• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bê bối tài chính vẫn gây bất ổn chính trường Malaysia

Thế giới 30/01/2016 06:41

(Toquoc)- Căng thẳng về tài chính xung quanh Thủ tướng Najib Razak vẫn chưa kết thúc, đặt ra nhiều khó khăn cho Malaysia.

(Toquoc)- Căng thẳng về tài chính xung quanh Thủ tướng Najib Razak vẫn chưa kết thúc, đặt ra nhiều khó khăn cho đời sống chính trị và kinh tế của Malaysia.

Theo AP, ngày 27/1, Cơ quan chống tham nhũng Malaysia (MAAC) tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định của Tổng Công tố nước này Mohamed Apandi Ali xóa bỏ các cáo buộc hình sự nhằm vào Thủ tướng Najib Razak liên quan đến vụ bê bối tài chính 681 triệu USD và quỹ phát triển Malaysia (1MDB).

MAAC nêu rõ cơ quan này muốn lập một ủy ban độc lập của chính phủ để xem xét lại quyết định trên, song không nói rõ liệu có phải MAAC đã khuyến nghị về các cáo buộc chống lại ông Najib hay không.

Hôm 26/1, Tổng Công tố Mohamed Apandi Ali cho rằng khoản 681 triệu USD chuyển vào tài khoản của ông Najib năm 2013 là quà tặng cá nhân từ hoàng gia Saudi Arabia và không có bất kỳ hành vi tội phạm hay tham nhũng nào trong vụ việc này.

Trả lời một cuộc họp báo bất thường, ông Mohamed nói: "Tôi hài lòng với kết quả điều tra khẳng định số tiền đó không phải là một hình thức tham nhũng hay hối lộ. Không có lý do giải thích tại sao số tiền lại được đóng góp cho Thủ tướng Najib, đó là vấn đề giữa thủ tướng và hoàng tộc Saudi Arabia."

Nhà công tố cũng nói thêm rằng ông Najib sẽ trả lại 620 triệu USD cho gia đình hoàng gia Saudi Arabia do không sử dụng đến.



Căng thẳng về tài chính xung quanh Thủ tướng Najib Razak vẫn chưa kết thúc

Đối mặt nhiều chỉ trích

"Điều này chỉ có thể xảy ra trong câu chuyện cổ tích," Rafizi Ramli, một chính trị gia đảng đối lập, đề cập đến tuyên bố của Tổng công tố trên trang Malaysiakini.

Lim Kit Siang, nhà lãnh đạo quốc hội đến từ đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) đối lập cho rằng quyết định của Tổng công tố Apandi là không phù hợp vì ông này đã được chính Thủ tướng Najib bổ nhiệm sau khi cựu Tổng công tố Patail “được nghỉ hưu”.

Trong một cuộc cải tổ nội các vào cuối tháng 7/2015, Tổng công tố Abdul Gani Patail, người đã lãnh đạo cuộc điều tra bê bối 1MDB, đã được cho phép nghỉ hưu trước thời hạn (10/2015) vì lý do sức khỏe. Các nhà phê bình cho rằng đây là một nỗ lực để ngăn chặn cuộc điều tra được tiếp tục.

Cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad hồi giữa tháng 1 cũng đã chia sẻ với các phóng viên rằng, "Chính quyền Najib đã gây ra sự suy giảm của đất nước trong khu vực kinh tế, chính trị, khoa học, công nghệ và kiến ​​thức. Tất cả các khu vực đều đang bị ảnh hưởng”.

Giờ đây, một số nhà phê bình đã dấy lên câu hỏi về lí do tại sao hoàng tộc Saudi Arabia gửi cho ông Najib khoản tiền lớn như vậy và một phần trong số tiền đó, 61 triệu USD đã được tiêu dùng và không được hoàn trả.

Trước đó, cả Malaysia đã rúng động sau báo cáo ngày 3/7/2015 của tờ Asian Wall Street Journal về khoản tiền khoảng 700 triệu USD của các thực thể có liên quan tới quỹ 1MDB được chuyển vào các tài khoản của ông Najib.

Đáng chú ý, hai khoản ký thác lớn nhất, trị giá 620 triệu và 61 triệu USD, đã được chuyển vào tài khoản của ông Najib thông qua một loạt các công ty liên kết với 1MDB ngay giữa lúc diễn ra cuộc tranh cử gay go vào năm 2013.

Ngày 27/1, BBC đưa tin rằng, số tiền đó được ủy quyền bởi Quốc vương Abdullah của Saudi Arabia để giúp ông Najib giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, thời điểm mà Saudi Arabia lo ngại về ảnh hưởng toàn cầu của nhóm Huynh đệ Hồi giáo. Trong khi đó, một đảng đối lập tại Malaysia, đảng PAS được cho là có liên hệ với tổ chức này.

Vẫn nhận được sự ủng hộ

Theo Malaysia Insider, dù bất ổn nội bộ hiện tiếp tục gia tăng, nhưng có thể thấy sự ủng hộ đối với Phó Chủ tịch đảng Muhyiddin Yassin và cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đã giảm trong đảng Tổ chức Dân tộc Thống nhất Mã-lai (UMNO) thuộc liên minh cầm quyền.

Ông Najib đã thể hiện là bậc thầy trong việc xử lý bất đồng chính kiến và sẽ tiếp tục giải quyết những vấn đề bất ổn nội bộ đã đẩy ông gần đến bờ vực trong năm vừa qua. Hiện tại, Thủ tướng Najib vẫn giành được sự ủng hộ từ các thành viên chủ chốt trong UMNO.

Các đảng viên UMNO dường như đã chấp nhận giải thích về 681 triệu USD trong tài khoản cá nhân của ông là sự quyên góp, nguồn tài trợ chính trị nhưng vấn đề cần được làm rõ để tạo sự minh bạch.

Sự thống nhất về lập trường chính trị trong UMNO đã được thể hiện rõ nét nhất trong quyết định gần đây của cả Thượng viện và Hạ viện Malaysia, trong 2 ngày 27-28/1 đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập.

Cần giải quyết những vấn đề lớn hơn

Bên cạnh các thách thức do khủng hoảng xung quanh ông Najib, chính quyền Malaysia còn đối mặt với hàng loạt các thách thức khi kinh tế suy giảm, giá dầu và hàng hóa rơi tự do, đồng RM suy yếu và sự ra đời của thuế hàng hóa và dịch vụ và đặc biệt là mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố trong khu vực.

Ngân sách Malaysia năm 2016 được công bố vào tháng 10/2015, phải được điều chỉnh do giá dầu sụt giảm liên tục trong khi ngân sách được dựa trên giá dầu được định giá ở mức 48 USD/thùng.

Malaysia Insider đã nhận định, Chính phủ đã có một khởi đầu tốt bằng cách đưa ra thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu nhằm đa dạng hóa nguồn thu và bù đắp sự mất mát nguồn thu từ dầu mỏ. Nhưng Chính phủ cũng cần thu hút các nhà đầu tư, thực hiện cải cách bao gồm cả hệ thống giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng nguồn nhân lực tài năng tay nghề cao; mở rộng các lĩnh vực dịch vụ để hỗ trợ chuỗi giá trị tăng trưởng.

Ngày 26/1, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã phải tuyên bố rằng, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một mối đe dọa “rất thật” đối với nước này. Phát biểu này được đưa ra chỉ sau vài giờ khi nhóm phiến quân Katibah Nusantara, được coi là một nhánh của IS ở khu vực đã đăng tải một đoạn phim dọa tổ chức các cuộc tấn công ở Malaysia vì chính quyền nước này bắt giữ những người ủng hộ họ.

Lãnh đạo Katibah Nusantara là Bahrun Naim, được cho là nghi can chủ mưu vụ khủng bố ở thủ đô Jakarta của Indonesia vừa qua. Trước đó, cảnh sát Malaysia cũng đã liên tục bắt giữ nhiều nghi can có âm mưu đánh bom khắp đất nước.

Là một trong những quốc gia có đông đảo người dân theo đạo Hồi thì những thách thức mà chủ nghĩa khủng bố đem lại không mới nhưng ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong dài hạn, Malaysia cần có một chiến lược dài hạn giải quyết vấn đề này cùng với việc đặt ra lộ trình cải cách cơ cấu nhằm đáp ứng mục tiêu trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2020.

Người dân Malaysia đang chờ đợi Chính phủ do Thủ tướng Najib lãnh đạo thực hiện công việc này trong thời gian còn lại cho đến cuộc tổng tuyển cử tới vào năm 2018.

An Bình (Tổng hợp)

NỔI BẬT TRANG CHỦ