(Tổ Quốc) - Hy vọng đưa xét nghiệm kháng thể COVID-19 tại nhà trở thành "yếu tố thay đổi cuộc chơi" của chính quyền Anh, hoàn toàn bị thất bại.
Hai công ty Trung Quốc đưa lời chào hàng đầy rủi ro: 2 triệu bộ xét nghiệm kháng thể COVID-19 tại nhà - tổng trị giá 20 triệu USD.
Mức giá chào hàng cao, công nghệ chưa được kiểm chứng, tiền phải trả một lần toàn bộ, và người mua sẽ nhận hàng từ một nhà máy tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức Anh đã chấp nhận đơn hàng và tự tin rằng các bộ xét nghiệm sẽ có mặt tại các hiệu thuốc chỉ trong vòng 2 tuần. "Đơn giản như là thử thai tại nhà vậy", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói. "Nó có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi".
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là, các bộ xét nghiệm không có hiệu quả.
Sau khi một phòng thí nghiệm tại Đại học Oxford chỉ ra, các kết quả xét nghiệm không đủ chính xác, giờ đây 500.000 bộ xét nghiệm đang bị bỏ trong kho. 1,5 triệu bộ mua từ các nguồn khác cũng không thể đem ra sử dụng. Còn giới chức Anh, dù xấu hổ những vẫn phải tuyên bố, sẽ tìm cách lấy lại phần nào số tiền đã bỏ ra.
Xét nghiệm kháng thể trên diện rộng được coi là một bước quan trọng trong việc quyết định khi nào và bằng cách nào có thể dỡ bỏ các lệnh phong tỏa đang làm tê liệt phần lớn cuộc sống kinh tế và xã hội trên toàn cầu. "Anh không thể nới lỏng phong tỏa nếu chưa xét nghiệm quy mô lớn", giáo sư về virus Nicolas Locker tại Đại học Surrey chỉ ra.
Tuy nhiên, việc đặt cược lên các bộ xét nghiệm kháng thể Trung Quốc cũng là một thước đo cho thấy sự tuyệt vọng của giới chức Anh khi các áp lực ngày từ công chúng ngày càng gia tăng trước những phản ứng chậm chạp của họ trong đại dịch COVID-19. Chuyên gia Jeremy Farrar, người đứng đầu quỹ tài trợ nghiên cứu Wellcome Trust từng cảnh báo, "Anh gần như chắc chắn sẽ là một trong những nước, thậm chí là nước bị ảnh hưởng tồi tệ nhất [bởi dịch bênh] tại châu Âu".
Rất lâu trước khi xét nghiệm kháng thể được phát triển, Đức đã tiến hành khoảng 50.000 xét nghiệm lâm sàng/ngày giúp theo dấu và cô lập các trường hợp lây nhiễm. Con số xét nghiệm giờ đây của Đức là gần 120.000 ca/ngày.
Tính tới ngày 15/4, Anh vẫn chỉ thực hiện được chưa đầy 20.000 xét nghiệm/ngày. Không thể đạt được lời hứa 25.000 xét nghiệm/ngày vào giữa tháng 4, giới chức Anh cam kết, đến cuối tháng, số ca xét nghiệm/ngày sẽ là 100.000; và sớm lên tới 250.000 ca/ngày.
Giải thích lý do khởi đầu chậm, Anh cho rằng, họ không có các công ty xét nghiệm tư nhân lớn - có khả năng sản xuất và thực hiện hàng chục nghìn xét nghiệm chẩn đoán như tại Đức và Mỹ.
Nhưng thời điểm Anh bắt đầu tăng tốc để mở rộng năng lực, nước này vẫn ở phía sau hầu hết các đối thủ châu Âu trong cuộc chạy đua "giành giật" nguồn cung các thành tố thiết yếu như ống và dụng cụ lấy dịch… để thực hiện xét nghiệm.
Vì vậy, khi lời chào hàng các bộ xét nghiệm của Trung Quốc xuất hiện, London nhận ra, đây chính là thứ hầu hết các nước đều đang theo đuổi. Hai công ty Trung Quốc AllTest Biotech và Wondfo Biotech khẳng định, các sản phẩm của họ đáp ứng tiêu chuẩn y tế, an toàn và môi trường của EU.
Tuần trước, sau khi lặng lẽ thừa nhận các bộ xét nghiệm là không hiệu quả, các quan chức y tế Anh biện hộ các động thái của mình là một kinh nghiệm đáng giá.
Trưởng cố vấn y tế chính phủ Anh, giáo sư Chris Whitty phát biểu: "Sẽ rất ngạc nhiên nếu ngay từ đầu chúng tôi lại đạt được kết quả tốt nhất có thể với loại xét nghiệm này".
Tuy nhiên, ông Greg Clark, chủ tịch một ủy ban Quốc hội chuyên giám sát các phản ứng trước COVID-19 lại cho rằng, những lời hứa hẹn của Chính phủ là phi hiện thực.
"Chưa một đất nước nào trên thế giới có thể thực hiện xét nghiệm kháng thể ở diện rộng", ông Clark nói. "Rõ ràng, chúng ta nên hành động sớm hơn và tận dụng nhiều hơn tất cả các cơ sở xét nghiệm mà chúng ta có thể có".
Sau khi Anh phàn nàn về chất lượng bộ xét nghiệm, cả hai công ty của Trung Quốc đổ lỗi cho các quan chức và chính trị gia Anh đã hiểu nhầm hoặc phóng đại tác dụng của xét nghiệm.
Wondfo nói với tờ Hoàn cầu của Trung Quốc, các sản phẩm của họ chỉ mang giá trị bổ sung cho những bệnh nhân đã được xét nghiệm dương tính với virus. Còn AllTest khẳng định, các xét nghiệm "chỉ được sử dụng bởi các nhân viên y tế", chứ không phải là bệnh nhân tại nhà.
Trong khi đó, các bác sỹ đánh giá, những miêu tả của chính phủ về xét nghiệm kháng thể có thể dẫn tới sự hiểu lầm.
Bằng việc so sánh xét nghiệm kháng thể với thử thai, giới chức dường như cho rằng, xét nghiệm kháng thể sẽ xác định liệu một bệnh nhân có bị nhiễm COVID-19 hay không. Tuy nhiên, mức độ kháng thể nhìn thấy được có thể sẽ không xuất hiện trong máu đến tận 20 ngày sau khi người bệnh có virus – nghĩa là, một người nhiễm virus vẫn có thể có kết quả xét nghiệm âm tính.
Một phòng thí nghiệm quân sự tại Porton Down, Anh cũng đang nghiên cứu về xét nghiệm kháng thể, nhưng chủ yếu là để phục vụ đánh giá của cơ quan y tế về tình hình đại dịch thông qua khảo sát các mẫu dân số - chứ không phải là để thông báo cho từng bệnh nhân. Chính phủ Anh giờ đây hy vọng có thể chuyển một phần trong số các bộ xét nghiệm sản xuất tại Trung Quốc sang phục vụ mục đích này.
Theo các nhà nghiên cứu, các xét nghiệm tự làm như những gì Anh mua từ Trung Quốc thực tế phức tạp hơn rất nhiều các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.
Hôm 8/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng cảnh báo, xét nghiệm kháng thể nhanh "có tác dụng giới hạn" với bệnh nhân và không phù hợp với các mục đích lâm sàng cho tới khi chúng được chứng minh là chính xác và hiệu quả.
Mặc dù vậy, các quan chức Anh vẫn trông chờ vào một đột phá.
Thậm chí hồi cuối tháng 3, khi đại dịch đang làm quá tải các bệnh viện ở Italy và Iran, Anh vẫn "bỏ ngoài tai" khuyến cáo của WHO là mở rộng xét nghiệm chẩn đoán càng nhanh càng tốt.
Để bù trừ cho sự thiếu sót, các phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Anh đã phải tự biến đổi thành các cơ sở xét nghiệm y tế quy mô nhỏ, chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của các bệnh viện địa phương.
"Nếu mọi thứ đến từ chính phủ thì sẽ tốt hơn", giáo sư sinh học Ravindra Gupta của Đại học Cambridge nói, "nhưng chúng tôi phải chuẩn bị từ không có gì cả. Sẽ là điên rồ nếu chỉ chờ đợi".
Tổ chức phi chính phủ Nghiên cứu Ung thư Anh cũng phải cải tạo các phòng thí nghiệm của mình để có thể thực hiện khoảng 2.000 xét nghiệm/ngày. Tuy nhiên, năng lực này hiện giảm chỉ còn vài trăm do nguồn cung thiết bị bị chậm trễ và khan hiếm. Giáo sư Charles Swanton cho hay, họ phải trả cho một nhà cung cấp Trung Quốc 6 USD cho mỗi chiếc que lấy dịch mũi – đắt hơn giá thông thường tới 100 lần.