(Tổ Quốc) - Gần đây, cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng không chỉ mỗi châu Âu, mà còn lan sang cả châu Á.
Hãng tin Bloomberg ngày 4/10 đăng một bài báo với tiêu đề "Khủng hoảng năng lượng đang vượt ra khỏi biên giới châu Âu", nhận định rằng, giá năng lượng tăng cao đang làm tổn hại đến các nền kinh tế châu Á mới nổi, và châu Âu - nơi có tiềm lực tài chính mạnh hơn - đã không chỉ lấy mất nguồn hàng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của các quốc gia châu Á này, mà còn làm suy yếu các nỗ lực chuyển đổi năng lượng của họ.
Bài báo cho rằng, trên thị trường LNG, lục địa châu Âu có sức cạnh tranh cao hơn so với một số quốc gia châu Á; còn một số quốc gia ở Đông Á không có mùa đông lạnh giá và nhu cầu về khí đốt tự nhiên của họ không nhiều như ở châu Âu.
Bởi vậy, đối với người bán khí đốt tự nhiên, vào thời điểm lạm phát cao và đồng tiền yếu, thị trường châu Âu hấp dẫn hơn so với các nền kinh tế châu Á mới nổi. Đây là một trong những lý do khiến cho hoạt động nhập khẩu năng lượng ở các nền kinh tế châu Á mới nổi không được đảm bảo.
Trong 8 tháng đầu năm nay, nhập khẩu LNG giao ngay tại châu Á đã giảm hơn 1/4 so với một năm trước đó.
Bloomberg trích dẫn một số ví dụ từ các nước châu Á để minh họa tình hình.
Ngày 3/10, Pakistan đã thất bại trong vụ đấu thầu để mua LNG trong vòng 6 năm, bắt đầu từ năm sau. Pakistan đã hy vọng về một thỏa thuận cung cấp năng lượng dài hạn để giải quyết những khó khăn trên thị trường năng lượng giao ngay và giảm bớt tình trạng mất điện trong nước. Tuy nhiên, ít nhất là cho đến nay, Pakistan vẫn chưa thực hiện được mục tiêu này, và điều này sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt năng lượng tại Pakistan trong vài năm tới. Tình hình ở Bangladesh cũng tương tự.
Theo Bloomberg, thông thường, người mua sẽ tìm kiếm các hợp đồng dài hạn để giảm giá mua. Nhưng trên thực tế, các nhà giao dịch chỉ ra rằng, nguồn cung LNG trên thị trường sẽ thiếu hụt cho đến năm 2026. Chỉ khi giá khí đốt trở lại mức giá thấp thì mới có thể xuất hiện các hợp đồng xuất khẩu mới.
Ví dụ như trường hợp của Philippines, nước này đã đặt kỳ vọng vào việc giảm bớt sự phụ thuộc vào than đá cũng như đối phó với tình trạng suy giảm trữ lượng khí đốt tự nhiên trong nước bằng việc nhập khẩu LNG. Tuy nhiên, trước tình hình giá khí đốt tự nhiên tăng cao, Philippines đã trì hoãn việc xây dựng bến tiếp nhận LNG và hợp đồng mua bán đầu tiên cũng bị trì hoãn.
"Nhu cầu LNG của châu Âu dự kiến sẽ đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này... Mặc dù các nền kinh tế mới nổi đang sử dụng khí đốt như một phương thức giá rẻ để dẫn dắt quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng trong vòng vài năm tới, tất cả bọn họ sẽ cảm nhận được nỗi đau của cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu", Bloomberg kết luận.