• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 5 cơ hội để ngành Thông tin truyền thông bứt phá vươn lên

Thời sự 06/07/2020 20:45

(Tổ Quốc) - Sáng 6/7, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 66 điểm cầu.

Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 5 cơ hội để ngành Thông tin truyền thông bứt phá vươn lên - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh nhadautu.vn)

Qua 6 tháng đầu năm, Bộ TT&TT cũng như toàn Ngành đã thu được những kết quả tích cực được Đảng và Nhà nước ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực: Sau giai đoạn thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, từ đầu tháng 5 đến nay, các doanh nghiệp bưu chính đã có những khởi sắc trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đặc biệt là bưu chính chuyên chuyển phát gói, kiện hàng hóa đều có kết quả tăng trưởng so với tháng 4 ở cả sản lượng, doanh thu với mức tăng từ 5-15%.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của hầu hết các ngành thì kết quả hoạt động của các doanh nghiệp Bưu chính trong 6 tháng đầu năm đều tăng trưởng: doanh thu ước đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 4%; sản lượng gói, kiện đạt trên 377 triệu, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Việc công bố nền tảng Mã địa chỉ bưu chính (Vpostcode), đánh dấu việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số V-Map quốc gia được Quốc hội giao... Đây là bước tiến rất lớn, đặc biệt quan trọng để chuyển đổi số lĩnh vực Bưu chính cũng như làm nền tảng cho thương mại điện tử hướng đến kinh tế số trong tương lai.

Trong đại dịch COVID-19, Bộ TT&TT cùng các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ TT&TT về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh; tập trung phát huy thế mạnh, tận dụng cơ hội về nhu cầu làm việc, học tập từ xa trực tuyến, đảm bảo thông tin liên lạc, cung cấp nền tảng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị cũng như từng người dân trong phòng chống dịch bệnh.

Chỉ một ngày sau khi thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống dịch, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng thiết lập hệ thống giao ban trực tuyến giữa Bộ Y tế và các bệnh viện có liên quan; Nhiều biện pháp tích cực, chủ động, thậm chí chỉ có ở Việt Nam mới làm được đã được triển khai hiệu quả như: nhắn tin tuyên truyền; miễn cước cuộc gọi đến số hotline; miễn cước truy nhập tốc độ cao đến các trang thông tin điện tử của Bộ Y tế; thay đổi logo; cài đặt âm báo; vận động ủng hộ qua cổng 1407, tăng 50% dung lượng data tất cả các gói cước khách hàng đang sử dụng và đăng ký mới với mức cước không đổi; tăng gấp đôi băng thông tất cả các gói cước FTTH với mức giá giữ nguyên trên toàn quốc; cung cấp wifi miễn phí tại các khu vực cách ly tập trung đông người, cung cấp tài khoản miễn phí, miễn cước phí sử dụng data di động cho học sinh và giáo viên khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến với gần 30.000 trường học...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 5 cơ hội để ngành Thông tin truyền thông bứt phá vươn lên - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị (ản mic.gov.vn)

Những con số biết nói đã phản ảnh chân thực đóng góp của ngành Viễn thông đối với đất nước trong đại dịch: 11 đợt nhắn tin với hơn 15 tỷ tin nhắn tới hơn 2 tỷ lượt thuê bao; 2,6 triệu tin nhắn ủng hộ với giá trị hơn 152 tỷ đồng; tăng băng thông giảm giá cước, hỗ trợ gần 15.000 tỷ đồng cho khách hàng. Từng tin nhắn, từng đoạn hội thoại cảnh báo đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức trong cộng đồng, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh...

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng đại dịch COVID-19 cũng mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội để bứt phá vươn lên, trong đó có cơ hội của ngành Thông tin và Truyền thông.

Theo Bộ trưởng, đại dịch vừa qua là cơ hội và cú hích trăm năm để đẩy nhanh và toàn diện chuyển đổi số trên bình diện toàn quốc gia, cả kinh tế, xã hội, cả Nhà nước, doanh nghiệp, cả cộng đồng và người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, Việt Nam có lợi thế so sánh về chuyển đổi số, đồng thời có nhiều doanh nghiệp viễn thông và CNTT mạnh. “Đây là lúc phát huy để bứt phá vươn lên, thay đổi thứ hạng. Đất nước có thể nhân lúc này đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cơ hội thứ hai Bộ trưởng đề cập chính là thị trường trong nước. Ông cho rằng 100 triệu dân là thị trường, tài nguyên lớn nhất của Việt Nam. Các doanh nghiệp ICT Việt Nam hãy coi thị trường trong nước là cái nôi để từ đây lớn lên, trưởng thành và đi ra toàn cầu.

Ba là xây dựng nền kinh tế tự chủ “Make in Vietnam”. Theo Bộ trưởng, khi đất nước có tình huống khẩn cấp mới thấy ý nghĩa của nền kinh tế tự chủ.

Cơ hội thứ tư là đầu tư cho năng lực y tế, tăng cường sử dụng công nghệ số cho y tế, khám chữa bệnh từ xa, thúc đẩy sản xuất thiết bị y tế trong nước, làm sao để vừa chống dịch vừa tạo năng lượng lâu dài cho ngành y tế.

Thứ năm là quyết định các vấn đề lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế. “Khi khó khăn thì dễ ra các quyết định lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành cần tận dụng cơ hội này để chuyển đổi số, thúc đẩy chuyển đổi quốc gia, ra quyết định áp dụng mô hình quản trị mới, mô hình kinh doanh mới, mở rộng không gian, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ mới dựa trên dữ liệu và công nghệ số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 5 cơ hội để ngành Thông tin truyền thông bứt phá vươn lên - Ảnh 3.

Tại Hội nghị Bộ TT&TT đã quyết định trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 36 tập thể và 53 cá nhân đã có thành tích xuất sắc tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 (ảnh mic.gov.vn)

Cơ hội tiếp theo là sự chuyển dịch đầu tư toàn cầu. Tư lệnh ngành TT&TT nhận định Việt Nam có thể là điểm đón nhận sự chuyển dịch đó. “Sau 30 năm thu hút FDI, chúng ta đã quyết định một giai đoạn mới về FDI, đó là FDI có điều kiện, thu hút công nghệ cao, các tập đoàn công nghệ lớn và chú trọng nghiên cứu phát triển”, Bộ trưởng nói.

Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp ICT phải sẵn sàng là đối tác, không chỉ nhận chuyển giao mà quan trọng hơn phải là hợp tác về nghiên cứu phát triển công nghệ lõi và sản phẩm.

Bộ trưởng TT&TT cho rằng, COVID-19 cũng làm chúng ta tư duy lại chủ nghĩa tiêu dùng vật chất quá mức, tàn phá thiên nhiên, không coi trọng đời sống tinh thần.

“Các đơn vị trong ngành TT&TT có một sứ mệnh mới, 6 tháng đầu năm là tập dượt, 6 tháng cuối năm là bứt phá vươn lên. Ngành TT&TT bứt phá vươn lên là giúp đất nước bứt phá vươn lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Hồng Hà (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ