(Tổ Quốc) - Tổng thống Moon Jae-in cải tổ nội các, thay thế 7 vị trí Bộ trưởng, trong đó có cả vị trí Bộ trưởng Thống nhất.
Quyết định của ông Moon Jae-in thay thế vị trí Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc dường như cho thấy ý định muốn nhấn mạnh hơn vào quan hệ liên Triều khi ông muốn thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới tích cực hơn, các chuyên gia cho biết hôm thứ sáu.
Kim Yeon-chul, giáo sư và giám đốc Viện tham vấn thống nhất quốc gia Hàn Quốc có trụ sở tại Seoul, đã được đề cử hôm thứ Sáu vào vị trí Bộ trưởng thống nhất mới xử lý các vấn đề liên Triều. Ông sẽ thay thế Cho Myoung-gyon, một nhà hoạch định chính sách đã phục vụ tại cương vị này từ năm 2017.
Nỗ lực phá rào biên giới
Việc đề cử được đưa ra khi chính phủ Moon Jae-in dường như đang mở rộng nỗ lực hợp tác xuyên biên giới sau hội nghị thượng đỉnh tuần trước giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Kim Yeon-chul- người được đề cử vị trí Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc. (Nguồn: Yonhap)
"Được trang bị một nền tảng lý luận vững chắc và kinh nghiệm thực tiễn, ông ấy dường như rất phù hợp với cương vị khi nói về sự hiểu biết của ông đối với triết lý của Tổng thống Moon về quan hệ liên Triều và tầm nhìn thống nhất, và cả khả năng hiện thực hóa nền kinh tế hòa bình, "Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên tại Seoul, nói.
Ông Kim Yeon-chul, 54 tuổi, được biết đến với sự ủng hộ mạnh mẽ cho việc kết nối tích cực với Triều Tiên.
Ông Kim Yeon-chul trước đó nói rằng năm 2019 sẽ là năm để "thực thi" quan hệ liên Triều sau "bước ngoặt" mà hai miền Triều Tiên trải qua năm ngoái, nhấn mạnh đây sẽ là ưu tiên hàng đầu của họ để giải quyết mọi trở ngại đang cản trở.
Ông tin rằng các lệnh trừng phạt là vô ích khi buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi việc dỡ bỏ trừng phạt được sử dụng như một cách để xây dựng lòng tin lẫn nhau giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Đặc biệt, ông đã trích dẫn việc mở lại các dự án xuyên biên giới liên Triều như khu công nghiệp chung bị đóng cửa và các tour du lịch tới Núi Kumgang ở Triều Tiên là một biện pháp tích cực.
Hàn Quốc đã đóng cửa khu phức hợp Kaesong vào năm 2016 để trả đũa các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Chương trình du lịch đã bị dừng lại vào năm 2008, khi một du khách Hàn Quốc bị giết bởi một người bảo vệ Triều Tiên.
Tổng thống Moon và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào năm ngoái và đồng ý giảm căng thẳng và tăng cường liên lạc xuyên biên giới. Trong hội nghị thượng đỉnh thứ ba và mới nhất vào tháng 9/2018, hai người đã đồng ý nối lại khu phức hợp Kaesong và hoạt động du lịch tới núi Kumgang ngay khi các điều kiện phù hợp được xây dựng.
Trước hàng loạt thách thức
Sau thượng đỉnh gần đây giữa Mỹ và Triều Tiên, Seoul đang tăng cường hướng tới hợp tác xuyên biên giới, nói rằng có thêm trao đổi và quan hệ tốt hơn sẽ thúc đẩy mong muốn hòa bình và giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ.
Trong bài phát biểu tuần trước, ông Moon nói rằng ông sẽ thúc đẩy mở lại khu phức hợp Kaesong và hoạt động tham quan Núi Kumgang để mở cửa "nền kinh tế hướng tới hòa bình" trên Bán đảo Triều Tiên.
"Tôi sẽ giúp mở ra kỷ nguyên của một nền kinh tế hướng tới hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên", ông nói. "Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến của Hoa Kỳ về các cách để nối lại du lịch ở núi Kumgang và hoạt động của khu công nghiệp Kaesong."
Tuy nhiên, những thách thức dường như vẫn còn nhiều khi Washington đang củng cố lập trường của mình đối với Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa, nói rằng họ có thể tăng cường trừng phạt nếu phi hạt nhân hóa không diễn ra.
Khi được hỏi liệu ông có nghĩ sẽ có thể mở lại khu công nghiệp Kaesong và các tour du lịch trên núi Kumgang hay không, người được đề cử vào vị trí Bộ trưởng Thống nhất nói với các phóng viên sau đó trong ngày rằng, ông "sẽ phải nỗ lực". Dù vậy, ông từ chối giải thích thêm về vấn đề này.
Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng "các giải pháp sáng tạo" sẽ là cần thiết để tiếp tục đàm phán sau hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, đồng thời bổ sung rằng ông sẽ cố gắng hết sức để hiện thực hóa tầm nhìn của Tổng thống về Bán đảo Triều Tiên.
Các chuyên gia cũng kêu gọi người được đề cử đưa ra phương pháp "sáng tạo" trong việc xử lý các vấn đề còn đang tồn đọng.
"Các nhà hoạch định chính sách có xu hướng tuân theo các mệnh lệnh từ phía trên nhưng có thể thiếu sáng tạo", ông Cheong Seong-chang, phó chủ tịch của Viện Sejong, nói. "Là một giáo sư, Kim có thể phù hợp hơn người tiền nhiệm về mặt lý luận để giải thích về những gì Tổng thống (Hàn Quốc-pv) đang theo đuổi và thuyết phục các chuyên gia khác và cộng đồng quốc tế."