(Tổ Quốc) - "Việc đẩy nhanh cấp phép sẽ chẳng giúp Nga dẫn đầu cuộc đua phát triển Vaccine này mà sẽ chỉ đẩy người dùng vào những nguy hiểm không cần thiết", Giám đốc Svetlana Zavidova của ACTO nêu quan điểm.
Theo hãng tin Bloomberg, việc Nga cho phép đưa vào sử dụng Vaccine chống dịch Covid-19 trước khi các bước thử nghiệm được hoàn thành sẽ đẩy người dùng vào nguy hiểm.
Mới đây, việc Nga cấp phép sử dụng cho Vaccine được nghiên cứu bởi Viện Gamaleya đang gây nhiều tranh cãi. Trong bức thư của Liên hiệp các tổ chức phòng thí nghiệm (ACTO) gửi đến Bộ trưởng y tế Nga Mikhail Murashko, họ đã cảnh báo về việc mới có chưa đến 100 người sản sinh kháng thể chống Sars nCov2 và động thái đưa Vaccine trên vào sử dụng rộng rãi có thể gây nguy hiểm cho người dân.
"Quy định về thử nghiệm Vaccine là vô cùng thiết yếu với các phòng thí nghiệm và chúng không thể bị xâm phạm. Đây có thể là thảm họa bởi chúng ta không biết điều gì sẽ xảy ra nếu tiêm cho mọi người loại Vaccine chưa được hoàn tất kiểm định", Giám đốc Svetlana Zavidova của ACTO nói.
Vào tuần trước, Vaccine của Viện Gamaleya đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc thử nghiệm và Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã tuyên bố ông hy vọng dòng Vaccine này sẽ được cấp phép sớm, đồng thời đưa vào sản xuất vào tháng tới.
Trong khi đó, người phát ngôn Christian Lindmeier của Tổ chức y tế thế giới (WHO) vào tuần trước đã nhấn mạnh rằng các Vaccine cần đi qua đủ mọi bước thử nghiệm trước khi được cấp phép sử dụng rộng rãi trong cộng đồng.
Việc Nga cấp phép cho loại Vaccine mới được thử nghiệm trên 76 người khiến nhiều chuyên gia lo ngại. Hiện Bộ y tế Nga cho biết chỉ cấp phép sử dụng Vaccine này cho một nhóm nhỏ như các nhân viên y tế và người già. Giấy phép cho loại Vaccine này cũng ghi rõ chúng chưa thể sử dụng rộng rãi cho đến tận ngày 1/1/2021 sau khi nhiều phòng khám thí nghiệm được rộng rãi hơn.
"Việc đẩy nhanh cấp phép sẽ chẳng giúp Nga dẫn đầu cuộc đua phát triển Vaccine này mà sẽ chỉ đẩy người dùng vào những nguy hiểm không cần thiết", Giám đốc Svetlana Zavidova của ACTO nhấn mạnh.
Mặc dù Bộ trưởng y tế Nga Mikhail tuyên bố Vaccine mới là hiệu quả và an toàn, không có tác dụng phụ nhưng những báo cáo khoa học cho thấy một Vaccine mới cần khoảng 2 năm để giúp cơ thể sản sinh kháng thể chống SARS-CoV-2.
Động thái cạnh tranh
"Chúng tôi coi những tuyên bố trên là một hành vi cạnh tranh của một số hãng dược Phương Tây muốn thống trị thị trường Vaccine và không muốn có đối thủ. Bộ y tế Nga sẽ tuân thủ đủ các thủ tục để chứng nhận Vaccine và không có một bước nào bị bỏ qua", Giám đốc quỹ đầu tư nhà nước RDIF Kirill Dmitriev, nơi đầu tư cho nghiên cứu của viện Gamaleya nhấn mạnh.
Theo nguồn tin thân cận của hãng tin Bloomberg, giới tinh anh và nhiều doanh nhân Nga đã bắt đầu tiếp xúc với Vaccine này từ đầu tháng 4/2020. Trong khi đó Bộ quốc phòng Nga cho biết nhiều binh lính đã hoàn thành việc thử nghiệm giai đoạn 2 của Vaccine chống dịch Covid-19 vào tháng 7/2020.
Dẫu vậy, những kết quả cuối cùng của Vaccine thuộc viện Gamaleya vẫn chưa hề được công bố rộng rãi trong giới khoa học.
Trong khi đó, những doanh nghiệp dược và nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang chạy đua để phát triển Vaccine chống dịch Covid-19. Những tập đoàn dược nổi tiếng như AstraZeneca hay Moderna, Pfitzer đều đang thử nghiệm những bước cuối cùng trong công cuộc phát triển Vaccine. Tuy nhiên, hầu hết các kết quả thử nghiệm cuối cùng của những hãng này sẽ phải chờ đến sớm nhất là tháng 10 mới được công bố.
Bản cấp phép cho Vaccine mới của Nga không tiết lộ nhiều thông tin. Tất cả những gì mọi người biết là Vaccine mới sẽ được sản xuất bởi hãng Binnopharm và công ty này cho biết họ có thể xuất xưởng 1,5 triệu liều mỗi năm.
Tại Mỹ, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cũng có thể cấp phép sớm cho những loại thuốc được đánh giá là vô cùng cần thiết. Việc Nga thông qua sớm Vaccine chống Covid-19 dù chưa hoàn toàn kết thúc thử nghiệm có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump có những bước đi tương tự nhằm thu hút cử tri cho cuộc bầu cử bắt đầu vào tháng 11/2020.
"Kết quả tốt nhất là Vaccine này làm việc hiệu quả, an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên tôi cho rằng vẫn có khoảng 20% khả năng Vaccine sẽ khiến tình hình tồi tệ hơn", Nhà nghiên cứu Alexey Chumakov của một viện nghiên cứu tại Moscow nhận định.
Theo Chumakov, việc phát triển Vaccine rất dễ nhưng cái khó là kiểm tra được độ an toàn của chúng bởi cơ thể con người cần thời gian để sinh kháng thể cũng như bộc phát các triệu chứng bệnh tiềm ẩn.