• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Bế tắc" tên lửa Mỹ tại Nhật Bản: tiền mua sẵn nhưng không biết lắp tại đâu

Thế giới 06/09/2019 14:04

(Tổ Quốc) - Những phản đối từ người dân địa phương khiến việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore tại Nhật Bản đang gặp khó khăn.

Khu vực ngoại ô quận Araya, tỉnh Akita ở phía tây bắc Nhật Bản dường như là địa điểm hoàn hảo để Thủ tướng Shinzo Abe đặt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Chính quyền địa phương ủng hộ cho đảng cầm quyền trong khi bản thân vùng này cũng từng chứng kiến một tên lửa từ Triều Tiên bay ngang qua.

Tuy nhiên, nhận định trên chỉ tồn tại cho tới khi cư dân Araya bắt đầu lo lắng rằng, hệ thống tên lửa Aegis Ashore do Lockheed Martin sản xuất, có thể khiến nơi đây trở thành một mục tiêu chủ chốt cho Bình Nhưỡng trong bất kỳ cuộc xung đột nào. Phong trào phản đối nhanh chóng lan rộng, dẫn tới việc một nghị sỹ thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP) của ông Abe ra đi vào tháng Bảy và buộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản phải tiến hành lại các khảo sát khu vực.

"Tôi không nghĩ Aegis Ashore là cần thiết, nhưng ít nhất tôi muốn họ không đặt nó ngay cạnh khu vực dân cư này", bà Shizuka Terata, một nghị sỹ độc lập nói. "Là một người mẹ, tôi ghét ý tưởng đó".

nb

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tiến hành tập trận bằng đạn thật (ảnh: Bloomberg)

Diễn biến trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy những giới hạn trong nỗ lực của ông Abe nhằm cân bằng chủ nghĩa chuộng hòa bình (vốn đã bám rễ sâu trong xã hội Nhật Bản) với các mối đe dọa mới từ Triều Tiên và một đồng minh hay đòi hỏi như chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 5 tỷ USD gần như chắc chắn sẽ bị trì hoãn, thậm chí là khả năng tái xem xét: đề xuất ngân sách 2020 của Bộ Quốc phòng Nhật Bản bao gồm tiền để mua các tên lửa nhưng không dành tiền để chuẩn bị cho địa điểm lắp đặt.

Để tiếp tục kế hoạch, ông Abe cần phải "làm ngơ" hoặc dập tắt được sự phản đối địa phương. Một lựa chọn khác đó là chọn một địa điểm mới ở miền bắc Nhật Bản, tuy nhiên, khả năng vấp phải những phản ứng tương tự cũng không hề nhỏ.

Chính quyền Abe kỳ vọng hệ thống Aegis Ashore giúp theo dõi và đánh chặn các tên lửa, nhằm đạt được hai mục tiêu: bảo vệ Nhật Bản khỏi Triều Tiên và củng cố mối quan hệ đang có xu thế đi xuống với đồng minh Mỹ. Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, hàng năm ông Abe đều gia tăng chi tiêu quốc phòng và mua các vũ khí từ Mỹ như Aegis Ashore, máy bay tàng hình F-35…


Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ phần nào đáp ứng yêu cầu quen thuộc của Mỹ về việc Tokyo cần phải có một vai trò an ninh lớn hơn. Trong một cuộc gặp với giữa các Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng hai nước hồi tháng Tư, hai bên đã tái khẳng định quyết định "nâng cao năng lực và mở rộng phòng thủ tích hợp cho cả các đe dọa trên không và tên lửa, bao gồm việc thông qua triển khai đúng hạn và thành công hệ thống Aegis Ashore của Nhật Bản".

Giữ vững vị trí bên cạnh Mỹ đang trở nên khẩn cấp cho Nhật Bản, đặc biệt ở thời điểm hiện tại. Tổng thống Trump từng không ít lần nhắc tới việc rút khỏi hiệp ước phòng thủ đã tồn tại trong 6 thập kỷ với Tokyo, cũng như công khai phàn nàn rằng, thỏa thuận không yêu cầu quân đội Nhật phải có trách nhiệm nền quốc phòng Mỹ.

"Chưa từng có một tổng thống nào công khai nói về hủy bỏ liên minh Mỹ-Nhật, vì vậy không có gì phải tranh cãi về điều trên", ông Yasuhiro Takeda, một giáo sư tại Học viện Quốc phòng Nhật Bản nhận xét.

Tuy nhiên, tình huống Aegis Ashore cho thấy những thách thức đang tồn tại. Bên cạnh áp lực ngân sách và thiếu hụt nhân lực do dân số già hóa của Nhật Bản, ông Abe cũng phải đối mặt với sự e ngại của dư luận về khả năng lặp lại những sai lầm dẫn tới Thế chiến thứ hai.

Vì vậy, mặc dù không hài lòng với sự hiện diện của binh lính Mỹ và lo lắng bị lôi kéo vào các cuộc xung đột của Mỹ, nhiều người dân Nhật vẫn phản đối những nỗ lực xây dựng một nền quân đội độc lập hơn.

Theo ông Takeda, việc phòng thủ Nhật Bản mà không có hiệp ước an ninh với Mỹ là điều phi hiện thực. Thay vào đó, Tokyo nên tìm cách làm giảm gánh nặng lên Mỹ thông qua tăng cường năng lực trong một số lĩnh vực nhất định, bao gồm cả phòng thủ tên lửa.  

Tuy nhiên, những phản đối tại tỉnh Akita chứng tỏ, ngay cả giải pháp trên cũng không dễ dàng.

"Tôi nghĩ mọi người hiểu sự cần thiết của nó [hệ thống tên lửa]", cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera nói. "Quan trọng là lắp đặt ở đâu".

Bộ Quốc phòng Nhật đang cố gắng thuyết phục người dân địa phương rằng địa điểm ở Akita và một điểm khác ở Hagi, phía tây nam tỉnh Yamaguchi - là các lựa chọn khả quan nhất. Tuy nhiên, người dân ở Akita lại lo ngại về khoảng cách của khu lắp đặt với một trường học, cũng như những ảnh hưởng tới sức khỏe từ hệ thống radar.

Ngoài ra, một số người cũng tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của hệ thống trước thế hệ tên lửa mới của Triều Tiên. "Giờ đây các tên lửa hành trình bay ở độ cao thấp và hệ thống có thể sẽ không phát hiện ra", ông Masashi Sasaki, một cựu nhân viên đường sắt ở Akita nói. "Chúng tôi không bao giờ cho phép chiến tranh xảy ra. Chúng tôi không được để nơi này thành một ngòi nổ chiến tranh. Vì vậy, chúng tôi không đồng ý đặt hệ thống tên lửa tại đây". 

Phương Đỗ

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ