(Tổ Quốc) - Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách Văn hóa biển đảo Việt Nam gồm 09 tập, do GS.TS. Nguyễn Chí Bền, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, làm Tổng chủ biên.
- 30.07.2020 Hội Nhạc sĩ Việt Nam chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2020-2025
- 30.07.2020 Sôi nổi Hội thi "Cán bộ phong trào giỏi" thành phố Hà Nội lần thứ nhất năm 2020
- 29.07.2020 Kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp
- 29.07.2020 Xây dựng thương hiệu quốc gia Liên hoan phim Việt Nam
Đây là kết quả của chương trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam của Viện trong hai năm 2015-2016.
Bộ sách cung cấp cái nhìn tổng quan, chung nhất về văn hóa biển đảo
Trong số 09 tập sách, tập đầu tiên và tập cuối cùng cung cấp cho độc giả cái nhìn tổng quan, chung nhất về văn hóa biển đảo Việt Nam và vấn đề quản lý văn hóa biển đảo Việt Nam.
Tập 1 - Tổng quan văn hóa biển đảo Việt Nam (GS.TS. Nguyễn Chí Bền chủ biên) nghiên cứu lý thuyết, cách tiếp cận và tình hình nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam; làm rõ chủ thể, sự phát triển và giá trị của văn hóa biển đảo Việt Nam; phân tích thực trạng công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo ở Việt Nam hướng tới phát triển bền vững.
Trong khi đó, Tập 9 - Quản lý văn hóa biển đảo Việt Nam (PGS.TS. Bùi Hoài Sơn chủ biên) tập trung đi sâu vào một lĩnh vực của văn hóa biển đảo, nhưng là một lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt, được xem là một trong những giải pháp để Việt Nam có thể trở thành một quốc gia mạnh toàn diện về biển, đó là lĩnh vực quản lý văn hóa biển đảo.
Quản lý văn hóa biển đảo là việc thực thi các chính sách để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển đảo. Để phù hợp với nội dung tổng thể của cả bộ sách và tránh trùng lặp với nội dung tập 1 cũng như tổng quan tình hình nghiên cứu của các tập khác, tập sách này chủ yếu nghiên cứu những vấn đề lý luận về quản lý văn hóa biển đảo, kinh nghiệm quản lý biển đảo của một số nước trên thế giới và của các triều đại phong kiến, các cộng đồng trong lịch sử ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, các tác giả đi sâu phân tích thực trạng quản lý văn hóa biển đảo ở Việt Nam qua tác động của quản lý văn hóa đến hệ thống giá trị văn hóa truyền thống và những tác động của kinh tế, chính trị, xã hội đối với quản lý văn hóa biển đảo.
Những nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa biển đảo Việt Nam
Các tập sách còn lại (từ tập 2 đến tập 8), là những nội dung nghiên cứu chuyên sâu chia theo vùng văn hóa, trải từ Bắc Bộ qua Trung Bộ, tới Nam Bộ. Mỗi tập sách, các tác giả đều lựa chọn một số địa bàn tiêu biểu để khảo sát, nghiên cứu, từ đó tìm ra, khái quát nên những đặc điểm chung nhất, nổi bật nhất của văn hóa biển đảo vùng.
PGS.TS. Từ Thị Loan, tác giả Tập 2 - Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc Bộ cho rằng, có thể chia vùng biển đảo Đông Bắc Bộ thành hai khu vực để nghiên cứu: khu vực duyên hải và khu vực hải đảo. Từ đó, tác giả lựa chọn 3 địa bàn tiêu biểu là vịnh Hạ Long (ở khu vực duyên hải) và đảo Vân Đồn, đảo Cát Bà (ở khu vực hải đảo) để tiến hành nghiên cứu, khảo sát.
Riêng Tập 3 - Văn hóa biển đảo vùng Bắc Trung Bộ (TS. Vũ Anh Tú chủ biên), các tác giả không lựa chọn địa bàn nghiên cứu cụ thể nào mà tiến hành khảo sát toàn bộ 6 tỉnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế), có lẽ bởi theo các tác giả, văn hóa biển nơi đây mang nhiều đặc trưng khác biệt so với các vùng khác.
Bắc Trung Bộ là vùng chuyển tiếp giữa khu vực mang đặc trưng văn hóa biển mờ nhạt nhất (từ Móng Cái đến Ninh Bình) và vùng có văn hóa biển đậm nét nhất (từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu) nên thế mạnh nông nghiệp của đất liền rất hạn chế trong khi vai trò của biển thì chưa đủ thay thế. Là một phức thể văn hóa gồm 3 yếu tố: văn hóa đồng bằng, văn hóa núi và văn hóa biển, nên vùng văn hóa biển Bắc Trung Bộ là "kết quả của sự ứng xử của cư dân nông nghiệp khi từ các cửa sông vươn ra biển".
Văn hóa biển đảo vùng Nam Trung Bộ được chia tách, nghiên cứu riêng về văn hóa ven biển và văn hóa đảo, quần đảo, trình bày trong tập 4, 5 của bộ sách. Nếu Đà Nẵng, Hội An, Bình Định là 3 địa bàn trọng tâm của Tập 4 - Văn hóa ven biển vùng Nam Trung Bộ (PGS.TS. Đỗ Thị Thanh Thủy chủ biên) thì các tác giả của Tập 5 - Văn hóa đảo và quần đảo vùng Nam Trung Bộ (GS.TS. Bùi Quang Thanh chủ biên) cũng lựa chọn các đảo tiêu biểu: Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng), quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) để khảo sát, nghiên cứu.
Ở Tập 6 - Văn hóa biển đảo vùng Đông Nam Bộ (TS. Đinh Văn Hạnh chủ biên), để làm rõ đặc trưng, giá trị văn hóa biển đảo vùng này, các tác giả tiến hành khảo sát trên hai khu vực chính là các cộng đồng có sinh kế gắn với biển ở khu vực cận duyên và cộng đồng sống ở vùng hải đảo.
Còn các tác giả của Tập 7 - Văn hóa biển đảo vùng Tây Nam Bộ (PGS.TS. Phạm Lan Oanh chủ biên) lại lựa chọn một số địa điểm tiêu biểu thuộc 6 tỉnh có đường bờ biển của vùng Tây Nam Bộ để nghiên cứu, trong đó chú trọng 03 di tích lịch sử quốc gia thuộc hệ thống di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển thuộc địa bàn ven biển các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, do những địa điểm này có nhiều hoạt động và dịch vụ ngư nghiệp, có hệ sinh thái đa dạng ở vị trí cửa sông, cửa biển, có rừng ngập mặn, khu bảo tồn thiên nhiên, đó là những yếu tố để vùng Tây Nam Bộ thực hiện định hướng hướng biển hiệu quả, từng bước đa dạng hóa giá trị văn hóa biển đảo của vùng.
Phú Quốc không chỉ là điểm tiền tiêu trọng yếu về quốc phòng an ninh, mà còn là một ngư trường rộng lớn với tài nguyên biển phong phú, dồi dào, giàu tiềm năng của đất nước, lại có tài nguyên rừng đa dạng với những khu rừng nguyên sinh rộng lớn, nơi đây có nhiều lợi thế để phát triển du lịch sinh thái và du lịch biển, do vậy Phú Quốc được lựa chọn làm đối tượng nghiên cứu của Tập 8 - Văn hóa biển đảo Phú Quốc (PGS.TS. Bùi Quang Thắng chủ biên).
Có thể khẳng định, Văn hóa biển đảo Việt Nam là một công trình nghiên cứu toàn diện và giàu tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, hệ thống hóa các vấn đề liên quan đến văn hóa biển đảo các vùng trên cả nước; đề xuất các giải pháp trong quản lý, phát triển văn hóa biển đảo, góp phần thiết thực bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như phát triển kinh tế - văn hóa biển đảo quê hương, đất nước.
Bộ sách là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa biển đảo Việt Nam.