(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã giải trình, làm rõ hơn các vấn đề về quản lý ngành, giải đáp băn khoăn mà các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội.
"Giáo dục và đào tạo có liên quan đến mọi người, mọi nhà, trong đó có những vấn đề mà nhận thức ra rồi nhưng khắc phục cũng cần phải có thời gian và có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của toàn dân", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mở đầu phần phát biểu của mình.
Nói về việc tổ chức thi, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo yêu cầu: "Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
Thực hiện Nghị quyết 29, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động (Nghị quyết 44), trong đó xác định "Đổi mới việc tổ chức thi, công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học tiến tới tổ chức một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh đào tạo nghề và đại học, cao đẳng... Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện theo đúng chủ trương này và có lộ trình.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đây là kỳ thi Bộ cân nhắc rất nhiều trong các phương án. Công tác chuẩn bị đề thi là vô cùng quan trọng và Bộ đã rất cố gắng, sau từng năm đều cải thiện, nâng cao tốt hơn. Công tác bảo mật đề thi bằng công nghệ phần mềm cũng được chú trọng, bên cạnh đó là khâu tổ chức chấm thi, thanh tra và các công tác khác.
Mục tiêu đặt ra là giảm áp lực, đỡ tốn kém cho xã hội thì điều đó đã được chứng minh rõ, nhiều phụ huynh, học sinh đón nhận phương án này. Tính khách quan, trung thực, đổi mới qua phương pháp trắc nghiệm cũng đã được thể hiện khá rõ, tỷ lệ quay cóp giảm rất nhiều so với trước kia, Bộ trưởng cho hay.
Về độ trung thực, ông cho biết, kỳ thi nào cũng có vi phạm. Khi xảy ra hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, Bộ đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo ngay, cùng với Bộ Công an vào cuộc với quan điểm là "phải làm đến nơi, đến chốn, sai đến đâu xử đến đó". Đến nay, đã chính thức xử lý 11 cán bộ, giáo viên, 151 học sinh và tới đây vẫn tiếp tục chỉ đạo xử lý, tinh thần sai là sửa và sửa nghiêm.
Bộ trưởng cho biết, Bộ đã rà soát lại ngay toàn bộ quy trình thi và chấm thi. Quy trình đầy đủ nhưng một số khâu, đặc biệt là khâu chuẩn bị câu hỏi chuẩn hóa và ra đề thi phải tốt hơn. Về phần mềm, ông thừa nhận chưa lường hết khâu công nghệ để mã hóa code đề thi, đây là một trong những sơ hở. Bộ đã họp toàn bộ các giám đốc sở để bàn về vấn đề này và rút kinh nghiệm. Chính Bộ cũng chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức để rút kinh nghiệm cho kỳ thi sau.
"Qua kỳ thi, chúng tôi cũng rút kinh nghiệm sâu sắc ở chỗ làm sao tăng chất lượng và số lượng câu hỏi thi, tăng tính phân hóa. Đây là mục tiêu chủ yếu, trước hết là để dành cho đánh giá tốt nghiệp trung học phổ thông, đồng thời là cơ sở đánh giá, điều chỉnh nội dung của chương trình, do vậy duy trì kỳ thi là cần thiết", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết.
Theo ông, năm tới vẫn tiếp tục ổn định kỳ thi này, mục tiêu ra đề thi bám sát trình độ phổ thông, trong đó có phân hóa ở mức độ cần thiết, trên cơ sở đó các trường đại học, cao đẳng làm cơ sở xét tuyển đầu vào.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Một bộ sách giáo khoa gây cứng nhắc
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội, Chính phủ đã giao Bộ GDĐT xây dựng chương trình, tổ chức biên soạn SGK để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, trong đó có 1 bộ SGK được sử dụng trong cả nước và giao cho Bộ biên soạn. Bộ đã giao việc biên soạn, in ấn, phát hành cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ sách đã giúp cho giáo viên từ các vùng khác nhau, trình độ khác nhau cũng có thể dạy ổn định. Tuy nhiên, việc chỉ có một bộ sách cũng có nhiều bất cập. Vì duy nhất một bộ sách cho nên rất nhiều thầy cô phụ thuộc vào SGK, dập khuôn máy móc trong quá trình giảng dạy.
Thứ hai, vì SGK hiện hành chưa khai thác được trí tuệ của nhiều tập thể, tầng lớp nhân dân, trí thức nên Quốc hội thống nhất khi đổi mới chương trình cần có nhiều SGK để khắc phục bất cập. Tới đây khi thực hiện 1 chương trình, nhiều bộ SGK sẽ có thể xảy ra tình trạng chất lượng các bộ sách không đồng đều do trình độ khác nhau giữa các nhà xuất bản. Giáo viên các vùng miền dạy sẽ khác nhau. Cho nên Nghị quyết 88 đã quyết định giao cho Bộ chủ động xây dựng 1 bộ sách, sau đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện cùng tham gia. Ở đây mỗi một phương án có điểm hợp lý và chưa hợp lý. Nhưng đổi mới lần này chúng ta có cách tiếp cận rất căn bản.
Trước kia đổi mới từ sách giáo khoa, bây giờ xây dựng chương trình, dựa vào chương trình tổng thể và chương trình các môn học, sau đó mới viết sách giáo khoa. Như vậy sách giáo khoa là tài liệu quan trọng để thể hiện phương án mục tiêu giáo dục. Bên cạnh đó cho phép sử dụng một số học liệu khác theo phương thức quốc tế.
Khi thiết kế SGK đã chú ý tạo điều kiện để thầy, cô chủ động sáng tạo, đổi mới phương pháp và linh hoạt trong giảng dạy. Bởi vì thiết kế chương trinh có 80% là khung thống nhất toàn quốc còn 20% là đặc điểm vùng miền, địa phương, qua đó tạo ra sự linh hoạt mà vẫn tiếp cận được với quốc tế.
Khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để thể hiện các phương pháp dạy học tích cực, tăng tính tương tác giữa người học và sách nên trong SGK có thiết kế các thí nghiệm kèm theo bảng các đại lượng cần đo (bảng trống chưa điền số liệu) nhằm hướng dẫn học sinh cách tiến hành thí nghiệm; các bài tập đa dạng về hình thức (trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi, tô màu…) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy, hướng dẫn học sinh tự học, làm quen với các dạng bài tập khác nhau (đặc biệt là vào thời điểm đó nước ta mới bước đầu tiếp cận với các dạng bài tập trắc nghiệm). Đây là xu thế đổi mới phương pháp dạy học và biên soạn SGK ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Bộ GDĐT cũng hướng dẫn cô - trò để hạn chế chứ không phải cấm viết vào sách giáo khoa, tuy nhiên thực hiện chưa được triệt để.
Tới đây khi biên soạn sách giáo khoa phổ thông mới sẽ khắc phục được hạn chế này nhằm tránh lãng phí.