• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Văn hoá 29/07/2020 22:10

(Tổ Quốc) - Kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Kiên Giang bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng cho người truyền dạy Đờn ca tài tử; Tiền Giang tổ chức sinh hoạt chuyên đề Bình đẳng giới trong gia đình và tham gia hoạt động cộng đồng trong xây dựng quy ước cộng đồng là tin văn hóa, gia đình tiêu biểu tại 3 tỉnh mới đây.

Kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương gắn với thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới hướng đến xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhân văn, dân chủ, làm nền tảng nuôi dưỡng, ngành văn hóa định hướng hoàn thiện nhân cách và phát triển con người Đồng Tháp với hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực trong thời kỳ mới để phát triển bền vững kinh tế-xã hội tỉnh nhà.

Kế hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa năm 2021 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Nguồn: tuyengiao.vn

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương để di sản văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững và là tiềm năng trực tiếp góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh.

Phát triển Phong trào TDĐKXDĐSVH và công tác gia đình có chiều sâu, thiết thực, hiệu quả và thực sự đi vào cuộc sống, lan tỏa vào từng lĩnh vực trong xã hội, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân trong quan hệ với gia đình và cộng đồng, tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, môi trường văn hoá lành mạnh.

Ngành Văn hóa Đồng Tháp đặt ra mục tiêu dàn dựng 1000 chương trình lưu động, 01 vở cải lương và 03 chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp; tổ chức 80 cuộc triển lãm, 85 Hội thi, Hội diễn; thực hiện 30 cuộc luân chuyên sách, với 30.000 sách được luân chuyển; Lập 01 hồ sơ di tích Quốc gia; Lập 01 hồ sơ văn hóa phi vật thể quốc gia; lập 02 hồ sơ di tích cấp Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2021, toàn tỉnh có 96 di tích lịch sử văn hóa (trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 19 di tích cấp quốc gia, 76 di tích cấp tỉnh). Phấn đấu đến năm 2021 có 88% gia đình văn hóa; 80% khóm văn minh đô thị, 93% ấp văn hóa nông thôn mới; 93% xã văn hóa nông thôn mới, 80% phường- thị trấn văn minh đô thị.

Bên cạnh đó ngành cũng đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu như: Đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin tuyên truyền, hội thi, hội diễn. Nâng cao chất lượng các chương trình nghệ thuật. Đưa hoạt động văn hóa về cơ sở thông qua các hội thi, liên hoan, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, tuyên truyền lưu động, biểu diễn nghệ thuật...

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là ở cơ sở đảm bảo số lượng, chất lượng; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho các nghệ sĩ, diễn viên, đặc biệt là lực lượng trẻ có năng khiếu.

Gắn kết bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với sáng tạo các giá trị văn hóa mới, mở rộng giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế. Tăng cường các hoạt động văn hóa đối ngoại với các nước láng giềng, trong khu vực và thế giới, gắn với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh Tỉnh.

Chú trọng đầu tư, cải tạo, hoàn thiện, khai thác sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, nhất là các Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng, Nhà Văn hóa ấp kết hợp triển khai Dự án phát huy giá trị hệ thống đình làng. Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thư viện, sáng tạo nhiều mô hình mới phục vụ bạn đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Lập hồ sơ đề cử UNESCO vinh danh di sản văn hóa Óc Eo Khu di tích Gò Tháp là di sản văn hóa thế giới. Đổi mới trưng bày nhà trưng bày Bảo tàng Tỉnh theo hướng hiện đại, phát huy giá trị Bảo tàng Tỉnh trở thành điểm du lịch trọng điểm của Tỉnh.

Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đi vào nề nếp, văn minh, đúng quy định. Nâng tầm quy mô và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các lễ hội tiêu biểu như: Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Lễ hội Gò Tháp, lễ hội Đền thờ Trần Văn Năng, lễ giỗ ông bà Đỗ Công Tường.

Kiên Giang bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng cho người truyền dạy Đờn ca tài tử

Mớ đây, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh diễn ra lễ bế giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng cho người truyền dạy Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Kết thúc lớp học có 55 học viên được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học; trong đó có 5 học viên xuất sắc được nhận giấy khen của Sở Văn hóa và Thể thao.

Sau 3 tuần học tập do Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên - Giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh; Thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Huỳnh Khải - Giảng viên Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh; nghệ sĩ Kim Loan - Giảng viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh truyền dạy; các học viên tham gia lớp học hoàn thành khóa học và được cấp giấy chứng nhận.

Phát biểu cảm tưởng trong lễ bế giảng, học viên Lê Thị Nhiều cho biết: Qua thời gian học tập, được cô Mai Mỹ Duyên hệ thống lại những đặc trưng, nguồn gốc của nhạc tài tử qua các thời đại, hướng dẫn phương pháp bảo tồn và phát triển bền vững, cô còn tặng quyển sách qua thời gian nghiên cứu từng giai đoạn tồn tại của ĐCTT cho lớp học. Thầy Huỳnh Khải đã giải mã những ngón đàn, mà các nghệ nhân – tài tử đàn của lớp chưa biết được bằng nhiều loại nhạc cụ, hướng dẫn phân biệt đàn ca như thế nào theo nhịp cải lương và tài tử. Truyền nghề như thế nào dễ học, dễ hiểu. Các thầy cô đã làm thỏa mãn niềm mong ước bấy lâu nay của nghệ nhân – tài tử là trao lại quyển sách "Lòng bản 20 bản tổ" được các vị cao niên trong nghề trao truyền... Các nghệ nhân tài tử đã thực hành biểu diễn sôi nổi, những câu hỏi đặt ra được thầy cô giải thích tận tình, tạo được sự thân thiện giữa thầy và trò, nhờ đó lớp đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu của thầy cô. Ngoài ra, lớp còn được cô Kim Loan hướng dẫn phương pháp sinh hoạt câu lạc bộ ĐCTT để hấp dẫn được lớp trẻ cùng tham gia, hướng dẫn sắp xếp chương trình khi giao lưu, liên hoan ĐCTT…

Lớp học nằm trong chương trình Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2020" đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang phê duyệt nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT của tỉnh Kiên Giang; đồng thời nhân rộng phong trào ĐCTT ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; tạo điều kiện để các nghệ nhân trong tỉnh có dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; phát hiện những nhân tố mới để nâng cao chất lượng, phát triển sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của tỉnh và phục vụ tốt đời sống tinh thần của Nhân dân.

Tiền Giang tổ chức sinh hoạt chuyên đề Bình đẳng giới trong gia đình và tham gia hoạt động cộng đồng trong xây dựng quy ước cộng đồng

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tiền Giang vừa ban hành Kế hoạch số 1103/KH-SVHTTDL tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Bình đẳng giới trong gia đình và tham gia hoạt động cộng đồng trong xây dựng quy ước cộng đồng đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới" năm 2020, nhằm mục đích sau:

Tạo sự chuyển biến về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện Bình đẳng giới, từng bước thu hẹp khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực bất bình đẳng hoặc nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới năm 2020.

Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới; đẩy mạnh việc lồng ghép giới trong quá trình xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, dự án của địa phương; tạo bước chuyển mạnh mẽ nhằm thay đổi nhận thức, hành vi; sự tham gia của mỗi người, từng gia đình và cả cộng đồng trong hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và công tác bình đẳng giới, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương trong việc tổ chức thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tạo mọi điều kiện để thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình.

Nội dung sinh hoạt chuyên đề giới thiệu thực trạng bất bình đẳng giới trong gia đình, nguyên nhân và hậu quả, những khó khăn bất bình đẳng giới trong gia đình và cộng đồng hiện nay; Giải pháp thiết thực các cấp, các ngành, các gia đình cần quan tâm thực hiện kéo giảm tình trạng bất bình giới trong gia đình và cộng đồng hiện nay.

Các buổi sinh hoạt chuyên đề được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao của 06 đơn vị điểm của tỉnh gồm: xã Long Trung, huyện Cai Lậy; xã Mỹ Hạnh Trung thị xã Cai Lậy; thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước; Phường 10, thành phố Mỹ Tho; xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông; xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông.

Thủy Bích (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ