• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Biển Đông 2017 - đòn tổng lực chính quyền Trump ép Trung Quốc

Thế giới 06/02/2017 12:54

(Tổ Quốc)-Mỹ sử dụng sức ép tổng hợp để buộc Trung Quốc thỏa hiệp.

Chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis – chuyến xuất ngoại đầu tiên của một thành viên nội các chính quyền Trump – có thể là đòn vu hồi của chính quyền Mỹ triển khai các biện pháp nhằm buộc Trung Quốc thỏa hiệp trong một số vấn đề, trước hết là kinh tế thương mại, tiếp đó là Biển Đông, Triều Tiên…

Phát biểu của Jim Mattis tại họp báo Tokyo, ngày 4/2, hé lộ lập trường của chính quyền Mỹ đối với vấn đề Biển Đông.

Ivanka Trump - con gái Donald Trump, đến dự tiệc Tết tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington - một cử chỉ xoa dịu của ngoại giao "vừa đấm vừa xoa" của chính quyền mới 

Gây áp lực tổng hợp lên Trung Quốc

Jim Mattis nói tại cuộc họp báo Tokyo: “Điều chúng tôi phải làm là thực hiện tất cả các nỗ lực ngoại giao để giải quyết vấn đề này một cách thích đáng. Quân sự sẽ là một biện pháp để thực thi các biện pháp ngoại giao”.

Biển Đông là một trong các vấn đề mâu thuẫn mà chính quyền Trump lựa chọn để cài đặt lại quan hệ với Trung Quốc. Hai vấn đề khác được Tổng thống đắc cử Trump nêu lên: Một là, các quan hệ kinh tế bất bình đẳng mà Trung Quốc áp dụng đối với các doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Trung Quốc, cũng như để xuất siêu sang Mỹ; hai là, ông Trump đặt câu hỏi liệu Mỹ có nên duy trì chính sách “một Trung Quốc” hay không nếu chính quyền Bắc Kinh không có những nhượng bộ về thương mại cũng như một số vấn đề khác.

Phát biểu không chính thức của Ngoại trưởng được đề cử Rex Tillerson tại buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng Nghị viện Mỹ ngày 11/1 cho thấy một cách tiếp cận cứng rắn với Bắc Kinh: Rex Tillerson đã so sánh việc Trung Quốc bồi đắp xây dựng các đảo ở Trường Sa như việc Nga sáp nhập Crimea và cần phải ngăn chặn Trung Quốc ra các đảo nhân tạo này.

Việc chính quyền Trump bày tỏ muốn sớm cải thiện quan hệ với Nga, cũng như cuộc điện đàm giữa Tổng thống đắc cử Trump với người đứng đầu chính phủ Đài Loan Thái Anh Văn đều gây áp lực lên giới hoặch định chính sách Bắc Kinh.

Vấn đề Đài Loan và Biển Đông là những con bài quan trọng để ép Trung Quốc phải nhượng bộ. Tuy nhiên, bản thân vấn đề Biển Đông có vị trí quan trọng nhất định trong một chính sách sách châu Á mới của chính quyền Trump.

Có ba yếu tố tác động đến chính sách Mỹ về Biển Đông. Một là, Mỹ chống lại mọi nỗ lực bá quyền của bất kỳ nước nào tại vùng biển này. Hai là, để bảo vệ tự do hàng hải tại nơi có các con đường biển thương mại sống còn đối với các đồng minh Mỹ và quan trọng đối với hải quân Mỹ nhằm duy trì ưu thế quân sự của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Ba là, hải quân Mỹ cần giám sát đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc có căn cứ ở Tam Á (Hải Nam), hoạt động ở độ sâu 5000 mét dưới đáy Biển Đông. Ngày 8/3/2009, các tàu thuyền Trung Quốc ngăn chặn tàu USNS Impeccable của hải quân Mỹ hoạt động 120 km ngoài khơi đảo Hải Nam là vụ va chạm đầu tiên trên Biển Đông giữa hải quân hai nước, khi đó quan chức quốc phòng Trung Quốc nói rằng tàu Mỹ đang do thám hoạt động tàu ngầm của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis thăm Nhật Bản sau khi thăm Hàn Quốc, 4/2 - đòn vu hồi của chính quyền mới gây sức ép tổng hợp để buộc Trung Quốc thỏa hiệp

Quan hệ Philippines và Mỹ - biến số của Biển Đông năm 2017

Việc Tổng thống Duterte, lên nắm quyền ở Philippines từ giữa năm 2016, triển khai chính sách “thoát Mỹ” - “thân Trung” là một yếu tố quan trọng trong những diễn biến ở Biển Đông có lợi cho Trung Quốc. Tuy nhiên, một biến số quan trọng có thể tái điều chỉnh lập trường của ông Duterte là chính sách của chính quyền Trump đối với Philippines. Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay cho biết Duterte và Trump có khuynh hướng hợp tác tích cực.

Một khi chính quyền Trump thực hiện chính sách cứng rắn kiềm chế Trung Quốc, ủng hộ chiến dịch tiêu diệt hoạt động ma túy của ông Duterte, và có thể mở rộng phạm vi của Hiệp ước quốc phòng Mỹ-Philippines đến bãi Scarborough, “sách lược hai mặt” của Duterte khó có thể được tiếp tục do những tiếng nói của phe cứng rắn trong quân đội Philippines đứng đầu và thế lực thân Mỹ truyền thống ở Philippines yêu cầu quay trở lại với Mỹ sẽ tăng lên. Mạng Viện nghiên cứu Nam Hải (Trung Quốc) nhận định, sự phát triển của tình hình như vậy “chắc chắn sẽ làm tăng mức độ khó khăn cho Trung Quốc trong khi xử lý chính sách đối với Philippines và vấn đề Biển Đông”. 

Tất nhiên, Bắc Kinh có thể thực hiện nhân nhượng trong các vấn đề kinh tế thương mại để bảo vệ những “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Ngày 3/2, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc, đã có cuộc điện đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn, trong đó bày tỏ hy vọng sẽ phối hợp với Washington để quản lý và kiểm soát những tranh chấp cũng như các vấn đề nhạy cảm. Michael Flynn khẳng định chính quyền mới của Mỹ sẵn sàng giải quyết thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm.

Biển Đông nằm trong ván bài chung của chính quyền Trump đối với Trung Quốc, sẽ diễn biến phức tạp./.

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ