(Tổ Quốc) - Những cư dân cuối cùng ở ngôi làng Newtok (Alaska,Mỹ) sẽ lên thuyền chuyển đến nơi ở khác. Đây là một trong những ngôi làng bản địa đầu tiên ở bang Alaska hoàn thành việc di dời quy mô lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Ngôi làng bị phá hủy do nước xâm lấn
Hãng AP dẫn tin, lớn lên dọc theo bờ sông Ninglick ở phía tây Alaska, Ashley Tom thường nhìn ra ngoài cửa sổ sau những cơn bão mạnh từ Biển Bering đổ bộ vào ngôi làng và nhận thấy điều gì đó bất ổn: nước đang tiến gần vào làng hơn bao giờ hết.
Ở ngôi làng nhỏ Newtok giáp sông Ninglick ở phía tây Alaska (Mỹ), Ashley Tom đã được dạy cách khâu vá và móc len để làm mũ đội đầu, găng tay và giày trẻ em bằng lông hải cẩu hoặc rái cá.
Đến hiện tại, xói mòn và băng vĩnh cửu tan chảy đã gần như phá hủy ngôi làng Newtok, lấn chiếm đất khoảng 70 feet (21,34 mét) đất mỗi năm. Tất cả những gì còn lại là những ngôi nhà màu xám đổ nát và phần lớn bị bỏ hoang, lớp sơn bị cạo sạch bởi muối biển lao vào trong gió bão.
"Những gì tôi nhớ về Newtok là sống cùng bà nhưng ngôi nhà đã bị phá hủy", Tom nói.
Trong vài tuần tới, 71 cư dân cuối cùng ở ngôi làng Newtok sẽ lên thuyền chuyển đến Mertarvik để đoàn tụ với 230 cư dân đã chuyển đi từ năm 2019. Đây là một trong những ngôi làng bản địa đầu tiên ở bang Alaska hoàn thành việc di dời quy mô lớn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Giới chức trách làng Newtok đã bắt đầu tìm kiếm một thị trấn mới cách đây hơn hai thập kỷ, cuối cùng họ đã di chuyến đến một nơi cách ngôi làng Newtok 9 dặm (14,48 km) trên nền núi lửa ổn định của Đảo Nelson ở eo biển Bering.
Tuy nhiên, hành trình di chuyển diễn ra chậm chạp. Ngay cả sau khi hầu hết cư dân chuyển đến Mertarvik, cửa hàng tạp hóa và trường học vẫn còn ở Newtok, khiến một số giáo viên và học sinh phải xa gia đình trong năm học.
Calvin Tom, người quản lý ngôi làng và là chú của Ashley nói rằng Newtok "không còn là nơi để sống nữa". Xói mòn đã làm nghiêng các cột điện nguy hiểm. Và một cơn bão lớn vào mùa thu năm nay sẽ làm mất điện vĩnh viễn.
Mối đe dọa thảm khốc do xói mòn, lũ lụt và băng vĩnh cửu tan chảy
Alaska đang nóng lên nhanh gấp 2-3 lần so với mức trung bình toàn cầu. Một số ngôi làng nằm rải rác ở North Slope, mỏ dầu khổng lồ của Alaska, đã ghi nhận nhiệt độ ấm nhất vào tháng 8 năm nay.
Theo Viện Bắc Cực có trụ sở tại Washington, bang Alaska đang chứng kiến sự suy thoái của lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Hiện tượng lớp băng vĩnh cửu tan chảy đã làm hư hại đường sá, đường ray xe lửa, đường ống và các tòa nhà của 4 triệu người trên khắp thế giới.
Khoảng 85% diện tích đất ở Alaska nằm trên lớp đất đóng băng vĩnh cửu. Lớp đất đóng băng vĩnh cửu đông cứng quanh năm ở Bắc Cực đóng vai trò như chiếc nắp ngăn hàng loạt khí bốc vào khí quyển.
Lớp đất tan chảy hoặc nước biển ấm hơn tràn vào đất liền sẽ gây ra xói mòn nhiều hơn đáng kể. Một vấn đề khác với sự nóng lên: ít băng biển hơn để hoạt động như những rào cản tự nhiên bảo vệ các cộng đồng ven biển khỏi những con sóng nguy hiểm của bão biển.
Người Yupik có một từ để chỉ các mối đe dọa thảm khốc do xói mòn, lũ lụt và băng vĩnh cửu tan chảy: "usteq," có nghĩa là "bề mặt sụp xuống".
"Những thay đổi thường diễn ra chậm cho đến khi đột nhiên chúng không còn như vậy nữa, đặc biệt là khi bờ sông bị xói mòn hoặc một hố lớn mở ra", ông Rick Thoman, một chuyên gia về khí hậu tại Trung tâm nghiên cứu Bắc Cực quốc tế tại Đại học Alaska Fairbanks cho biết.
Theo một báo cáo vào tháng 1, 144 cộng đồng người bản địa Alaska phải đối mặt với một số mức độ thiệt hại về cơ sở hạ tầng do xói mòn, lũ lụt hoặc băng vĩnh cửu tan chảy. Trong khi đó, 6 cộng đồng là Kivalina, Koyukuk, Newtok, Shaktoolik, Shishmaref và Unalakleet cũng được xem có nguy cơ cao với những hiện tượng trên.
Trước diễn biến đó, cộng đồng dân cư này đang đối mặt với 3 lựa chọn dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình hình: Đảm bảo sự an toàn để người dân ở lại; tổ chức sơ tán và di chuyển trở lại để tránh các mối đe dọa xói mòn; hoặc di dời hoàn toàn.
"Nếu chúng ta nhìn lại một thập kỷ về những gì đã xảy ra liên quan đến biến đổi khí hậu ở Alaska thì có lẽ đây là thời điểm phải thay đổi. Chúng ta cần tìm ra cách tốt hơn để giúp các cộng đồng dân cư đảm bảo đất đai tái định cư", bà Jackie Qatalina Schaeffer, Giám đốc sáng kiến khí hậu của tổ chức y tế phi lợi nhuận tại Alaska (ANTHC), cho biết.
Theo bà Schaeffer, năm ngoái, người dân ở Kivalina đã hoàn thành một kế hoạch tổng thể về quá trình tái định cư trong tương lai. Ước tính quá trình di dời ở Kivalina sẽ dao động từ 100 triệu đô la đến 400 triệu đô la hoặc sẽ cao hơn. Hiện không có nguồn tài trợ liên bang nào cho việc di dời.
Bà Schaeffer cũng cho biết Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang có các chương trình và quỹ cứu trợ thiên tai, nhưng điều đó chỉ diễn ra sau khi có tuyên bố về thảm họa.
Thích nghi với tình hình mới
Năm 2018, cộng đồng Alaska đã nhận được 60 nguồn tài trợ liên bang cho việc di dời, nhưng theo báo cáo, chỉ một số ít được sử dụng thành công để giải quyết các mối đe dọa về môi trường.
"Phong cách sống và văn hóa của người bản địa Alaska, vốn đã duy trì rất tốt trong nhiều thiên niên kỷ, hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng do biến đổi môi trường diễn ra nhanh chóng. Không chỉ các tòa nhà, mà cả tính bền vững của cộng đồng và nền văn hóa đều đang bị đe dọa,", báo cáo cho biết.
Sau 5 năm chia cắt, tất cả người dân làng Newtok đã trở về tập trung sinh sống tại làng Mertarvik. Trường học ở làng Newtok đã đóng cửa và các lớp học bắt đầu hoạt động vào tháng 8 năm nay ở Mertarvik. Một tòa nhà trường học mới sẽ sẵn sàng vào năm 2026.
Cửa hàng tạp hóa Newtok gần đây đã chuyển đến Mertarvik và có kế hoạch xây dựng một cửa hàng tạp hóa thứ hai và một nhà thờ.
Calvin Tom - người quản lý ngôi làng cho biết địa điểm làng mới có những lợi ích to lớn, bao gồm không khí trong lành và đảm bảo sức khỏe tốt hơn.
Ashley Tom rất phấn khích khi những cư dân Newtok cuối cùng đã đến Mertarvik. Mặc dù ngôi nhà của họ sẽ khác so với nơi họ đã từng sống nhưng bà tin rằng đó sẽ là một phần kỷ niệm đẹp.
"Tôi thực sự yêu thích khu vực mới này và tôi cảm thấy mọi thứ rất trọn vẹn ở đây," bà nói.