(Tổ Quốc) - “Với nguyện vọng của người dân muốn lấy lại sân vận động Chi Lăng, chúng ta còn cơ hội hay không? Chúng tôi xem xét tất cả mọi chuyện thì thấy rằng Đà Nẵng vẫn còn cơ hội lấy lại sân vận động Chi Lăng”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói.
Sáng 30/6, đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri thành phố để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri thành phố đặt câu hỏi trước đây nghe lãnh đạo thành phố nói thu hồi lại sân vận động Chi Lăng, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy gì, có lấy lại sân vận động Chi Lăng được không?.
Nói về vấn đề này, ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết: Chúng ta không thể nói lấy lại sân vận động (SVĐ) Chi Lăng là lấy ngay được. Chúng ta phải hiểu tư cách của Đà Nẵng đối với SVĐ Chi Lăng hiện nay là gì?
Ông Nghĩa cho hay, Đà Nẵng đã bán SVĐ Chi Lăng cho doanh nghiệp rồi, doanh nghiệp mang sân vận động này đi thế chấp ngân hàng. Tòa án xử đây là tranh chấp giữa doanh nghiệp với ngân hàng. Đà Nẵng muốn thu hồi cũng phải theo đúng trình tự, quy định.
"Với nguyện vọng của người dân muốn lấy lại SVĐ Chi Lăng, chúng ta còn cơ hội hay không? Chúng tôi xem xét tất cả mọi chuyện thì thấy rằng Đà Nẵng vẫn còn cơ hội lấy lại SVĐ Chi Lăng", ông Nghĩa nói.
Theo Bí thư Đà Nẵng, SVĐ Chi Lăng giao cho doanh nghiệp, nhưng đến hiện nay họ đã làm được gì? Một là giải phóng mặt bằng chưa xong, hai là quy hoạch chưa có thì cơ sở đâu mà có 14 sổ đỏ để mang thế chấp ngân hàng? Và sổ đỏ này có hợp pháp hay không? Và khả năng mang SVĐ Chi Lăng ra thực hiện như kết luận của Tòa án là mang ra đấu giá có được hay không? Hoàn toàn không được.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết, thành phố đã gửi tất cả kiến nghị để xin lấy lại SVĐ Chi Lăng lên cấp cao nhất trong đó có đề xuất trả lại tiền cộng với lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, tòa án đã có phán quyết nên quyền lợi của ngân hàng và doanh nghiệp đang giằng co.
Cũng theo ông Nghĩa, sân vận động Chi Lăng không thể mang ra bán đấu giá theo phán quyết của tòa vì chưa có phê duyệt quy hoạch. "Nếu không có quy hoạch thì làm sao mang ra đấu giá được. Thực thi theo phán quyết của tòa án là bất khả thi, tức là không thể thực thi nổi", ông Nghĩa nói.
Bí thư Đà Nẵng chia sẻ, SVĐ Chi Lăng là một địa chỉ nằm trong sâu thẳm trái tim của mỗi một người dân. Cử tri, người dân Đà Nẵng sốt ruột muốn lấy lại được sân Chi Lăng. Tuy nhiên, việc lấy lại phải thực hiện theo trình tự thủ tục, đúng quy định của pháp luật.
"Sai lầm của một số lãnh đạo giai đoạn trước giờ họ nghỉ rồi, bây giờ chúng tôi đang cố gắng khắc phục. Nhưng mỗi một quyết định của mình đều phải tuân thủ theo pháp luật và trình tự của nó. Mong các cử tri chia sẻ điều này", ông Nghĩa cho biết.
Năm 2010, UBND TP Đà Nẵng (lúc đó ông Trần Văn Minh làm Chủ tịch UBND, ông Văn Hữu Chiến làm Phó Chủ tịch UBND) đồng ý bán SVĐ Chi Lăng cho Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng một khu phức hợp thương mại dịch vụ cao tầng. Đầu năm 2011, ông Trần Văn Minh (lúc đó là Chủ tịch UBND TP) đã hoàn tất bán SVĐ này cho Tập đoàn Thiên Thanh của ông Phạm Công Danh với giá gần 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng lúc này lại đồng ý cho "xẻ" SVĐ Chi Lăng ra làm 14 lô đất cho Tập đoàn Thiên Thanh. Sau đó, Tập đoàn này thế chấp ngân hàng để vay hàng ngàn tỷ đồng.
Tháng 7/2014, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh bị bắt để điều tra làm rõ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Tháng 8/2018, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ giao các sở tìm phương án thu hồi SVĐ Chi Lăng phục vụ mục đích chung của thành phố. Đà Nẵng cũng đã tính đến phương án sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền sử dụng đất mà Tập đoàn Thiên Thanh đã nộp, kèm lãi suất.