn mạnh sự cần thiết phải công nhận phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 trước khi Philippines và Trung Quốc có thể tiến hành bất kỳ dự án thăm dò dầu khí chung nào ở vùng biển giàu tài nguyên này.
Phó Tổng thống Philippines cũng cho biết bà ủng hộ mối quan hệ bền chặt hơn với Mỹ và các quốc gia khác, chẳng hạn như các nước láng giềng Đông Nam Á của Philippines, Liên minh châu Âu và Australia.
Domagoso: Ứng cử viên trung hòa
Hiện đứng thứ ba trong cuộc bình chọn của Pulse Asia là Francisco Domagoso, một cựu diễn viên và hiện là Thị trưởng Thủ đô Manila, Philippines.
Domagoso, được biết đến với biệt danh Isko Moreno, được các nhà phân tích chính trị coi là một ứng cử viên trung hòa, hướng đến xây dựng một lập trường trung lập trong nhiều vấn đề, bao gồm cả chính sách đối ngoại.
Thị trưởng Manila được cho là có cùng quan điểm với bà Robredo về sự cần thiết phải khẳng định phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016.