• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận thực tiễn, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” để đổi mới cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa

Thời sự 26/02/2022 22:33

(Tổ Quốc) - Chiều tối 26/2, tại thành phố Bắc Ninh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã làm việc với tỉnh Bắc Ninh về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. Tiếp và làm việc với đoàn có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan; Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận thực tiễn, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” để đổi mới cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Đi đầu trong triển khai chủ trương, cơ chế chính sách về VHTTDL

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, trong những năm qua tỉnh Bắc Ninh là địa phương đi đầu cả nước trong việc sớm ban hành và triển khai thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách về VHTTDL.

Trên lĩnh vực văn hoá, ông Vương Quốc Tuấn cho hay, toàn tỉnh hiện có 1.589 di tích trong đó có 643 di tích được xếp hạng gồm 4 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 204 di tích xếp hạng quốc gia, 435 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 14 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận thực tiễn, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” để đổi mới cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa - Ảnh 2.

Ông Vương Quốc Tuấn - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh báo cáo tại buổi làm việc.

"Những năm qua tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ kinh phí tu bổ chống xuống cấp gần 700 lượt di tích với kinh phí hàng trăm tỉ đồng. Riêng giai đoạn từ năm 2011-2022, Sở VHTTDL thực hiện 22 dự án trùng tu, tu bổ các di tích, tổng kinh phí trên 450 tỉ đồng. Ngoài ra các địa phương còn huy động từ nguồn vốn xã hội hóa hàng ngàn tỉ đồng để thực hiện cho công tác tác tu bổ, chống xuống cấp di tích", Phó Chủ tịch thường trực Vương Quốc Tuấn thông tin.

Đến năm năm 2021, tỷ lệ gia đình văn hóa của tỉnh đạt 92,7%. Về thể thao, tỉnh Bắc Ninh là 1 trong 12 địa phương có VĐV tham dự Olympic Tokyo 2020. Lĩnh vực Du lịch cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt, tỉnh đã tập trung gắn kết giữa du lịch và văn hóa với mục tiêu biến nguồn lực di sản văn hóa thành tài sản vật chất. Đến nay, toàn tỉnh có 14 di tích được công nhận là điểm du lịch.

Phát huy giá trị du lịch văn hóa không có tỉnh nào lợi thế như Bắc Ninh

Theo Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một trong những địa chỉ quen thuộc đối với Bộ. Thời gian qua, Bộ đã có nhiều chương trình phối hợp với tỉnh tổ chức tại Nhà hát này. Thời gian tới, Nhà hát tăng cường bảo vệ các bản phối cổ của Quan họ cũng như quan tâm truyền bá cho các thế hệ tiếp theo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận thực tiễn, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” để đổi mới cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa - Ảnh 3.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại buổi làm việc.

Đối với nghề tranh dân gian Đông Hồ, Thứ trưởng cho biết, cùng với tranh sơn mài, đây là hai thương hiệu quốc gia đã được đăng ký bản quyền. Tỉnh cần chỉ đạo xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới để tăng cường quảng bá nhằm phát huy hết tiềm năng của nghề tranh dân gian Đông Hồ.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, Bắc Ninh có 4 di tích văn hóa quốc gia đặc biệt, hơn 200 di tích quốc gia, 14 bảo vật quốc gia, 4 di sản văn hóa được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể. Không phải địa phương nào cũng có được những tài nguyên văn hóa lớn như này. Phát huy giá trị du lịch văn hóa không có tỉnh nào lợi thế như Bắc Ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận thực tiễn, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” để đổi mới cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa - Ảnh 4.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nêu ý kiến tại buổi làm việc.

Theo Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn: "Qua khảo sát thực địa tại Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, chúng tôi thấy được tỉnh rất quan tâm đến cơ sở vật chất cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, thời gian tới tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện, nâng số lượng biên chế cho Nhà hát nghệ thuật của tỉnh để đáp ứng chuyên môn, vận hành tốt nhất cơ sở vật chất lớn đã đầu tư".

"Nhìn tận mắt, sờ tận tay" để đổi mới cách tiếp cận

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ phấn khởi vì được về làm việc với Lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bắc Ninh nhân dịp kỷ niệm 190 năm thành lập và 25 năm tái lập tỉnh, cũng như được tham quan, khảo sát thực tiễn, điều nghiên để xây dựng một số Đề án lớn mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.

Bộ trưởng cho biết, là cán bộ trưởng thành từ địa phương nên ông rất hiểu những khó khăn của tỉnh Bắc Ninh trong việc xây dựng tỉnh nhà ngày càng phát triển, giàu mạnh hơn.

"Trong bài phát biểu của Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng như phát động thi đua trong dịp kỷ niệm sáng 26/2 tôi thấy được nội hàm đó là "văn hiến" và "khát vọng". Đó chính là sự bao hàm, điểm mới khi tỉnh đã cụ thể hóa các quan điểm trong Nghị quyết của Đảng, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế" - Bộ trưởng bày tỏ.

Bộ trưởng cũng cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã có sự phát triển về cả thu ngân sách, bộ mặt đô thị, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Ở góc độ văn hóa, chúng tôi rất vui mừng vì tỉnh đã dành nhiều nguồn lực để phát triển văn hóa trong thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận thực tiễn, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” để đổi mới cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa - Ảnh 5.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại buổi làm việc.

"Từ việc mở rộng không gian văn hóa, thiết chế văn hóa, rồi việc xây dựng nơi để phục hồi nghề làm tranh Đông Hồ, xây dựng Nhà hát Dân ca Quan họ để làm điểm nhấn. Tỉnh cũng đã có nhiều cơ chế để hỗ trợ các nghệ nhân say mê bám nghề. Đó là những điều rất đáng mừng" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết, trong đoàn làm việc hôm nay có đại diện Cục Di sản, Cục Văn hóa cơ sở… Mục đích của đoàn công tác là được khảo sát, tiếp cận thực tiễn, "nhìn tận mắt, sờ tận tay" để đổi mới cách tiếp cận, cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa, phát hiện các "điểm nghẽn" để xây dựng cơ chế chính sách bám sát thực tiễn.

Bày tỏ đồng tình với những tồn tại, hạn chế mà tỉnh Bắc Ninh đã nêu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, tỉnh cần đặt ra từng bước đi cụ thể để phát triển. "Chúng ta tập trung nguồn lực để xây dựng các thiết chế nhưng phát huy nguồn lực thiết chế đó như thế nào là điều không hề đơn giản. Xây nhà văn hóa là rất tốt, nhưng để nhà văn hóa hoạt động thường xuyên đó mới là điều cần quan tâm. Từ đó đặt ra bài toán giữa đầu tư thiết chế và khai thác sử dụng" - Bộ trưởng bày tỏ.

Cũng theo Bộ trưởng, văn hóa được tiếp cận theo nghĩa rộng, tác động đến nhiều ngành, nhưng văn hóa phải bắt nguồn từ cơ sở, từ gia đình, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp…"Vừa qua, tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa của tỉnh đạt trên 90%, đó là điều rất đáng mừng. Nhưng trong năm nay, tôi đề nghị tỉnh chỉ đạo Sở VHTTDL cụ thể hóa đề án năm môi trường văn hóa cơ sở. Môi trường văn hóa phải được làm điểm, trong đó, phải tập trung xây dựng những mô hình làng văn hóa tiêu biểu trong việc giữ gìn dân ca quan họ, gia đình không có bạo lực gia đình, sẵn sàng tham gia các hoạt động văn hóa do địa phương phát động" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, tỉnh cần làm việc với các Tập đoàn, nhà đầu tư để xây dựng các thiết chế văn hóa trong khu công nghiệp. Việc này cũng giúp cho các công nhân được đảm bảo nhu cầu về hưởng thụ văn hóa. Bộ VHTTDL đã ký kết với Tổng Liên đoàn lao động 12 chỉ tiêu, chúng tôi hy vọng tỉnh triển khai 2 chỉ tiêu về trách nhiệm pháp luật và có trách nhiệm xã hội đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Có như vậy mới giúp cho doanh nghiệp đi theo hướng doanh nghiệp, doanh nhân văn hóa.

Cần giải được bài toán về Du lịch

Một bài toán về du lịch mà tỉnh Bắc Ninh cần nghiên cứu mà Bộ trưởng lưu ý đó là, tỉnh hiện mới chỉ thấy tiềm năng về phát triển du lịch, còn thực hành, phát triển như thế nào đó là câu chuyện mà Lãnh đạo tỉnh cần trăn trở, suy nghĩ.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận thực tiễn, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” để đổi mới cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa - Ảnh 6.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: "Bắc Ninh có lợi thế lớn khi là một trong những cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội".

Bộ trưởng cho rằng, Bắc Ninh có lợi thế lớn khi là một trong những cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, vai trò liên kết giữa Hà Nội và Bắc Ninh cần phải tính toán lại để kết nối giữa văn hiến Kinh Bắc và Thủ đô ngàn năm văn hiến. "Liệu chúng ta có thể đưa ra được ngày Hà Nội - Bắc Ninh hay không, có ngày Quan họ giữa Thủ đô hay không?" - Bộ trưởng gợi mở, đồng thời đề nghị Lãnh đạo tỉnh giao cho Sở VHTTDL làm việc với Tổng cục Du lịch để xây dựng mô hình du lịch MICE, để Bắc Ninh trở thành nơi tổ chức hội nghị, hội thảo lớn.

"Thành phố Bắc Ninh rất đẹp, nơi đây hoàn toàn có thể trở thành nơi tổ chức những sự kiện lớn của đất nước, nếu thực hiện thành công mô hình này sẽ mang lại nguồn thu rất lớn cho địa phương. Những danh lam thắng cảnh, những di tích, di sản văn hóa của địa phương cũng sẽ bổ trợ rất nhiều cho mô hình du lịch này" - Bộ trưởng gợi ý.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh Bắc Ninh cần đẩy mạnh Cuộc vận động Toàn dân rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại. Cần phải chú ý nhiều hơn đến các thiết chế thể thao để thu hút tổ chức các giải đấu thể thao quy mô lớn. "Tổng cục Thể dục thể thao cần chỉ đạo Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh các HLV thể thao hướng dẫn việc tập luyện thể thao cho nhân dân. Thiết kế ra các bài tập cho các lứa tuổi để đưa lên các phương tiện truyền thông giúp nhân dân dễ tiếp cận" - Bộ trưởng yêu cầu.

Về vấn đề công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta chưa thể phát triển nhanh và mạnh như Hàn Quốc nên cần phải chọn làm trọng tâm, trọng điểm. Đối với địa phương, tỉnh nên chọn hai lĩnh vực đó là nghệ thuật biểu diễn tập trung vào dân ca Quan họ và sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ như tranh Đông Hồ. Bộ VHTTDL sẽ hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh trong việc định hướng và xây dựng công nghiệp văn hóa.

Bắc Ninh sẽ lần đầu tiên ban hành Nghị quyết riêng về Văn hóa

Cảm ơn những ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng như đoàn công tác của Bộ VHTTL, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan khẳng định, tỉnh luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế đi đôi với văn hóa, an sinh xã hội. Tỉnh đã có nhiều chính sách trong phát triển lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dù vậy vẫn chưa phát huy được hết các tiềm năng lợi thế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận thực tiễn, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” để đổi mới cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa - Ảnh 7.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi làm việc.

Bà Đào Hồng Lan kỳ vọng, những gợi mở của Lãnh đạo Bộ VHTTDL tại buổi làm việc sẽ giúp địa phương tháo được "nút thắt" để phát huy được bề dày văn hóa truyền thống của tỉnh Bắc Ninh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Tiếp cận thực tiễn, “nhìn tận mắt, sờ tận tay” để đổi mới cách làm, chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý văn hóa - Ảnh 8.

Lãnh đạo Tỉnh Bắc Ninh tặng quà lưu niệm cho Lãnh đạo Bộ VHTTDL.

Bà Đào Hồng Lan cũng chia sẻ thêm, tỉnh đã giao cho ngành Văn hóa xây dựng Nghị quyết về phát huy giá trị văn hóa Kinh Bắc. Đây sẽ là Nghị quyết riêng của tỉnh về văn hóa. Các ý kiến tại buổi làm việc giúp tỉnh rất nhiều trong việc định hướng xây dựng Nghị quyết quan trọng này.

Trong quá trình xây dựng và phát triển địa phương nhất là lĩnh vực VHTTDL, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh mong muốn Bộ VHTTDL tiếp tục đồng hành, hỗ trợ địa phương./.

Thế Công - Ảnh: Minh Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ