• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: "Cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội còn nhiều mâu thuẫn"

Thời sự 21/08/2020 16:02

(Tổ Quốc) - Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô hiện đã có quy hoạch, tuy nhiên còn nhiều mâu thuẫn giữa việc đảm bảo quy hoạch và phương án tài chính của nhà đầu tư.

Mâu thuẫn giữa việc bảo vệ và phát triển phố cổ, nội đô

Chiều 21/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ 16, thành phố đã tích cực triển khai khâu đột phá về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn giai đoạn 2016-2020”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Việc cải tạo chung cư trên địa bàn Hà Nội còn nhiều mâu thuẫn" - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã triển khai chương trình 06-CTr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020”, đây là một trong tám chương trình lớn của Thành ủy. Trên cơ sở chương trình công tác này, Thành ủy ban hành nhiều chuyên đề, văn bản để tổ chức thực hiện.

Qua 5 năm thực hiện, diện mạo Thủ đô ngày càng sáng, xanh - sạch - đẹp, văn minh, khang trang, hiện đại hơn. Đường phố Hà Nội có nhiều đô thị hiện đại, phố xá sạch sẽ hơn. Nhiệm kỳ vừa qua thành phố đã trồng mới 1,6 triệu cây xanh trên kế hoạch chỉ 1 triệu cây.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, ở nhiệm kỳ trước, số vụ vi phạm trật tự xây dựng chiếm 18% nhưng nhiệm kỳ vừa qua đã giảm xuống 3%. Có được kết quả này là nhờ thành phố đã triển khai thí điểm mô hình Đội quản lý đô thị trực thuộc các ủy ban nhân dân quận, huyện.

“Sắp tới, thành phố sẽ trình để xin Thủ tướng cho phép tiếp tục triển khai mô hình này” - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố cũng chia sẻ, những kết quả chung đó có sự hướng dẫn, giúp đỡ thường xuyên, thiết thực của Chính phủ, các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng. Hà Nội là đô thị đặc biệt đang trong quá trình phát triển, tỉ lệ đô thị hóa rất nhanh. Trong nhiệm kỳ tới, theo kế hoạch có ít nhất 5 quận nằm trong quy hoạch phát triển đô thị.

Nhấn mạnh về một số vấn đề mới phát sinh được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, vướng mắc, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, việc cải tạo chung cư cũ hiện còn nhiều mâu thuẫn giữa việc đảm bảo quy hoạch và phương án tài chính của nhà đầu tư. Hay như vấn đề quản lý phố cổ, nội đô, hiện nay đang mâu thuẫn giữa việc bảo vệ và phát triển.

“Chỉ mình Thành phố không làm được, mà cần sự đồng hành của các Bộ” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Diện tích ở của người dân Hà Nội đến hết năm 2020 đạt bình quân 27,25m2/người

Báo cáo kết quả hợp tác do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng trình bày cho thấy, TP đã phê duyệt nhiệm vụ và tập trung triển khai lập quy hoạch các đồ án trọng điểm gồm: Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận; Quy hoạch chi tiết bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại Vạn Phúc (quận Hà Đông) và Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Bí thư Thành ủy Hà Nội: "Việc cải tạo chung cư trên địa bàn Hà Nội còn nhiều mâu thuẫn" - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng báo cáo tại buổi làm việc.

Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đã đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc tại khu vực hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với một số dự án đang triển khai. Phát triển loại hình nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng; tập trung thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2020.

Đến nay, đã có trên 1.000 tòa nhà chung cư cao tầng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và nâng diện tích nhà ở bình quân đến hết năm 2019 đạt 27,09 m2/người; dự kiến hết năm 2020 đạt 27,25m2/người. Ngoài ra, TP đã tổ chức thực hiện kiểm định 33 công trình nhà chung cư cũ; chỉ đạo rà soát, lập danh mục kiểm định các nhà chung cư cũ giai đoạn 2020-2022 (dự kiến 177 công trình).

Nhằm đảm bảo công tác quản lý, duy tu hệ thống hạ tầng đô thị, TP Hà Nội đã trình Bộ Xây dựng thẩm định đồ án Điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường phát huy hết công suất các nhà máy nước đã đi vào hoạt động đảm bảo đủ nguồn nước sạch cung cấp cho nhân dân.

Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày tại Nam Sơn, Sóc Sơn; khẩn trương chuẩn bị đầu tư các dự án 1.500 tấn/ngày tại Xuân Sơn, Sơn Tây và 1.500 tấn/ngày tại Đồng Ké, Chương Mỹ.


Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ