• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bóc tách chiến thuật “gây bão” của Triều Tiên

Thế giới 17/05/2018 08:30

(Tổ Quốc) - Tại sao Bình Nhưỡng đột ngột đe doạ rút khỏi cuộc gặp gỡ được kỳ vọng giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên?

Hôm thứ Tư (16/5), Nhà Trắng bày tỏ hy vọng rằng, cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump sẽ vẫn sẽ tiếp diễn như kế hoạch, bất chấp việc Bình Nhưỡng mới đây đe doạ sẽ huỷ bỏ gặp gỡ trước áp lực của Mỹ muốn quốc gia châu Á từ bỏ hạt nhân.

Những phát biểu của Triều Tiên về sự kiện được kỳ vọng – dự kiến tổ chức vào ngày 12/6 tại Singapore, là dấu hiệu rắc rối đầu tiên sau nhiều tuần ngập tràn không khí hữu nghị.

“Chúng tôi vẫn hy vọng, cuộc gặp sẽ diễn ra và chúng ta sẽ tiếp tục cuộc hành trình đã định,” Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói với Fox News. “Cùng lúc... chúng tôi đã chuẩn bị rằng, có thể sẽ có đàm phán khó khăn”.

Bà Sanders cho biết thêm: “Ngài Tổng thống sẵn sàng nếu cuộc gặp diễn ra. Nếu không, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến dịch gây sức ép tối đa như ở hiện tại”.

Trước đó cùng ngày, trong một thông cáo có phần giận dữ, Triều Tiên cảnh báo, họ có thể rút khỏi cuộc gặp thượng đỉnh nếu Mỹ ép Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. 

“Nếu nước Mỹ cố gắng dồn chúng tôi vào góc để ép chúng tôi đơn phương từ bỏ [chương trình hạt nhân], chúng tôi sẽ không quan tâm đến những cuộc đối thoại như vậy nữa”, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye-gwan tuyên bố. Theo ông Kim, trong trường hợp đó, Bình Nhưỡng sẽ “cân nhắc” việc tham dự hội nghị tại Singapore vào tháng sau.

Ngài Thứ trưởng cũng chỉ trích Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton vì đã đặt Triều Tiên và Libya cạnh nhau, và gọi sự so sánh này là “hoàn toàn lố bịch”. “Chúng tôi không hề che giấu cảm giác chán ghét với ông Bolton,” ông Kim nói.

Cố vấn Bolton đã đưa ra ý kiến về một thoả thuận với Triều Tiên tương tự như những gì Mỹ đã đạt được với cựu lãnh đạo người Libya, ông Muammar Gaddafi. Năm 2003, ông Gaddafi đã đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân và vũ khí hoá học, để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt cho đất nước Libya. Sau đó, chính trị gia này đã bị thiệt mạng trong một cuộc nổi dậy vào năm 2011.

Washington đang gây sức ép để có được một quá trình giải giáp hạt nhân toàn diện, đáng tin cậy và không thể quay ngược của Triều Tiên. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng không hề nói rõ họ sẽ thực sự làm gì ngoài lời cam kết vì một bán đảo Triều Tiên không có bóng dáng hạt nhân.

Ông Kim Kye-gwan khẳng định, Triều Tiên “đã nhiều lần làm rõ rằng, điều kiện tiên quyết để giải giáp hạt nhân là dừng chính sách thù địch chống Triều Tiên và những đe doạ hạt nhân từ phía Mỹ”.

Trong quá khứ, Bình Nhưỡng đã yêu cầu Mỹ rút quân đội khỏi Hàn Quốc và kết thúc lời bảo hộ hạt nhân cho đồng minh châu Á.

Tuyên bố mới đây của Bình Nhưỡng là sóng gió đầu tiên nổi lên, sau nhiều tuần ngập tràn tích cực trên bán đảo Triều Tiên

Lời kêu gọi từ Trung Quốc

Còn Trung Quốc, đồng minh lớn gần như duy nhất của Triều Tiên, vẫn kêu gọi cuộc gặp thượng đỉnh diễn ra theo đúng kế hoạch.

“Tình huống trên bán đảo đã giảm căng thẳng, và điều này cần phải được coi trọng,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lu Kang nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

Ngoài ra, Thứ trưởng Triều Tiên cũng gạt bỏ lời đề nghị của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo là, Mỹ sẽ cung cấp viện trợ kinh tế nếu Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân.

“Chúng tôi chưa từng có bất kỳ mong đợi gì vào sự hỗ trợ của Mỹ trong việc tiến hành xây dựng kinh tế và sẽ không đồng ý với những thoả thuận như vậy trong tương lai,” ông Kim nhấn mạnh.

Ngoại giao giằng co

Trước khi Bình Nhưỡng tung lời cảnh báo, bán đảo Triều Tiên đã có những tuần tràn đầy lạc quan với cuộc gặp gỡ lịch sử giữa các nhà lãnh đạo hai miền Nam – Bắc, cũng như hai chuyến công du tới Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình của ông Kim Jong-un.

Hy vọng càng được gia tăng khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phá bỏ bãi thử nghiệm hạt nhân trong tuần sau.

Giới phân tích nhận định, Triều Tiên có thể đang cố gắng định hình các điều khoản của cuộc đàm phán.

“Đó là một chiến thuật ngoại giao,” ông Kim Hyun-wook, Giáo sư tại Viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc, đánh giá, đồng thời gọi đó là “chính sách bên miệng hố chiến tranh để thay đổi lập trường của Mỹ”.

“Có vẻ như Kim Jong-un bị đẩy vào thế phải chấp nhận các yêu của của Mỹ “giải giáp hạt nhân trước tiên”, nhưng giờ đây họ đang cố gắng thay đổi lập trường của mình sau khi bình thường hoá quan hệ Triều Tiên – Trung Quốc, và có được những hỗ trợ về kinh tế”, Giáo sư Kim nói. “Màn giằng co ngoại giao kinh điển giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu”

Trong khi đó, giới chức Mỹ vẫn thường khăng khăng rằng, chính sách “gây sức ép tối đa” của Washington là một trong những nguyên nhân chính đưa Bình Nhưỡng ngồi vào bàn thương lượng.

Theo chuyên gia Joshua Pollack của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, Bình Nhưỡng thấy khó chịu bởi “giọng điệu mang tính chiến thắng” của người Mỹ. “Triều Tiên không hạnh phúc với những gì họ đang nhìn thấy và nghe thấy,” ông Pollack nói. “Vẫn có một khoảng cách lớn trong kỳ vọng ngoại giao giữa Bình Nhưỡng và Washington, D.C.”

Tâp trận chung Mỹ - Hàn Quốc

Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cũng tuyên bố, cuộc tập trận chung Max Thunder do Mỹ và Hàn Quốc đồng tổ chức là “một sự khiêu khích thô lỗ và quỷ quyệt”. Còn Seoul cũng tiết lộ, họ đã nhận được một thống báo huỷ bỏ “vô thời hạn”các cuộc gặp gỡ cấp cao theo kế hoạch.  

Bắt đầu vào Thứ Sáu (11/5) và kéo dài hai tuần, tập trận Max Thunder có sự tham gia của khoảng 100 phi cơ chiến đấu của Mỹ và Hàn Quốc, bao gồm cả máy bay tàng hình F-22.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert chia sẻ với giới phóng viên, cơ quan này vẫn chưa nhận được “thông báo” nào về việc thay đổi lập trường từ Tiều Tiên, liên quan tới cuộc gặp thượng đỉnh tháng sau. Ngoài ra, các hoạt động tập trận không mang tính chọc tức, và vẫn sẽ được tiếp tục, bà Nauert khẳng định.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ