(Tổ Quốc)- Chiều 17/6 tại TP Nha Trang, Bộ VHTTDL phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023. Tham dự và chỉ đạo tại Hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh.
Cùng dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ VHTTDL; đại diện các Sở VHTT, Sở Du lịch trong cả nước; đông đảo đại diện các doanh nghiệp du lịch, các nhà làm phim trong nước, quốc tế…
Khánh Hòa "trải thảm" đón các đoàn làm phim
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết: Khánh Hòa là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với 385 km bờ biển, 200 hòn đảo, những Vịnh biển đẹp nổi tiếng như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, nhiều danh lam thắng cảnh, địa danh với giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan độc đáo và phong phú, giao thông thuận lợi với các tuyến đường sắt, đường bộ cao tốc quốc gia, cảng hàng không, cảng biển quốc tế... Đây là những điều kiện thuận lợi, là cơ hội giúp cho Khánh Hòa trở thành điểm đến của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, kết nối phát triển tích hợp nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là kinh tế dịch vụ với thế mạnh là kinh tế du lịch.
Trong năm 2022, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa thông qua các Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28.01.2022 của Bộ Chính trị về Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 21.3.2022 của Chính phủ thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, đồng thời, ngày 16.6.2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 55/2022/QH15 cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Mục tiêu đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ lợi thế tiềm năng biển; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế và là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc…
Để hiện thực hóa kỳ vọng của Trung ương, phát huy tiềm năng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm gần đây, Khánh Hòa rất quan tâm xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, trong đó tập trung phát huy thế mạnh du lịch biển đảo và các sản phẩm du lịch khác như vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch chữa bệnh, du lịch mạo hiểm…; quan tâm các chính sách hỗ trợ, ưu đãi để hấp dẫn các nhà đầu tư, bao gồm các nhà đầu tư và sản xuất điện ảnh, góp phần nâng cao giá trị hình ảnh điểm đến cũng như tạo dấu ấn thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trong khu vực và trên thế giới.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân mong muốn, Hội nghị quốc tế xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh năm 2023 sẽ nhận được nhiều chia sẻ, trao đổi, sáng kiến đề xuất kết nối phát triển từ các quý vị đại biểu, các doanh nghiệp và chứng kiến những hoạt động kết nối giữa ngành du lịch với ngành điện ảnh thông qua hợp tác giữa Doanh nghiệp – Nhà sáng tạo điện ảnh – chính quyền tỉnh Khánh Hòa. Kết quả và thành công của Hội nghị sẽ là cơ sở, tiền đề quan trọng để triển khai các hoạt động cụ thể trong thời gian tới.
“Tỉnh Khánh Hòa luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho tất cả các nhà làm phim trong nước nói riêng và trên toàn thế giới nói chung khi đầu tư, sản xuất, hoạt động nghệ thuật tại tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định.
Muốn đi xa phải đi cùng nhau
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: Chuỗi các sự kiện trong “Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh năm 2023” do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức là hoạt động quan trọng, thiết thực triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức ngày 15.3.2023 - thời điểm tròn một năm Việt Nam chính thức mở cửa lại hoàn toàn thị trường du lịch, Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
"Tiếp nối thành công của Triển lãm ảnh “Không gian giới thiệu du lịch qua những thước phim” và "Khánh Hòa, điểm đến của Bạn”, Diễn đàn “Du lịch và Điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh” ngày hôm qua, hôm nay chúng ta cùng nhau hội tụ tại đây để tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển thương hiệu du lịch qua điện ảnh", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Du lịch được xem như là “ngành công nghiệp không khói”, đóng góp ngày càng lớn và có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia, phát triển du lịch xanh, bền vững trên cơ sở bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển của thời đại. Du lịch đồng thời là là cầu nối giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới.
Đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, với quan điểm phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, phát triển du lịch bền vững.
Luật Du lịch năm 2017 quy định nhiều nội dung cốt yếu để phát triển du lịch trong đó có quan điểm: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng. Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 02.01.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng trải nghiệm cho khách du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên văn hóa, tài nguyên du lịch của từng vùng, địa phương, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Việt Nam có kho tàng văn hoá, tài nguyên du lịch đồ sộ, phong phú và đa dạng, với 3.602 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; nền ẩm thực đặc sắc; dọc hơn 3.000 km đường biển, có rất nhiều vịnh biển, bãi biển đẹp nao lòng du khách. Cùng với giá trị tinh thần và giá trị con người Việt Nam, kho tàng văn hóa này chính là sức mạnh mềm của Việt Nam như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định. Tiếp cận từ góc độ văn hóa trong kinh tế, sự chuyển động và chuyển hóa hài hòa, sáng tạo của các nguồn tài nguyên văn hóa trong các sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, dịch vụ cũng là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước đại dịch Covid-19, đóng góp của du lịch vào GDP đạt 9,2%. Các ngành công nghiệp văn hóa cũng đóng góp khoảng 3,6% vào GDP. Bước đầu, các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã bước đầu tạo ra các hiệu ứng du lịch, gia tăng giá trị thương hiệu của địa phương. Bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ đã đánh thức tiềm năng vùng đất Phú Yên bên cạnh trung tâm du lịch biển nổi tiếng Nha Trang - Khánh Hòa và Quy Nhơn - Bình Định. Phần lớn các hãng lữ hành đều cho biết, sở dĩ nhiều du khách nô nức mua tour đến Phú Yên vì quá mê mẩn những cảnh đẹp được quay trong bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh được trình chiếu trước đó. Chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, bộ phim Kong: Skull Island được quay tại Ninh Bình đã góp phần làm gia tăng sức hấp dẫn của du lịch địa phương này...
Gần đây nhất, bộ phim Hành trình tình yêu của một du khách do Netflix quay tại 5 điểm đến mang tính biểu tượng của Việt Nam bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An, và Hà Giang, chỉ sau bốn ngày công chiếu đã xuất sắc lọt vào vị trí thứ 3 phim tiếng Anh được truy cập nhiều nhất trên toàn cầu với 13,4 triệu giờ xem; trong top 10 phim được xem nhiều nhất tại Việt Nam cũng như 77 quốc gia trên toàn cầu. Đây là minh chứng sống động nhất cho sự lôi cuốn, hấp dẫn khán giả toàn cầu với cảnh sắc thiên nhiên, vẻ đẹp văn hoá, con người Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, dù là một quốc gia có cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa đa dạng, nhưng so với nhiều quốc gia trong khu vực, Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều đoàn làm phim nước ngoài; việc quảng bá các điểm đến thông qua tác phẩm điện ảnh vẫn dừng lại ở một vài ví dụ nhỏ lẻ, chưa thực sự khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có. Lâu nay, điện ảnh, mỹ thuật nhiếp ảnh và triển lãm, du lịch... đều đi “một mình một đường”, trong khi “muốn đi xa phải đi cùng nhau”.
“Bộ VHTTDL lựa chọn tỉnh Khánh Hòa - “xứ trầm, biển yến” - địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước, quốc tế tới phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch tổ chức Hội nghị này. Đây là dịp để các nhà quản lý, nhà làm phim, các nghệ sĩ... gặp gỡ, trao đổi, trình bày các quan điểm, sáng kiến để làm thế nào kết hợp hiệu quả hơn nữa du lịch và điện ảnh, thúc đẩy mạnh mẽ quảng bá hình ảnh du lịch quốc gia, quảng bá điểm đến du lịch của Việt Nam nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ VHTTDL đẩy mạnh hợp tác gắn điện ảnh với quảng bá du lịch; cần giải quyết và tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp để tăng tính cạnh tranh như tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục cho các đoàn làm phim nước ngoài tới Việt Nam; chính sách ưu đãi về thuế, phí theo quy định của pháp luật về thuế, phi; miễn giảm chi phí lưu trú, vé vào danh lam thắng cảnh; thu hút đầu tư xây dựng phim trường chuyên nghiệp; sự phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp du lịch và các đoàn làm phim để khai thác hiệu quả du lịch từ điện ảnh; sự đồng bộ giữa kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch với kế hoạch sản xuất phim, các hoạt động triển lãm...
Bộ trưởng tin tưởng rằng cùng với sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương, nhà đầu tư, nhà hoạt động điện ảnh, những ý tưởng vì sự phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh, những dự án được trao, quyết định đầu tư hay những cuộc gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại hội nghị là bước khởi đầu cho những dòng đầu tư lớn từ trong và ngoài nước vào Khánh Hòa cũng như các địa phương khác của Việt Nam trong thời gian tới.
Bình luận