(Tổ Quốc) - Theo CNN, việc Ấn Độ cuối tuần qua quyết định áp thuế quan mới đối với hàng hóa Mỹ đã leo thang một cuộc chiến thương mại dường như không đáng và có thể gây tác dụng ngược.
Thuế của Ấn Độ đối với 28 sản phẩm của Mỹ, bao gồm hạnh nhân, táo và một số hóa chất đã có hiệu lực vào Chủ nhật. Trong khi New Delhi nói rằng mức thuế tăng cao là để trả đũa thuế quan của Mỹ đối với thép và nhôm áp đặt vào năm ngoái, thì New Delhi còn nhiều điều đáng lo ngại hơn.
"Quyết định trả đũa của Ấn Độ bằng mức thuế cao hơn ... là một tính toán sai lầm chiến lược", Priyanka Kishore, một chuyên gia tại Oxford Economics, đã viết trong một ghi chú hôm thứ Hai. "Một lập trường cứng rắn như vậy trong các cuộc đàm phán thương mại của Ấn Độ với Mỹ có thể gây hại nhiều hơn là mặt lợi", bà nói thêm.
Mỹ từ lâu đã không hài lòng về thâm hụt thương mại với Ấn Độ. (Nguồn: CNN)
Giống như Trung Quốc, Ấn Độ bán nhiều hàng cho Mỹ hơn là mức mua vào. Dekhi nhập khẩu hàng hóa trị giá 33 tỷ USD năm ngoái, trong khi xuất khẩu trị giá 54 tỷ USD.
Điều đó mang lại cho Washington một không gian mục tiêu lớn hơn nhiều, nếu nước này chọn đáp trả Ấn Độ.
"Nếu Mỹ chọn đáp trả bằng thuế đối với hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động như đá quý, trang sức và dệt may, [hoặc] nhiều rào cản hơn đối với các dịch vụ CNTT, điều đó sẽ gây thiệt hại lớn hơn cho triển vọng kinh tế của Ấn Độ", Kishore nói.
Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ, cũng như mức thuế cao của Ấn Độ đối với các sản phẩm như xe máy và rượu.
Sự hạn chế trong động thái của Ấn Độ - khi nước này cho biết hàng hóa được nhắm mục tiêu chỉ trị giá khoảng 240 triệu USD - có nghĩa là mức thuế mới chủ yếu mang tính biểu tượng.
"Tôi nghĩ đó là một tín hiệu phát ra từ Ấn Độ ... rằng chúng tôi sẽ hành động", theo Rajat Kathuria, giám đốc Hội đồng nghiên cứu Ấn Độ về Quan hệ kinh tế quốc tế - một tổ chức tham vấn có trụ sở tại New Delhi.
Điều này cũng thể hiện một sự thay đổi đáng kể về cách tiếp cận của Thủ tướng Narendra Modi, người gần đây đã được bầu vào nhiệm kỳ thứ hai bằng một tỉ lệ phiếu áp đảo. Chính phủ Modi lần đầu tiên tuyên bố việc tăng thuế trên một năm trước, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, nhưng liên tục trì hoãn khi hai bên tổ chức một loạt các cuộc đàm phán để cố gắng tìm giải pháp.
Ấn Độ có một số lợi thế có thể tận dụng. Các doanh nghiệp Mỹ ưa chuộng thị trường rộng lớn của Ấn Độ, đặc biệt là ngành bán lẻ khổng lồ và hệ thống 600 triệu người dùng internet -nơi các công ty như Amazon (AMZN), Walmart (WMT), Google (GOOGL) và Facebook (FB) đã đổ vào hàng tỷ USD.
Nhưng Delhi không có "hỏa lực" tương đương với nước láng giềng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đã áp thuế vào lượng hàng hóa Mỹ trị giá 110 tỷ USD.
"Nếu tình hình này leo thang, chúng tôi sẽ không có vị trí đàm phán mà Trung Quốc có", bà Kathuria nói.
Theo CNN, điều Ấn Độ không muốn là một cuộc chiến thương mại gây thiệt hại.
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ giảm xuống 5,8% trong quý 1 - tốc độ chậm nhất trong hai năm - có nghĩa là Ấn Độ mất danh hiệu nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới vào tay Trung Quốc.