• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Biển Đông 2017: Trung Quốc lấn tới quân sự, làm thay đổi cục diện trên biển

Thế giới 21/12/2017 13:37

(Tổ Quốc)-Bắc Kinh tiếp tục tăng cường năng lực kiểm soát quân sự trên Biển Đông.

Ngày 18/12, Tổng thống Donald Trump đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ. Đây là bản Chiến lược ANQG đầu tiên của chính quyền Trump. Điều khác thường, bản Chiến lược xác định Nga và Trung Quốc “là các đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ”. Trong bài phát biểu khi công bố Chiến lược, ông Trump gọi Trung Quốc và Nga là “các cường quốc đối thủ” mà Mỹ phải đương đầu. Bản Chiến lược đề cập với ngôn ngữ thẳng thắn tình hình Biển Đông: “Các nỗ lực của họ (Trung Quốc) xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Nam Trung Hoa gây nguy hiểm cho lưu thông thương mại tự do, đe dọa an ninh của các quốc gia khác, và làm tổn hại ổn định khu vực”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng nhận định trên của Mỹ thể hiện “tâm lý chiến tranh lạnh đã lỗi thời” và kêu gọi Mỹ “ngừng việc cố ý xuyên tạc những mục đích chiến lược của Trung Quốc”.

Máy bay chiến đấu J-11B đóng tại Phú Lâm tăng cường khả năng Trung Quốc kiểm soát Biển Đông

Trung Quốc làm tới ở Biển Đông

Trung Quốc đang lặng lẽ thực hiện các bước đi táo bạo hơn nữa để củng cố quyền kiểm soát quân sự trên Biển Đông và thử phản ứng của chính quyền Trump. Trung Quốc đã xây dựng các công trình trên 7 cấu trúc địa hình, có thể đặt tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu. Một tàu hải dương học của Trung Quốc đã tiến hành cuộc khảo sát gần khu vực Benham Rise trong vùng biển mà Philippines tuyên bố chủ quyền.

Hạm đội Nam Hải là lớn nhất trong 3 hạm đội của Trung Quốc, với hơn 120 tàu chiến, trong khi các lực lượng hải cảnh của Trung Quốc trong khu vực cũng  tăng cường số lượng và tần suất hoạt động.

Trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, quân đội Trung Quốc triển khai các máy bay J-11B và tên lửa hành trình chống tàu tiên tiến. Trung Quốc đã xây dựng các nhà chứa máy bay kiên cố và đường băng đủ dài để thích ứng với tất cả các kiểu máy bay quân sự. Từ đầu năm 2017, không quân Trung Quốc đã bắt đầu các cuộc tuần tra không chiến trong khu vực. Những lời cảnh cáo phát đi từ Washington không có hiệu quả trong việc ngăn chặn tiến trình này. 

Trước đây, tại đảo Phú Lâm không có gara máy bay kín. Trong điều kiện nhiệt độ cao, độ ẩm cao, độ mặn cao, máy máy chiến đấu rất khó có thể đồn trú lâu dài. Hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng gara kín, với điều hòa nhiệt độ, cho phép thường xuyên bố trí máy bay chiến đấu J-11B lâu dài tại đảo Phú Lâm, từ đó tăng cường kiểm soát đối với khu vực Biển Đông. 

Đài RFI cho biết Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV) trong tuần qua đã phát những hình ảnh cho thấy máy bay tiêm kích J-11B hoạt động ở Biển Đông, cất cánh và hạ cánh tại sân bay trên đảo Phú Lâm. Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh các máy bay này được cất giữ trong một cơ sở có trang bị máy điều hoà nhiệt độ để bảo đảm chất lượng bảo quản. Thời báo Hoàn Cầu bình luận: “Nhà chứa máy bay có điều hoà nhiệt độ, cho phép thường xuyên đưa nhiều máy bay tiêm kích hơn đến khu vực quần đảo Tây Sa”, đồng thời cho rằng Bắc Kinh “sẽ xây dựng thêm những nhà chứa máy bay tương tự như cơ sở đã có ở quần đảo Trường Sa, giúp Trung Quốc tăng cường khả năng kiểm soát Biển Đông”. 

Phú Lâm là đảo lớn nhất trong số các đảo tại Biển Đông, hiện có đường băng dài 3.000 m, có thể cất hạ cánh các loại máy bay hiện đại, bao gồm cả máy bay vận tải cỡ lớn. J-11B có bán kính tác chiến 1.500 km. Tờ Đông phương (HK) phân tích, Trung Quốc bố trí J-11B tại Phú Lâm sẽ tạo sự hỗ trợ rất lớn cho việc duy trì liên tục năng lực tuần tra, kiểm soát toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa. Như vậy, việc Trung Quốc kiểm soát toàn bộ khu vực Biển Đông, nơi có các con đường thương mại quốc tế, như Chiến lược ANQG của chính quyền Trump phê phán, đã là thực tế không thể biện hộ. 

Tàu ngầm của Hạm đội Nam Hải diễu võ dương oai tại Biển Đông

Làm nghiêm trọng hơn cán cân quân sự và an ninh quốc tế tại Biển Đông

Về thực chất, bố trí quân sự của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa trước hết là để đối phó với mối đe dọa từ hải quân Mỹ. Vụ va chạm giữa một nhóm tàu, thuyền Trung Quốc với tàu của hải quân Mỹ Impeccable, cách phía nam đảo Hải Nam 75 dặm,  ngày 8/3/2009, là nỗ lực đầu tiên của Trung Quốc đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông. Với việc tăng cường cơ sở không quân tại Hoàng Sa và cả Trường Sa, Trung Quốc đã hoàn thành kế hoặch ngăn chặn hải quân và không quân Mỹ tự do hoạt động trên các vùng biển và không phận quốc tế ở trung tâm Biển Đông.

Việc Trung Quốc không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự tại Biển Đông còn nhằm hậu thuẫn cho yêu sách chủ quyền đối với toàn bộ khu vực Biển Đông, củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực và tạo sức ép thường trực đối với các nước Đông Nam Á hải đảo./.

(Tiếp theo: Biển Đông 2017: Mỹ đối phó Trung Quốc trên biển)

Hoài Nam

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ