(Tổ Quốc) - Chiều 16/6, diễn đàn "Du lịch và Điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh" diễn ra tại TP Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là một trong những nội dung hoạt động trọng điểm của chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh từ ngày 16- 18/6.
Điện ảnh là kênh quảng bá hữu hiệu cho du lịch
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết: Chương trình liên kết phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam qua điện ảnh” được tổ chức từ ngày 16 -17/6, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhằm quảng bá văn hóa, thương hiệu, du lịch Việt Nam, đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp, tiềm năng, lợi thế giữa các bên “Doanh nghiệp - Nhà hoạt động điện ảnh - Địa phương” trong việc liên kết phát triển điện ảnh, du lịch và thương hiệu Việt Nam nói chung, sản phẩm, dịch vụ du lịch Việt Nam nói riêng.
Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới và cả Việt Nam đã chứng minh điện ảnh là một kênh quảng bá vô cùng hữu hiệu cho các điểm đến du lịch. Sau mỗi thành công của các tác phẩm điện ảnh, thì những nơi từng là bối cảnh trong phim trở thành điểm tham quan thu hút đông đảo du khách.
“Diễn đàn sẽ là nhịp cầu nối cho các nhà làm phim, doanh nghiệp, các nhà quản lý cùng gặp gỡ, trao đổi và đề xuất những giải pháp kết hợp hiệu quả hơn nữa giữa Du lịch - Điện ảnh trong công tác quảng bá, xây dựng hình ảnh cho các điểm đến của Việt Nam tới đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ban Tổ chức kỳ vọng Diễn đàn lần này sẽ mở ra nhiều cơ hội khai thác hiệu quả hơn nữa tiềm năng du lịch của các điểm đến ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Khánh Hòa” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Hữu Hoàng cho biết, với lợi thế thiên thời, địa lợi nhân hòa, Khánh Hòa luôn được các nhà làm phim Việt Nam ưu ái dành nhiều tình cảm, tâm huyết trong sáng tạo. Vẻ đẹp của đất, trời, biển, cát và con người Khánh Hòa đã lưu dấu hình ảnh trong lòng nhiều thế hệ khán giả qua biết bao thước phim còn mãi với thời gian, từ những: “Tự thủ trước bình minh”, “Về nơi gió cát, “Bãi biển đời người.... của thập kỷ 80, 90 - thế kỷ XX; cho đến "Đẹp từng centimet”, “Những nụ hôn rực rỡ", "Mỹ nhân kế", "Chàng trai năm ấy” của những năm đầu thế kỷ XXI...
Theo ông Lê Hữu Hoàng, thực tế trong các năm qua đã cho thấy, nhiều khách du lịch đã đến điểm tham quan nơi được xuất hiện trong một bộ phim điện ảnh thu hút khách. Hay nói cách khác, nhiều địa điểm đã trở nên hút khách du lịch sau khi trở thành bối cảnh của một câu chuyện phim. Sự ảnh hưởng của điện ảnh đến du lịch phải kế tới bộ phim “Chuyện của Pao”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Tấm Cám: Chuyện chưa kể", "Hạnh phúc mùa mẹ", "Mắt biếc", "Trạng Quỳnh",... cũng đã góp phần khiến các tỉnh, thành phố trở nên hấp dẫn hơn trong mắt du khách.
"Tôi hy vọng diễn đàn "Du lịch và Điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh" sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn tầm quan trọng việc liên kết du lịch với điện ảnh. Đồng thời về phương diện nào đó các thước phim sẽ góp phần quảng bá, tạo dấu ấn về vùng đất, con người Khánh Hòa vươn xa, thúc đẩy sự khám phá vùng đất này đối với các vị khách du lịch trong tương lai" - ông Lê Hữu Hoàng chia sẻ.
Chủ động quảng bá, mời gọi các đoàn làm phim
Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát triển quảng bá du lịch thông qua quay phim tại các địa phương, bà Ruriko Sekine, Tổng thư ký Hội đồng phim Nhật Bản nói về các giải pháp thực tiễn như: Nhật Bản tổ chức hội chợ triển lãm điện ảnh hàng năm; đưa các đoàn phim đi tham quan, thực tế các địa điểm trong và ngoài nước để tìm cảm hứng sáng tạo cho các bộ phim; tổ chức phát hành tem bưu chính về địa danh có trong phim sau khi công chiếu thành công; tạo những trang web cung cấp dữ liệu về điện ảnh Nhật Bản.
Trong khi đó, bà Phan Cẩm Tú, Tư vấn của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: Báo cáo “Xu hướng Du lịch 2023 của Expedia” cho thấy, 2/3 du khách toàn cầu đã xem xét việc du lịch dựa trên nguồn cảm hứng từ điện ảnh, và 39% đã đặt chuyến đi dựa trên những câu chuyện từ màn ảnh.
"Điện ảnh có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển ngành du lịch của các quốc gia. Các bộ phim giúp mang hình ảnh phong cảnh thiên nhiên xinh đẹp đến với khán giả và là cầu nối cho các hoạt động trao đổi văn hóa. Bên cạnh đó, bằng cách kể các câu chuyện về phong tục, truyền thống, lễ hội và sự kiện lịch sử địa phương, các bộ phim tạo ra sự tò mò và quan tâm cho người xem. Điều này khuyến khích du khách khám phá các địa điểm thực tế, tương tác với cộng đồng địa phương và đắm mình trong văn hóa được miêu tả trên màn ảnh"- bà Phan Cẩm Tú nhận định.
"Không chỉ vậy, quá trình quay phim sẽ có các hoạt động như thuê đội làm phim địa phương, sử dụng dịch vụ địa phương, chi tiêu cho chỗ ở và phương tiện đi lại. Nguồn tiền chi tiêu cho các hoạt động làm phim này sẽ kích thích nền kinh tế địa phương, tạo ra cơ hội việc làm và khuyến khích sự phát triển của các ngành hỗ trợ như du lịch và vận tải. Ví dụ, sự kiện ngôi sao Marilyn Monroe tới đóng phim ở Jasper (Canada) được tận dụng để quảng bá du lịch cho thành phố này. Từ đó, nhiều tỉ đô la từ hoạt động làm phim đã được chuyển từ Mỹ sang Canada khi chính phủ Canada thực hiện chính sách khuyến khích sản xuất phim", bà Tú thông tin.
Nhấn mạnh các nước trên thế giới đều có những lợi thế riêng biệt để sáng tạo, quảng bá qua điện ảnh, Việt Nam cũng vậy, bà Tú cho rằng, cần chủ động và có những lời mời đến các nhà làm phim trong nước và quốc tế. "Ví dụ về Thái Lan, họ có trang web, tuyên truyền các chính sách ưu đãi cụ thể dành cho các đoàn làm phim đến và quay tại Thái Lan, kết quả nhiều bộ phim được chiếu có cảnh sắc, con người Thái Lan được lan tỏa khắp nơi. Tôi nghĩ thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, việc đưa các thông tin lời mời cùng các cơ chế lên trang web để các nhà làm phim theo dõi sẽ rất lợi thế”, bà Phan Cẩm Tú hiến kế.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cho biết sau phim Đông Dương (Indochine), nhiều khán giả trên thế giới biết nhiều hơn đến vẻ đẹp riêng của Hạ Long (Quảng Ninh); sau phim Người tình (L’amant) nhiều người muốn đến đồng bằng sông Cửu Long, sau phim Người Mỹ trầm lặng người ta yêu mến, nhớ đến những vẻ đẹp của Sài Gòn xưa. Sau phim King Kong đảo Đầu lâu, người ta trầm trồ và tha thiết muốn đến thăm thú với vẻ kỳ ảo của Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình)…
Theo ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, sử dụng bối cảnh các bộ phim tiêu biểu được khán giả yêu thích từ trước đến nay luôn là động cơ và mục tiêu của nhiều quốc gia, nhiều nền điện ảnh và nhiều doanh nghiệp hoạt động du lịch. "Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi như một Việt Nam thu nhỏ, Khánh Hòa vừa có cảnh quan thành phố, đồng bằng, biển, đảo và núi, rừng… rất phù hợp cho những đoàn phim khai thác hình ảnh từ phong cảnh thiên nhiên sẵn có, đồng thời có thể dàn dựng, thay đổi, sắp đặt bối cảnh phù hợp cho những câu chuyện, đề tài, thể loại phim khác nhau.
Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng cho rằng, giải pháp cụ thể là được quan tâm dành quỹ đất, và mời gọi được nhà đầu tư cải thiện hạ tầng, đường, điện, nước… trước khi bắt tay xây dựng những bối cảnh trường quay mang tính đặc thù dành cho điện ảnh./.
Diễn đàn “Du lịch và Điện ảnh Việt Nam - Liên kết vươn xa, tạo đà cất cánh” đã diễn ra hai phiên họp và thảo luận chính về kết nối giữa du lịch và điện ảnh.
Tại phiên thứ nhất, các đại biểu tập trung thảo luận về chủ đề: “Chính sách của Việt Nam nhằm hỗ trợ phát triển điện ảnh, gắn kết quảng bá du lịch và kinh nghiệm của quốc tế” dưới sự chủ trì điều hành của TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trong phiên thứ hai, các đại biểu thảo luận về việc chủ đề: “Đẩy mạnh quảng bá du lịch qua các bộ phim được quay tại Việt Nam và thu hút đầu tư phát triển điện ảnh gắn với du lịch tại Việt Nam”, do bà Ngô Thị Bích Hạnh, Giám đốc Công ty BHD Media chủ trì điều hành.
Trong mỗi phiên họp, các đại biểu đã được nghe tham luận, ý kiến phát biểu của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà làm phim trong nước và quốc tế… chia sẻ về những kinh nghiệm trong việc xây dựng thương hiệu và quảng bá du lịch quốc gia.
Trên cơ sở nội dung thảo luận tại Diễn đàn và ý kiến gợi mở, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền những sáng kiến, giải pháp thiết thực nhằm tập trung thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng cơ chế để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy, gắn kết chặt chẽ việc quảng bá, cũng như tạo đà phát triển cho du lịch và điện ảnh Việt Nam vươn xa trong tương lai.