• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bình đẳng giới hướng đến một xã hội tiến bộ, phát triển bền vững

Văn hoá 03/12/2022 17:14

(Tổ Quốc) - Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12 là dịp kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững.

Bình đẳng giới là việc nam - nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Bình đẳng giới là bình đẳng về pháp luật, cơ hội và các thành quả tạo ra, bao gồm bình đẳng trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân, gia đình và xã hội. Bình đẳng giới trong gia đình có ý nghĩa quan trọng trong mọi thời đại.

Các cấp, ngành, địa phương trên cả nước đang triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022, với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới".

Bình đẳng giới hướng đến một xã hội tiến bộ, phát triển bền vững  - Ảnh 1.

Bình đẳng giới góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn và an ninh xã hội của mỗi cá nhân, gia đình.

Quyết tâm của Chính phủ Việt Nam

Tại Hội thảo khoa học quốc gia "Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số" do Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tổ chức ở Hà Nội ngày 27/10/2022, TS. Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ số 3 (MDG3) về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Theo TS. Dương Kim Anh, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững số 5 (SDG5) về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.

Bình đẳng giới đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu, nói đến bình đẳng giới là nói đến sự bình đẳng về vị thế cơ hội và các quyền của phụ nữ với nam giới.

Ngày 29/7/1980, Việt Nam ký kết tham gia Công ước Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và được Quốc hội phê chuẩn ngày 27/11/1981. Nguyên tắc bình đẳng nam nữ đã được thể hiện nhất quán, liên tục trong các bản Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam, kể cả trước và sau khi tham gia công ước CEDAW.

Đặc biệt, sự ra đời của Luật Bình đẳng giới năm 2006 khẳng định những nỗ lực và bước tiến không ngừng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, đưa ra những biện pháp thiết thực có tính đến những đặc thù về giới tính của phụ nữ; đồng thời minh chứng quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm bình đẳng giới.

Theo đó, khoảng cách giới đã được thu hẹp trên một số khía cạnh. Năm 2020, Việt Nam xếp thứ 87/153 quốc gia được khảo sát trên thế giới về thu hẹp khoảng cách giới.

Ngày 3/3/2021, Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Ngày 23/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới.

Hành động bằng những việc làm cụ thể

Giám đốc CSAGA Nguyễn Vân Anh nhiều lần nhấn mạnh, việc thúc đẩy bình đẳng giới giúp cả nam lẫn nữ phát huy được vai trò, thế mạnh và mong ước của mình để đóng góp cho xã hội.

Trong rất nhiều diễn đàn, bà Vân Anh đã đề cập vấn đề bảo vệ phụ nữ và trẻ em khỏi nạn bạo hành, xâm hại, nhằm gia tăng bình đẳng giới, xóa bỏ phân biệt đối xử và bạo lực giới, đồng thời thúc đẩy các giải pháp bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Theo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thực hiện, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra. Tuy nhiên, 90,4% số phụ nữ từng bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ cơ quan chức năng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý e ngại điều tiếng và sự cam chịu...

Giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử và bạo lực giới không phải là chuyện một sớm một chiều, đòi hỏi sự chung tay, phối hợp đồng bộ của cả xã hội, trong đó có sự tham gia của nam giới.

"Với sự tham gia tích cực của nam giới, phụ nữ và các giới khác, tôi tin tưởng rằng tiến trình đạt được các mục tiêu bình đẳng giới trong chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam sẽ được đẩy nhanh. Thúc đẩy bình đẳng giới là công việc của tất cả mọi người và vì lợi ích của tất cả chúng ta", TS. Trần Kiên - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) - phát biểu tại sự kiện Diễn đàn kết nối nam giới vì bình đẳng giới và phát triển bền vững (VNMENNET) nhân Ngày quốc tế nam giới 19/11 được tổ chức ở Hà Nội hôm 19/11/2022.

Bình đẳng giới hướng đến một xã hội tiến bộ, phát triển bền vững  - Ảnh 2.

Bình đẳng giới là việc nam - nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.

Thực tế, nhiều nam giới Việt Nam đã bắt đầu nhận ra rằng, họ cần tham gia nhiều hơn vào công cuộc thúc đẩy bình đẳng giới cùng với phụ nữ, cùng chia sẻ những áp lực và cơ hội thành công trong cuộc sống. Chuyện đàn ông vào bếp, giặt giũ, chăm sóc con cái, đưa đón con đi học không còn là hình ảnh xa lạ; tư tưởng "trọng nam khinh nữ", "có nếp có tẻ" cũng vơi đi, nhiều gia đình bằng lòng và thậm chí hài lòng với việc "sinh con một bề"...

Tại lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022 ở Đà Nẵng sáng 15/11, ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố nhấn mạnh: "Nam giới và người dân ở cộng đồng phải là lực lượng tiên phong, nòng cốt, chủ động đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Bản thân phụ nữ cần nâng cao tính tự chủ, sự quyết đoán để tham gia tích cực hơn nữa vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời chủ động chia sẻ, tìm kiếm sự giúp đỡ để giải quyết bạo lực hơn là lựa chọn im lặng, mạnh dạn phản đối tình trạng bạo lực gia đình, bất bình đẳng giới. Chỉ có vậy thì mục tiêu rất nhân văn này mới trở thành hiện thực trong đời sống của chúng ta".

Hương An



*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ