(Tổ Quốc) - Chiều nay (16/4), Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi "Đối thoại với doanh nghiệp trên địa bàn".
- 16.04.2020 Vingroup, Vietnam Airlines, FLC, BRG đề xuất những gì với Bí thư Hà Nội?
- 16.04.2020 Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ chỉ đạo xử lý dứt điểm 8 vụ việc phức tạp tại huyện Ba Vì
- 16.04.2020 "Hội nghị Diên Hồng" Bí thư Thành ủy Hà Nội với cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô trước bối cảnh dịch Covid -19
"Doanh nghiệp cảm ơn Hà Nội đã quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19"
Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cảm ơn sự quyết liệt của chính quyền Hà Nội trong việc kiểm soát dịch bệnh, từ đó tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp.
Bà Nga cho biết, BRG đã đồng hành cùng thành phố Hà Nội bằng nhiều giải pháp như: Hỗ trợ vật chất; Tham gia đảm bảo các nhu thiết yếu cho người dân trên địa bàn, mở thêm 10 điểm bán lẻ, cam kết với nhiều quận huyện là khi cách ly dịch bệnh vẫn đảm bảo cung cấp hàng hóa khi có nhu cầu.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG cho hay, kể từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, doanh nghiệp đã chịu thiệt hại nặng nề trên tất cả lĩnh vực kinh doanh, ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho nhân dân, bà Nga kiến nghị thành phố cần tăng cường lực lượng an ninh, công an phường đến hỗ trợ tại các điểm bán lẻ vì nhiều lúc lượng người dân đến mua sẽ tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Cùng với đó, thành phố tạo điều kiện cấp giấy phép lưu thông cho các phương tiện vận chuyển giao nhận hàng hóa đi từ Hà Nội về các địa phương và ngược lại; Các doanh nghiệp được thi công, cải tạo các điểm bán lẻ; Hỗ trợ chi phí để các siêu thị có thể cung cấp cho nhân dân các vùng có dịch như vận chuyển, bảo hộ y tế cho nhân viên bán hàng.
Do lĩnh vực khách sạn, du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, bà Nga đề nghị thành phố giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp 50%; thay đổi cách hạch toán phí dịch vụ; Miễn hoặc giảm 50% mức thuế giá trị gia tăng; tiền thuê đất; thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong năm 2020. Đồng thời, thành phố cần trích ngân sách để lập quỹ kích cầu du lịch cho Hà Nội, tổ chức các quảng bá đến các thị trường trọng điểm sau khi dịch bệnh kết thúc.
Đối với các công trình trọng điểm chào mừng đại hội Đảng, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG đề nghị đơn giản hóa các thủ tục hành chính về cấp phép, nghiệm thu, thanh tra, kiểm tra để các dự án sớm đưa vào hoạt động, sử dụng.
"Nên sử dụng, khai thác hết các quỹ trong lúc này để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp"
Được lãnh đạo Hà Nội mời phát biểu sau bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội Đỗ Quang Hiển cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang rất mong mỏi các giải pháp hỗ trợ quyết liệt, các tiêu chí, quy trình hướng dẫn cụ thể đúng, trúng, kịp thời.
Theo ông Hiển, các doanh nghiệp nhỏ rất mỏng manh dễ vỡ. Hiện nay, trong nhiều khó khăn mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và thành phố đang hỗ trợ thì doanh nghiệp muốn tồn tại phải dựa vào đầu vào, đầu ra thị trường.
“Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất thiếu và yếu trong lĩnh vực này. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng họ chỉ tập trung vào một vài thị trường lớn, tập trung cả nước ngoài và trong nước. Tuy nhiên, những thị trường chiếm kim ngạch lớn hiện cũng đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh COVID - 19. Chính vì vậy, nếu không có thay đổi ngay sẽ khó phát triển sau khi dịch bệnh đi qua.” - ông Hiển nhấn mạnh.
Ông Đỗ Quang Hiển cho rằng, thành phố hiện đang có nhiều quỹ như: Quỹ xúc tiến thương mại; Quỹ môi trường; Quỹ đào tạo, "những quỹ này các doanh nghiếp rất cần về tiêu chí, tiêu chuẩn tiếp cận nhưng rất khó" - ông Hiển nói.
Cũng theo ông Đỗ Quang Hiển, các doanh nghiệp vào thời đểm này cần đổi mới công nghệ, sản phẩm, quản lý quản trị. Chính vì vậy, thành phố nên sử dụng, khai thác hết các quỹ trong lúc này để tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề thuế, ông Hiển đề nghị đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thành phố cần kiến nghị với Chính phủ giảm thuế trong đợt dịch bệnh từ nay cho đến sau thời kỳ của dịch bệnh.
Về Đề án 20 khu, cụm công nghiệp nhưng thủ tục triển khai đang bị chậm, ông Hiển đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ kịp thời để tạo điều kiện mặt bằng kinh doanh.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp trong hiệp hội cụ thể như Công ty May 10 có đơn hàng 400 triệu chiếc khẩu trang xuất khẩu, mong Thành ủy và UBND thành phố Hà Nội kiến nghị với Chính phủ để doanh nghiệp có thể xuất khẩu mặt hàng này.
"Không cho phép bất kỳ một tiêu cực nào trong bộ máy vận hành cơ chế chính sách"
Cảm ơn sự ghi nhận của các doanh nghiệp đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kết quả của Hà Nội đã đóng góp vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.
Bí thư khẳng định, Thành phố Hà Nội cam kết làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch theo nguyên tắc đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân. Đồng thời, thành phố xác định làm tốt công tác phòng chống dịch là tiền đề để bảo vệ cho sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn.
Về các giải pháp tháo gỡ vướng mắc khó khăn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, sau khi có các quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ, ngành, thành phố Hà Nội đã triển khai kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai minh bạch, không có nhũng nhiễu.
"Chúng tôi đã cảnh báo không cho phép bất kỳ một tiêu cực nào trong bộ máy vận hành cơ chế chính sách. Tôi đã nói rõ điều này khi họp giao ban với 547 xã phường trên địa bàn Hà Nội. Nếu cán bộ nào vi phạm sẽ xử phạt nghiêm và xem đó là yếu tố tăng nặng" - Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.
Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội ngoài gói hỗ trợ đã ban hành, thành phố sẽ tổng hợp lại để báo cáo. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố Hà Nội, Ủy ban sẽ giải quyết vấn đề thuộc ủy ban, những vấn đề cần thiết phải trình ra HĐND thành phố giao cho Ban Cán sự Đảng của Ủy ban tổng hợp báo cáo với Thường trực, Thường vụ thông qua chủ trương trước khi trình HĐND xem xét.
"Có thể nới lỏng một phần giãn cách xã hội trên địa bàn tùy vào diễn biến dịch bệnh"
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, thành phố cam kết đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng với điều kiện giãn cách xã hội. “Có thể nới lỏng một phần tùy theo diễn biến dịch bệnh của cả nước và thành phố” - Bí thư Hà Nội nói.
Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phấn đấu năm nay đạt 4,04%; đẩy mạnh đầu tư công theo nguyên tắc “góp gió thành bão” từ tổn dân phố đến các công trình quận, huyện, các dự án đầu tư tư nhân; đồng thời làm việc với các bộ ngành liên quan để đẩy mạnh các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh nhất là lĩnh vực sản xuất có ưu thế như dược phẩm, các thiết bị y tế, lĩnh vực công nghệ thông tin. Không có những cái này thì không có cầu cho doanh nghiệp.
Hiện nay, Hà Nội có hơn 8 triệu dân, 2 triệu khách vãng lai chưa kể các sinh viên và đồng bào nước ngoài về Việt Nam, Bí thư Thành uỷ cho rằng, cần phải triển khai bán hàng về tận các thôn, tổ dân phố, khu dân cư chứ không chỉ bán riêng trong siêu thị bởi vì khi thực hiện giãn cách xã hội người dân sẽ khó có thể đi lại được.
"Thậm chí cần phải tạo khoảng không vỉa hè, thành phố sẽ vừa tạo điều kiện đảm bảo an ninh trật tự vừa tạo điều kiện để thông thương cho sản xuất, lưu thông hàng hóa. Làm được như vậy thì mới có cầu và có cung cho doanh nghiệp được, từ đó mới tạo được công ăn việc làm cho người lao động, doanh nghiệp mới có thu nhập và đóng góp cho ngân sách nhằm đảm bảo cho an sinh xã hội" - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
“Các kiến nghị cứ gửi cho Văn phòng Thành ủy, tôi sẽ đọc trực tiếp, các đồng chí yên tâm”
Về ý kiến đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi kinh tế, Bí thư Vương Đình Huệ cho biết Hà Nội sẽ xem xét, nghiên cứu. Ông cũng chia sẻ rằng, thứ 2 hàng tuần, Hà Nội đã tổ chức giao ban Thành ủy để thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh và duy trì, phục hồi và tăng cường sản xuất kinh doanh.
Bí thư Hà Nội giao cho Ban Cán sự Đảng của Ủy ban nhân dân thành phố tiếp thu các ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp. Ngoài Cổng thông tin điện tử, nếu có văn bản cứ gửi về cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và cả Văn phòng Thành ủy Hà Nội. “Tôi sẽ đọc trực tiếp, các đồng chí yên tâm” - Bí thư Hà Nội cho biết.
Liên quan đến vấn đề các dự án, vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Hà Nội sẽ tiếp thu để báo cáo lên Thủ tướng trong tuần tới. Đối với các dự án, công việc liên quan đến thẩm quyền của thành phố, Bí thư yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tiếp thu, tổng hợp giải quyết theo thẩm quyền. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của Thành ủy, HĐND cần báo cáo sớm để xem xét.
"Phấn đấu có một số dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân hoàn thành vào dịp tháng 10 chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII thành phố Hà Nội và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào tháng 12. Hoặc chí ít phải đủ điều kiện để hoàn thành hoặc khởi công, xã phường thị trấn cũng phải làm như vậy" - Bí thư Vường Đình Huệ yêu cầu.
Một nội dung quan trọng khác liên quan các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh trong điều kiện thích ứng với dịch bệnh các hiện nay và lâu dài, người đứng đầu Thành uỷ Hà Nội cho biết đã chỉ đạo thành phố giao cho sở, ngành nghiên cứu.
"Thành phố phải có hướng dẫn cụ thể hơn nữa các danh mục, hướng dẫn về giãn cách xã hội, các ngành nghề, lĩnh vực được kinh doanh, cái gì thuộc thẩm quyền thành phố sẽ giải quyết, cái gì ngoài thẩm quyền thành phố sẽ báo cáo lên Chính phủ" - Bí thư Hà Nội yêu cầu.