• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Bình minh của nền chính trị công bằng, nhân văn và tiến bộ ở Mỹ": Những kỳ vọng về phó TT đắc cử Harris

Thế giới 13/11/2020 06:04

(Tổ Quốc) - Đối với nhiều người dân Mỹ, bà Harris chính là biểu tượng cho cánh cửa vừa mở rộng cho con gái họ, cho gia đình gốc nhập cư của họ và cho cả chính bản thân họ.

Ngày 7/11, nhiều hãng truyền thông lớn đồng loạt gọi tên ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden và bà Kamala Harris - nữ "phó tướng" được ông Biden lựa chọn cùng tranh cử - là tân tổng thống đắc cử và phó tổng thống đắc cử của nước Mỹ.

Mặc dù đây chưa phải kết quả chính thức vì chưa có xác nhận của ủy ban bầu cử Mỹ, nhưng tuyên bố của truyền thông đã làm nức lòng những người ủng hộ liên danh tranh cử Biden-Harris của đảng Dân chủ.

Đặc biệt, trên mạng xã hội và trên đường phố, nhiều người đã bày tỏ sự quan tâm và đặt kỳ vọng lớn vào bà Harris - bởi bà được truyền thông gọi tên cho vị trí quan trọng thứ 2 tại văn phòng quyền lực nhất thế giới: bà Harris sẽ không chỉ trở thành nữ Phó Tổng thống đầu tiên, mà còn là nữ Phó Tổng thống gốc Nam Á và da màu đầu tiên của nước Mỹ.

Đối với nhiều người dân Mỹ, bà Harris chính là biểu tượng cho cánh cửa vừa mở rộng cho con gái họ, cho gia đình gốc nhập cư của họ và cho cả chính bản thân họ.

Tầm quan trọng mang tính biểu tượng của con đường tiến đến vị trí phó tổng thống của bà Harris trong lịch sử nước Mỹ là điều không thể phủ nhận. Nhưng một điều cũng quan trọng không kém là những điều bà có thể đóng góp cho đất nước trên cương vị này.

Ông Biden được dự đoán sẽ giao cho bà Harris những nhiệm vụ quan trọng để cựu công tố viên và thượng nghị sĩ bang California có cơ hội tham gia vào việc định hình chính sách, cũng như cải thiện tố chất làm chính trị.

Tạp chí Politico đã mời một số nhà quan sát chính trị, nhà phân tích, nhà tư tưởng và nhân vật văn hóa chia sẻ nhận định và dự đoán của họ về những cách bà Harris có khả năng thay đổi nước Mỹ trong vai trò sắp tới.

01.

"Bà Harris sẽ là lời nhắc nhở đời đời về việc không bao giờ được bỏ qua nhóm cử tri dễ bị lãng quên"

- Tera W. Hunter, giáo sư nghiên cứu lịch sử và cộng đồng người Mỹ gốc Phi tại Đại học Princeton.

Bà Harris có thể đóng góp điều gì với tư cách là nguyên thủ có quyền lực lớn thứ hai tại Mỹ trong các cuộc họp nội các và với các phòng ban quan trọng khác của Nhà Trắng?

Nước Mỹ từ nhiều thế kỉ trước đã có một di sản lâu năm về việc những người phụ nữ da màu luôn là nhóm người kiên định ủng hộ việc mở rộng quyền dân chủ cho tất cả người Mỹ, rất lâu trước khi các thể chế chính trị chính thống chấp nhận quyền này.

Một khi trở thành nữ phó tổng thống da màu và gốc Nam Á đầu tiên của nước Mỹ, bà Harris sẽ gánh vác trên vai sức nặng của những người đi trước tại cơ quan có quyền lực cao thứ hai tại xứ cờ hoa. Đây là một vị trí được hưởng những đặc quyền và nắm trong tay quyền lực rất lớn và mang đến một cơ hội chưa từng có để thúc đẩy nước Mỹ tiến gần hơn tới công lý và bình đẳng cho các cộng đồng thiểu số và cho tất cả người dân Mỹ. Do đó, kỳ vọng của công chúng dành cho bà Harris sẽ luôn ở mức cao bất chấp việc chúng ta biết rằng phe đối lập sẽ luôn có những nhân tố phản đối bà.

Nhờ kinh nghiệm làm việc tại Ủy ban An ninh Nội địa, Tình báo và Tư pháp, bà Harris hoàn toàn đủ khả năng trở thành một nhân vật có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề quốc tế và đối nội. Với tư cách là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn thứ hai trong nội các, bà có thể chỉ đạo các vấn đề lớn như cải cách tư pháp hình sự, bảo vệ quyền bầu cử, y tế và tăng lương cho giáo viên và những người lao động khác.

Tuy nhiên, vai trò quan trọng nhất của bà Harris sẽ là người cố vấn đáng tin cậy nhất cho ông Joe Biden. Bà sẽ luôn là một lời nhắc nhở về việc không thể bỏ qua những nhóm người yếu thế và các nhóm chủng tộc da màu, đặc biệt là cộng đồng Mỹ gốc Phi, những người đã bỏ phiếu cho ông Biden khi đa số nhóm cử tri da trắng lại không ủng hộ ông.

Bình minh của nền chính trị công bằng, nhân văn và tiến bộ ở Mỹ: Những kỳ vọng về phó TT đắc cử Harris - Ảnh 2.

Bà Kamala Harris. Ảnh: Getty

02.

"Bà Harris nên lập ra 1 nhóm chính sách đối ngoại của riêng mình"

- Anne-Marie Slaughter, Giám đốc điều hành của tổ chức New America

Trong giai đoạn từ năm 2009–2011, bà Slaughter là giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.

Bà Kamala Harris sẽ truyền cảm hứng cho cả một thế hệ lãnh đạo mới không chỉ với sự xuất hiện trong nội các chính quyền mới mà bà còn có thể làm được nhiều hơn thế.

Về đối nội, bà Harris có một vai trò quan trọng như một người xây cầu. Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nỗ lực trở thành một người hàn gắn sự chia rẽ và tạo nên sự thống nhất trong chính phủ mới. Tuy nhiên, đối với rất nhiều người Mỹ da màu, việc đa số người Mỹ da trắng không đồng thuận trong việc xóa bỏ tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra dưới thời chính quyền ông Trump đã tạo ra sự chia rẽ mang yếu tố đạo đức.

Làm thế nào họ có thể chung sống hòa bình với những người Mỹ đã có thành kiến rằng "nước Mỹ đích thực" chỉ là nước Mỹ của người da trắng? Nhờ yếu tố giới tính và màu da, bà Harris thực sự thấu hiểu được cảm nhận của những người bị gạt ra ngoài lề và bị giới hạn trong mọi hoạt động của cuộc sống thường ngày.

Đồng thời, bà Harris cũng là một công tố viên, người đại diện cho "luật pháp và trật tự" vượt qua ranh giới khác biệt và chia rẽ chính trị. Trở thành phó tổng thống, bà Harris phải tìm cách gợi mở một cuộc đối thoại mới ở tầm quốc gia về thói đạo đức giả và những bất công trong hiện tại và quá khứ ở nước Mỹ. Một cuộc đối thoại bắt nguồn từ tình yêu đất nước và cam kết xây dựng một tương lai chung.

Một điều cũng quan trọng không kém, mặc dù ít rõ ràng hơn, đó là vai trò đối ngoại của bà Harris. Hầu hết các nhà quan sát cho rằng ông Biden sẽ đóng vai trò một ngoại trưởng của chính phủ mới, bởi ông là người có kinh nghiệm sâu sắc về chính sách đối ngoại với nhiều mối quan hệ trải dài trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, bà Harris đại diện cho một phương thức mới để nước Mỹ vươn ra thế giới, với tư cách là một quốc gia vừa tập hợp vừa kết nối các dân tộc ở mọi lục địa. Trên cương vị phó tổng thống, bà Harris nên tập hợp một nhóm chính sách đối ngoại của riêng mình, như ông Biden đã làm khi ông còn là phó tổng thống dưới quyền ông Barack Obama - để hỗ trợ cho các cố vấn của Tổng thống nhưng cũng để phát triển ý tưởng của riêng mình và phát huy thế mạnh độc đáo của cá nhân như một đại diện của nước Mỹ trên trường thế giới. Nước Mỹ sẽ cần phải đóng một vai trò toàn cầu rất khác trong thế kỷ 21 so với thế kỷ 20; và bà Harris có thể là chất xúc tác cho phần lớn xu hướng này.

03.

"Chiến thắng của liên danh Biden-Harris góp phần loại bỏ định kiến rằng các ứng cử viên nữ sẽ phải đối mặt với những bất lợi có hệ thống"

- Jennifer Lawless, giáo sư chính trị tại Đại học Virginia

Bà Lawless thực hiện những nghiên cứu tập trung vào tham vọng chính trị, chiến dịch và bầu cử cũng như truyền thông và chính trị.

Từ vị trí phó tổng thống, bà Harris có tiềm năng thay đổi bộ mặt chính trị nước Mỹ. Việc bà Harris được bầu là phó tổng thống là một tín hiệu rõ ràng rằng người dân Mỹ sẵn sàng bỏ phiếu cho chính trị gia nữ.

Thực tế này không phải là mới. Các ứng viên nữ đều có thành tích tốt tương đương với các đồng nghiệp nam của hai đảng trong các cuộc bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử trong nhiều thập kỷ qua. Hãy nhớ rằng cách đây 4 năm, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thậm chí đã giành được số phiếu phổ thông cho vị trí tổng thống nhiều hơn ông Trump.

Tuy nhiên, thực tế về sự thành công của nữ giới trong các cuộc bầu cử thường bị giới hạn trong hoàn cảnh định kiến tồn tại phổ biến trong cử tri, các nhà tài trợ và giới truyền thông. Hệ quả là, nhiều phụ nữ nghĩ rằng họ cần phải giỏi gấp đôi để tiến xa hơn một nửa so với nam giới trong lĩnh vực chính trị và điều này khiến họ không có ý định tranh cử ngay từ đầu.

Và đó thực sự là một vấn đề. Trên hết, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các nữ nghị sĩ trong Quốc hội giải ngân cho các địa phương mình phụ trách nhiều khoản chi từ liên bang hơn và bảo trợ nhiều đạo luật hơn các đồng nghiệp nam. Họ thường ưu tiên các yêu cầu liên quan đến các vấn đề của "phụ nữ". Họ đã đạt nhiều thành công hơn trong việc giữ cho các đạo luật được nhận tài trợ lâu hơn trong quá trình lập pháp. Khi có cơ hội phát biểu về các vấn đề họ lựa chọn trong bài phát biểu dài một phút, các nữ nghị sĩ ở cả hai đảng đều có khả năng nói nhiều hơn nam giới và thường nói về phụ nữ. Và phụ nữ có khả năng lớn hơn nam giới về việc tham gia vào các hoạt động gắn kết xã hội và truyền thống đóng góp vào cấu trúc xã hội của Quốc hội, giúp làm cho chính trường trở thành nơi làm việc bình yên hơn. Nói cách khác, phụ nữ đóng vai trò hiệu quả trong quá trình quản lý.

Chiến thắng của ông Biden và bà Harris đã góp phần loại bỏ định kiến rằng các ứng cử viên nữ sẽ phải đối mặt với những bất lợi có hệ thống. Vượt qua nhận thức này là chìa khóa để thuyết phục nhiều phụ nữ hơn - và các nhà lãnh đạo đảng, các nhà tài trợ và các nhà hoạt động lựa chọn ứng viên và giúp họ gây quỹ - rằng họ có thể nối tiếp thành công từ bước chân lịch sử của bà Harris và tác động đến sự thay đổi chính sách ở tất cả các cấp chính quyền trên khắp nước Mỹ.

Bình minh của nền chính trị công bằng, nhân văn và tiến bộ ở Mỹ: Những kỳ vọng về phó TT đắc cử Harris - Ảnh 5.

Bà Harris nhận được sự kỳ vọng của nhiều người. Ảnh: Getty

04.

"Việc trao cho bà Harris vai trò lãnh đạo trong quá trình ứng phó với đại dịch COVID-19 có thể mang lại cho người Mỹ sự tự tin cần thiết"

- Amanda Clayton, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Vanderbilt.

Nghiên cứu của bà Clayton liên quan đến các thể chế chính trị, đại diện và chính sách công, tập trung vào giới và chính trị.

Khi ông Joe Biden làm phó tổng thống trong chính quyền tổng thống Barack Obama, ngay từ đầu ông đã nắm giữ các vai trò chính sách quan trọng về các vấn đề đối ngoại (tại Afghanistan) và đối nội (phục hồi kinh tế). Có vẻ như ông Biden sẽ muốn bà Harris đóng một vai trò tích cực tương tự như thế.

Những lĩnh vực bà Harris có thể phụ trách là gì? Tôi xin đề cập đến một vấn đề cấp bách nhất: đại dịch COVID-19. Chính phủ mới có thể xây dựng một số biểu tượng cho vai trò của bà Harris theo nhiều hướng.

Đầu tiên là việc đương kim Phó Tổng thống Pence đã được giao nhiệm vụ quản lý cách ứng phó với đại dịch, và chính quyền mới có thể muốn bà Harris chứng minh sự nổi trội so với người tiền nhiệm trong lĩnh vực này.

Thứ hai, y tế là một vấn đề mà các chính trị gia nữ có xu hướng dành nhiều sự quan tâm hơn nam giới. Các nữ nghị sĩ Mỹ có xu hướng thảo luận về lĩnh vực y tế nhiều hơn các đồng nghiệp nam tại Quốc hội. Trên khắp thế giới, các quốc gia có nhiều phụ nữ ở cương vị lãnh đạo đều có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho y tế cộng đồng, và nhiều nữ lãnh đạo đã được khen ngợi vì cách đối phó với đại dịch hiệu quả (như New Zealand, Đức và Phần Lan). Do y tế là một vấn đề mà phụ nữ có xu hướng "làm chủ", việc giao trọng trách cho bà Harris ở lĩnh vực này có thể mang lại cho người Mỹ một niềm tin cần thiết vào sự hiệu quả của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

05.

"Bà Harris sẽ tiếp tục đẩy mạnh các công việc mà bà đang làm với tư cách là thượng nghị sĩ Mỹ nhằm loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc và thành kiến có hệ thống"

- Kimberly Peeler-Allen, người đồng sáng lập Higher Heights for America, một tổ chức cam kết xây dựng quyền lực chính trị và vai trò lãnh đạo của phụ nữ gốc Phi

Nhờ kinh nghiệm làm công tố viên và tổng chưởng lý, bà Harris có đủ điều kiện để xử lý các vấn đề có liên quan mật thiết với nhau như chủng tộc, giáo dục, cơ hội kinh tế và hệ thống tư pháp hình sự.

Với tư cách là phó tổng thống, bà sẽ đẩy mạnh những công việc mà bà đang làm với tư cách là thượng nghị sĩ Mỹ, loại bỏ nạn phân biệt chủng tộc và thành kiến có tính hệ thống trong mọi khía cạnh của xã hội, đồng thời tăng cơ hội giáo dục và kinh tế cho tất cả mọi người.

Nước Mỹ được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều thành tựu từ những việc làm và cam kết của bà trong quá trình cải tổ hệ thống tư pháp hình sự và thiết lập lại các tiêu chuẩn công tố viên ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương, giúp nhiều người Mỹ có cơ hội vươn mình, chứ không chỉ là tồn tại.

06.

"Bà Harris thấu hiểu cảm giác vừa phải tự mình vươn lên trong một nền kinh tế không bình đẳng, vừa phải chăm lo cho một gia đình"

- Linda Hirshman, tác giả sách

Một "người tiên phong" như bà Kamala Harris có thể tạo ra sự thay đổi theo hai cách. Cách đầu tiên là trở thành một biểu tượng - như người phụ nữ đầu tiên trong Tòa án Tối cao, Sandra Day O’Connor, đã từng làm. Với tính cách hòa đồng và tràn đầy năng lượng như bà O’Connor, bà Harris sẽ là một biểu tượng tuyệt vời. Tôi tin rằng số lượng các buổi diễn thuyết của bà Harris sẽ không thua kém bà O'Connor - người từng diễn thuyết nhiều đến mức mọi người từng nghĩ rằng bà ấy phải thuê một người đóng thế.

Thứ hai, bà Harris cũng sẽ mang đến cho nội các chính phủ những kinh nghiệm cá nhân độc đáo khi là một phụ nữ gốc da màu và con gái của một gia đình nhập cư. Trong lĩnh vực chính trị và luật pháp, chúng ta đã thấy rằng những kinh nghiệm như vậy có ý nghĩa rất quan trọng. Ví dụ, Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg đã đọc các bình luận của đồng nghiệp nam của mình về hành động bạo loạn (và phàn nàn với giới truyền thông!) khi họ nói đùa với nhau về việc bị lộ thân thể ở trường trung học do nhân viên trường khám xét người một một bé gái. Bà Ginsburg hiểu những gì một cô bé 13 tuổi ở trường trung học phải trải qua.

Các đặc điểm về giới tính, chủng tộc, môi trường giáo dục từ người mẹ đã ly hôn và là công dân Mỹ thế hệ thứ nhất thực sự hòa nhập với những đặc điểm của Đảng Dân chủ mới, điều này sẽ khiến bà Harris dễ bắt nhịp hơn với các vấn đề chính sách ảnh hưởng đến nghị sĩ khác trong đảng.

Mặc dù lần này tổng thống là một người đàn ông lớn tuổi, nhưng kết quả bầu cử năm nay đã phản ánh thành phần một đảng gồm nhiều thành viên là phụ nữ, có sự đa dạng về chủng tộc, với độ tuổi trung bình trẻ trung hơn và tập trung ở các trung tâm đô thị của sự phát triển và đổi mới của nước Mỹ.

Khi còn là thượng nghị sĩ của bang California, bà Harris đã bảo trợ cho điều luật Green New Deal, tăng thuế doanh nghiệp lên 35%, đề xuất 6 tháng nghỉ phép có lương cho các bà mẹ mới sinh — những hành động này cũng phù hợp hơn với bản sắc Đảng Dân chủ mới. Bà Harris hiểu mình cần phải làm gì để vừa tự vươn lên trong nền kinh tế không bình đẳng, vừa chăm lo cho gia đình. Tôi dám cá là bà Harris sẽ mong muốn thuyết phục Tổng thống Joe Biden về những vấn đề này và giúp ông gắn kết sâu hơn với một đảng Dân chủ hiện đại.

Bình minh của nền chính trị công bằng, nhân văn và tiến bộ ở Mỹ: Những kỳ vọng về phó TT đắc cử Harris - Ảnh 10.

Bà Harris và gia đình. Ảnh: Getty

07.

"Bà Harris sẽ chứng minh cho toàn thế giới thấy một nữ lãnh đạo mạnh mẽ là người như thế nào"

- Barbara Lee, chủ tịch kiêm người sáng lập của Barbara Lee Family Foundation

Những điểm mạnh độc đáo đã giúp bà Kamala Harris thành công trong suốt sự nghiệp của mình (mặc dù bà phải vượt qua những tiêu chuẩn cao hơn, do bản thân bà là một phụ nữ da màu) và biến bà trở thành hình mẫu phó tổng thống mà nước Mỹ đang cần ở thời điểm hiện tại: một người có lòng dũng cảm, nghị lực và hơn hết là sự đồng cảm.

Với trí thông minh vượt trội, phong cách giao tiếp thẳng thắn và khả năng kết nối thiên bẩm với người dân, Phó Tổng thống đắc cử Harris sẽ cho cả thế giới thấy một nữ lãnh đạo mạnh mẽ là người như thế nào. Và bà cũng sẽ truyền cảm hứng cho phụ nữ và trẻ em gái ở nước Mỹ tự tin ứng cử vào các chức vụ quan trọng theo một cách mới mẻ và mạnh mẽ. Vào thời điểm mà nước Mỹ đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thế hệ và phụ nữ và người da màu đang bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch COVID-19, bà Harris sẽ mang phong cách lãnh đạo độc đáo tới Nhà Trắng: mạnh mẽ, dứt khoát và đầy nhiệt huyết.

08.

"Là con gái của một gia đình nhập cư, bà Harris có thể chia sẻ kinh nghiệm và cái nhìn sâu sắc về chính sách nhập cư cho chính quyền ông Biden"

- Mary C. Curtis, người dẫn chương trình phát thanh "Thời đại Bình đẳng" của CQ Roll Call

Những bất ổn về thể chất và tinh thần đang đặt gánh nặng lên vai tất cả người Mỹ, nhưng những người phụ nữ da màu còn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn thế, bao gồm cả những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 và phong trào kêu gọi đòi công lý cho Breonna Taylor, một phụ nữ da đen bị cảnh sát giết hại, cùng với đó là những nạn nhân da màu khác.

Cuộc bầu cử năm nay đã ghi nhận công lao của một phụ nữ da màu, Stacey Abrams, nhân vật đã giúp Đảng Dân chủ "đổi màu thành công" bang Georgia. Trong khi ông Donald Trump khoe hành động hỗ trợ tài chính cho các trường đại học và cao đẳng lâu đời đào tạo sinh viên da màu, thì với tư cách là một sinh viên tốt nghiệp Đại học Howard University, bà Harris đã nâng cao tầm nhìn về công việc và mục tiêu của các trường đại học và cao đẳng có truyền thống dành cho người da đen (HBCU).

Là con gái của một gia đình nhập cư, bà Harris có thể chia sẻ kinh nghiệm và cái nhìn sâu sắc về chính sách nhập cư của chính quyền Biden, khi ưu tiên hàng đầu là đoàn tụ những đứa trẻ ly tán với cha mẹ trong quá trình nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ. Đứng trước những thách thức cấp bách khiến cho người Mỹ đổ ra đường biểu tình, bà Harris có thể là tiếng nói của quá trình cải cách tư pháp hình sự. Đạo luật “Công lý toàn diện” năm 2020 mà bà đồng bảo trợ với tư cách là thượng nghị sĩ sẽ chỉ là một sự khởi đầu.

Bình minh của nền chính trị công bằng, nhân văn và tiến bộ ở Mỹ: Những kỳ vọng về phó TT đắc cử Harris - Ảnh 13.

Bà Harris và ông Biden. Ảnh: AP

09.

"Bà Harris có cơ hội xây dựng và làm việc với những cử tri tiến bộ"

- Treva Lindsey, giáo sư nghiên cứu về phụ nữ, giới tính và bản năng giới tính tại Đại học Bang Ohio

Một nỗ lực tập thể đáng kinh ngạc - chủ yếu bắt nguồn từ cộng đồng người da màu và đặc biệt là phụ nữ Da đen khởi xướng - đã đem lại chiến thắng cho ông Biden và bà Harris. Do đó, kỳ vọng của người dân sẽ rất cao. Tôi nghĩ bà Harris sẽ trở thành một trong những phó tổng thống năng nổ nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ - trong các vấn đề như đại dịch COVID-19, khủng hoảng y tế và kinh tế, nhắm đến mục tiêu tiếp cận các cộng đồng người da màu, giúp họ trúng cử vào các vị trí trong chính phủ, và cải cách luật pháp và tư pháp hình sự.

Tùy thuộc vào kết quả của cuộc chạy đua vào Thượng viện tại bang Georgia, bà cũng có thể đóng vai trò tích cực hơn với tư cách là chủ tịch Thượng viện. Tôi nghĩ đây có thể là nơi bà đem đến quyền lực thực chất nhất cho chính quyền Biden.

Không có sự ủng hộ của nhóm cử tri này, bộ đôi Biden-Harris đã không giành được kết quả chiến thắng [ND: như truyền thông đã công bố]. Bà Harris sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chính quyền để giải quyết và phản hồi những chỉ trích liên quan đến việc gắn kết các cộng đồng da màu với các hoạt động trong xã hội.

Mặc dù cả bà Harris và ông Biden đều không thu hút được nhiều cử tri tiến bộ hơn trong đảng Dân chủ, nhưng bà Harris có cơ hội xây dựng và làm việc với những cử tri này cũng như các quan chức dân cử tiến bộ để có lập trường mạnh mẽ hơn về các vấn đề môi trường, tăng lương tối thiểu, đánh thuế giới nhà giàu (đề xuất nhận sự ủng hộ rộng rãi hơn), tình trạng không có nhà ở, chính sách nhập cư và bình đẳng giới.

Tôi muốn xem liệu bà Harris có lèo lái chính quyền mới theo hướng thiên tả hay vẫn giữ vị trí trung dung, vì ông Biden tìm kiếm sự hài hòa và phong cách lãnh đạo trung hòa hơn. Điều này có thể xảy ra, nhưng tôi sẽ không bị sốc nếu bà Harris và ông Biden phù hợp với một chương trình làm việc trung dung và phó tổng thống sẽ là gương mặt đại diện cho đường lối này.

10.

"Bà Harris hiểu mối quan hệ giữa những bất công trong hệ thống của nước Mỹ và mối liên hệ của chúng với sự bất bình đẳng trong y tế, giáo dục và tài chính"

- Sonal Shah, giáo sư - giám đốc điều hành sáng lập tại Trung tâm Beeck về Tác động Xã hội và Đổi mới tại Đại học Georgetown

Là thượng nghị sĩ và tổng chưởng lý của California, bà Harris đã thể hiện cam kết xây dựng một hệ thống công lý bình đẳng hơn vào thời điểm mà công lý dành cho các sắc dân khác nhau và một sự thay đổi trong hệ thống đang cần được ưu tiên hàng đầu tại Mỹ.

Bà Harris là con gái của một bà mẹ đơn thân, với cha mẹ là người nhập cư và đã chứng kiến sự phát triển của nước Mỹ trong quá trình đấu tranh và hội nhập. Bà hiểu mối liên hệ giữa những bất công trong hệ thống của chúng ta và sự bất công trong hệ thống y tế, giáo dục và tài chính. Bà Harris có một cơ hội duy nhất để chấm dứt tình trạng bế tắc ở Thượng viện, đồng thời tác động đến hàng triệu phụ nữ, người da màu, trẻ em, những người sẽ nhìn thấy ở bà hình bóng của mình mỗi ngày. Một chính quyền Biden-Harris có thể khôi phục lòng tin vào các thể chế vốn đã bị xói mòn sâu sắc sau nhiệm kỳ tổng thống tiền nhiệm.

11.

"Việc bà Harris đắc cử Phó tổng thống có thể mang đến bình minh của nền chính trị công bằng, nhân văn và tiến bộ ở Mỹ"

- Manisha Sinha, tác giả sách

Để việc bà Harris đắc cử vị trí phó tổng thống Mỹ thực sự mang tính cách mạng, công việc của bà phải được hỗ trợ bằng một loạt các chính sách tiến bộ sẽ mang lại lợi ích cho thể chế mà bà đại diện.

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nói rõ rằng ông hình dung vị trí của phó tổng thống không chỉ mang tính hình thức. Giống như kinh nghiệm làm phó tổng thống trong chính quyền cựu tổng thống Obama, ông muốn bà Harris triển khai những chính sách quan trọng. Bà Harris sẽ là người thích hợp nhất để giải quyết các vấn đề cấp bách về bất bình đẳng chủng tộc có hệ thống và cải cách hoạt động thực thi pháp luật.

Với khả năng Thượng viện sẽ bị chia rẽ khi phe đa số của đảng Cộng hòa do Thượng nghị sĩ Mitch McConnell lãnh đạo sẽ đóng vai trò cản trở thường thấy, việc bà Harris đắc cử có thể phá vỡ thế bế tắc trong quá trình phê chuẩn các điều luật quan trọng, từ biến đổi khí hậu, quản lý kinh tế, đến đánh thuế lũy tiến. Nói tóm lại, việc bà Harris đắc cử phó tổng thống vượt xa tính biểu tượng: Đó có thể là bình minh của một nền chính trị công bằng, nhân văn và tiến bộ tại nước Mỹ.

Mời quý độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

Thu Ngọc

NỔI BẬT TRANG CHỦ