(Tổ Quốc) - Đó là nhận định của Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo sau ngay sau lễ ký Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU).
Cụ thể, trả lời câu hỏi của báo chí, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc ký kết hai Hiệp định EVFTA và EVIPA đã đưa Việt Nam lên một tầm cao mới, xứng đáng là đối tác chiến lược của EU. Sau khi hiệp định EVFTA được ký kết, xuất khẩu, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
Hiệp định sẽ tạo ra những nền tảng quan trọng, góp phần nâng cao mối quan hệ Việt Nam - EU. Theo Bộ trưởng, đây là hiệp định thương mại thế hệ mới, với những yêu cầu cao hơn, trải rộng trong tất cả các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, bao gồm cả mua sắm chính phủ, đầu tư công..
Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh, để khai thác tốt cơ hội do Hiệp định mang lại thì các doanh nghiệp cần tập trung chủ động nghiên cứu, nắm bắt các nội dung của Hiệp định.
Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh, để khai thác tốt cơ hội do Hiệp định mang lại thì các doanh nghiệp cần tập trung chủ động nghiên cứu, nắm bắt các nội dung của Hiệp định. Doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam có quy mô nhỏ hơn nên sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn trong nắm bắt cơ hội.
Nhận định EVFTA là hiệp định ở mức độ cao, sẽ mang lại đóng góp cho xuất nhập khẩu, tăng trưởng thương mại có thể lên tới 20% trong những năm đầu tiên, doanh nghiệp sẽ thuận lợi trong việc cắt giảm thuế quan... nhưng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra rằng, châu Âu là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, thực thi pháp luật về đầu tư. Do đó, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu để tổ chức lại, đảm bảo năng lực cạnh tranh, phát triển phù hợp với thị trường châu Âu.
Cao uỷ Thương mại của EU, bà Cecilia Malmstrom nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong việc tận dụng những ưu đãi của EVFTA.
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí về tổ chức thực thi, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận tồn tại là có tới hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chưa nắm được nhiều về Hiệp định EVFTA với EU. Đây là quá trình thực tế. Thông tin cụ thể về hội nhập chưa có sự lan toả kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp.
"Chính vì vậy, tôi cho rằng, bên cạnh những nguyên nhân và tồn tại khác thì đây là vấn đề lớn mà chúng ta phải quan tâm và trong thời gian tới phải khắc phục vấn đề này. Mục tiêu cao nhất của Chính phủ là từng người dân, từng doanh nghiệp phải là chủ thể, là người hưởng lợi của quá trình hội nhập...Tới đây, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch hành động thực hiện sẽ ưu tiên tổ chức cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, rút kinh nghiệm công việc tổ chức truyền thông cho các hiệp định trước đây, để đưa những thông tin hội nhập EVFTA đi vào thực chất", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đề cập đến doanh nghiệp, Cao uỷ Thương mại của Liên minh châu Âu, bà Cecilia Malmstrom cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong việc tận dụng những ưu đãi của EVFTA.
Theo bà, Hiệp định tạo ra điều kiện thuận lợi hơn, tốt hơn cho các doanh nghiệp, đảm bảo rằng các trở ngại trước đây sẽ được gỡ bỏ, tạo ra môi trường thuận lợi hơn. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn là của chính các doanh nghiệp, đưa ra quyết định có đầu tư hay không cũng là các doanh nghiệp.
Trước đó, phát biểu tại lễ ký kết Hiệp định, bà Cecilia Malmetrom cũng chia sẻ rằng, EVFTA là cột mốc quan trọng, thể hiện hợp tác lâu dài giữa hai bên. EVFTA sẽ gần như xoá bỏ tất cả những dòng thuế, sẽ giảm chi phí, quan liêu mà doanh nghiệp phải đối mặt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).