• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Bí mật ai cũng biết” của Nhà Trắng đe dọa quyền lực tân Ngoại trưởng Mỹ

Thế giới 02/02/2017 13:47

(Tổ Quốc) - Ngoại trưởng Rex Tillerson đối mặt với sự không hài lòng và nghi ngờ đến từ bên ngoài và cả nội bộ bên trong.

Thượng viện Mỹ vừa chính thức thông qua đề xuất của Tổng thống Donald Trump, công nhận cựu CEO tập đoàn Exxon, ông Rex Tillerson là Ngoại trưởng Mỹ. Cuộc bỏ phiếu kín của Thượng viện thể hiện sự chia rẽ sâu sắc giữa hai chính Đảng của nước Mỹ. Có 56 Thượng nghị sỹ đồng ý với đề cử của ngài Tổng thống, trong đó bao gồm tất cả các gương mặt đến từ Đảng cộng hòa, cùng ba thành viên của Đảng Dân chủ và một Nghị sỹ độc lập. 43 người nói không. Bên cạnh đó, Chris Coons, một đại diện của Đảng Dân chủ quyết định không bỏ phiếu.

Hai người tiền nhiệm của ông Tillerson, cựu Ngoại trưởng John Kerry có tỷ lệ ủng hộ/ phản đối là 94/3; còn tỷ lệ của bà Condoleezza Rice – cựu Ngoại trưởng cuối cùng do Đảng Cộng hòa đề cử, là 85/13.

Thượng viện Mỹ đã chính thức bỏ phiếu công nhận ông Tillerson là Ngoại trưởng nước này

Trước đó, Đảng Dân chủ từng cố gắng trì hoãn quá trình bỏ phiếu thông qua vị trí của ông Tillerson, sau khi Tổng thống Trump ký kết sắc lệnh cấm người nhập cư từ bảy quốc gia Hồi giáo và tạm thời dừng nhận người tị nạn vào nước Mỹ. Các Thượng Nghị sỹ cho biết họ muốn đặt ra cho Tillerson thêm một số câu hỏi về hướng giải quyết những cuộc biểu tình và hỗn loạn đang xảy ra tại các sân bay trên toàn nước Mỹ, cũng như mối lo ngại ngày càng tăng của khách du lịch thế giới trước chính sách mới của ông Trump. Ngoài ra, mối quan hệ thân thiết của ngài cựu CEO với Nga cũng là một lý do khác khiến Tillerson vấp phải không ít phản đối. Tuy nhiên, những nỗ lực của các Thượng Nghị sỹ Đảng Dân chủ đã không thành công, đặc biệt khi Đảng Cộng hòa hiện đang nắm giữ 52/100 ghế tại Thượng viện Mỹ.

MỘT ĐỐNG HỖN ĐỘN CÓ QUY MÔ TOÀN CẦU

Mặc dù đã “an toàn” vượt qua cuộc bỏ phiếu, nhưng theo Reuters, những gì tân Ngoại trưởng Mỹ phải đối mặt sẽ là “một đống hỗn độn” có quy mô toàn cầu, với các điểm nhấn như cuộc xung đột Syria, Bắc Triều Tiên đang đe dọa bắn thử tên lửa đạn đạo, những thử thách đến từ một Trung Quốc đang lên và tất nhiên, không thể thiếu một nước Nga với lập trường ngày càng cứng rắn.

Tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách

Sau hơn chục ngày đầu tiên sau khi tân Tổng thống chính thức nhậm chức, Nhà Trắng đã tiến hành một loạt động thái, mà theo các chuyên gia đánh giá là, đang “tự làm đau mình”.

“Chúng tôi đã đạt được một loạt các mục tiêu,” một quan chức cấp cao giấu tiên của Mỹ cho biết. “Chính quyền mới lên luôn đi cùng với sự hỗn loạn và va chạm. Điều này không có gì lạ lùng. [Tuy nhiên] những gì đang xảy ra lại tệ hơn so với thông thường.”

Giữa tuần trước, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã đưa ra một quyết định hiếm hoi, khi hoãn chuyến đi đến Washington gặp ông Trump, giữa thời điểm, tân Tổng thống Mỹ liên tục đòi nước này phải chi trả cho bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Hôm thứ Sáu (27/01), ông Trump ký một sắc lệnh ngừng tiếp nhận người tị nạn trong vòng bốn tháng và tạm thời cấm hàng triệu người từ bảy quốc gia Hồi giáo lớn (Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen) nhập cảnh vào Mỹ. Động thái này của ngài Tổng thống đã châm ngòi cho những tranh cãi gay gắt không chỉ trong nội bộ nước Mỹ, mà còn với các quốc gia Hồi giáo khác, và các đồng minh như Đức, Anh…

ĐỐI MẶT VỚI KHÔNG HÀI LÒNG VÀ NGHI NGỜ

Theo một nguồn tin, có khoảng 900 nhân viên ngoại giao Mỹ đã ký một bản ghi nhớ thể hiện sự phản đối với chương trình cấm nhập cư của ông Trump – một động thái rất ít khi xảy ra đối với những chính sách của một Tổng thống mới.

Đáp lại, phát ngôn viên của Nhà Trắng Sean Spicer cho biết, những nhân viên phản đối “nên chấp nhận chương trình này hoặc là ra đi.”

Sự kiện này cho thấy hai đối tượng chính mà Tillerson phải hướng tới – các quốc gia nước ngoài và “bộ sậu” nhân viên ngoại giao Mỹ - đều đã sớm không “vui vẻ gì” trước khi ông chính thức đảm nhận quyền lực.

Ông Trump có thực sự "tin tưởng" tân Ngoại trưởng của mình?

“Ông ấy [Tillerson] sẽ bắt đầu công việc trong một hoàn cảnh khó khăn, và sẽ phải tăng tốc để có thể xây dựng lòng tin với những người đồng nhiệm bên ngoài và với chính đồng nghiệp tại Bộ Ngoại giao,” John Bellinger, một cố vấn pháp lý của Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống George W. Bush nhận xét.

“Tillerson sẽ đối mặt với sự không hài lòng và nghi ngờ từ Nhà Trắng, trong khi sở hữu một dàn nhân viên cũng đang không hài lòng và nghi ngờ,” một cựu quan chức Ngoại giao giấu tên cho biết. “Điều này càng thêm khó khăn trong thời điểm rối loạn hiện tại.”

BÍ MẬT MÀ AI CŨNG BIẾT

Loren DeJonge Schulman, một cựu quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia và của Nhà Trắng cho biết, theo một số nguồn tin ông Trump đã không thảo luận với các cố vấn hàng đầu của mình về chính sách hạn chế nhập cư gây tranh cãi; và điều này có thể trở thành một trở ngại cho tân Ngoại trưởng.

“Quyền lực và ảnh hưởng của Ngoại trưởng đến từ ý tưởng ông đại diện cho Tổng thống Mỹ,” Schulman nói. Tuy nhiên, dường như dưới thời Trump, Nhà Trắng đang tồn tại một “bí mật mà ai cũng biết”, về khả năng Tổng thống có thể không tham vấn các thành viên Chính phủ trong một số vấn đề. “Việc giới quan sát nước ngoài có thể nhận ra điều này ngay trong ngày đầu tiên, chắc chắn sẽ khiến quyền lực của ông ấy [tân Ngoại trưởng] bị giảm sút.”

(Theo Reuters)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ