(Tổ Quốc) - Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu và các bên chủ chốt trong thỏa thuận hạt nhân Iran ngày 18/1 đã gửi đi một thông điệp đoàn kết tới Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump rằng: Thỏa thuận này đang có hiệu quả và cần được duy trì nhằm không đẩy Tehran tới con đường phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố sau một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc thực hiện thỏa thuận này từ năm 2015 nhấn mạnh tính chất lịch sử và sự thành công của thỏa thuận này sau năm đầu tiên thực hiện.
Đi vào thực tế
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử, được đàm phán giữa Iran và sáu cường quốc thế giới - Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức và được kí kết tháng 7/2015, đã áp đặt giới hạn về chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc.
Văn bản này, nhận được sự ủng hộ của hơn 100 quốc gia trên thế giới, cũng đã được đưa vào một nghị quyết ràng buộc pháp lý của Liên Hợp Quốc.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini – người đã thúc đẩy thỏa thuận này, ca ngợi đây là "một thành tựu lớn" và nói rằng tất cả những người tham gia đã hoàn thành cam kết của mình, và rằng sự gia tăng "đáng kinh ngạc 63%" trong thương mại EU-Iran trong ba quý đầu năm 2016 là minh chứng cho thấy hiệu quả của việc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế.
Thỏa thuận này đang phát huy hiệu quả, Đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power cũng nhấn mạnh, chỉ vào những thành tựu như: lò phản ứng plutonium chính của Iran tại Arak nay được dỡ bỏ. Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc cũng xác nhận rằng Iran đã tháo dỡ hai phần ba số máy ly tâm và đã di dời 98% uranium được làm giàu. Số uranium còn lại của Iran cũng đang được theo dõi sát sao.
Lời nhắn giờ chót tới Trump
Trong khi ông Trump không được nêu tên, thông điệp của các quan chức thể hiện rõ ràng ý định gửi tới nhà lãnh đạo mới của Mỹ - sẽ nhậm chức vào ngày 20/1 – người đã mạnh mẽ chỉ trích thỏa thuận Iran.
Trước đó ông Trump đã nhiều lần chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran - một di sản quan trọng của ông Obama sau hai nhiệm kỳ Tổng thống. (Nguồn: AP) |
Jeffrey Feltman - Phó Tổng Thư ký LHQ về vấn đề chính trị nói với Hội đồng Bảo an rằng thỏa thuận hạt nhân này "là minh chức tốt cho thấy sự kiên trì, quyết tâm về chính trị và hoạt động ngoại giao đa phương có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp nhất."
"Điều bắt buộc là các bên tham gia, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn tiếp tục ủng hộ việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận đa phương lịch sử này trong toàn bộ thời gian," ông nói. "Việc thực thi thỏa thuận này một cách toàn diện và bền vững đảm bảo rằng chương trình hạt nhân của Iran vẫn là đi đúng mục đích hoà bình."
Bà Mogherini cũng nhấn mạnh trong tuyên bố rằng "thực hiện (thỏa thuận Iran) là một nhiệm vụ thường xuyên và chúng tôi hy vọng sự chấp hành thỏa thuận đầy đủ và hiệu quả trong suốt thời gian ghi trong thỏa thuận." Một số giới hạn về các hoạt động hạt nhân của Tehran sẽ hết hạn trong vòng hơn một thập kỷ tới.
Bà Samantha Power, có thể là trong lần xuất hiện cuối cùng tại Hội đồng Bảo an, cho biết thỏa thuận này "cho thấy tầm quan trọng “một mất một còn” của chính sách ngoại giao kiên quyết."
Tín hiệu chưa rõ
Trong khi tất cả các bên liên quan đã khẳng định lại cam kết của họ đối với hiệp định này, tuy nhiên, sự ủng hộ của Mỹ trong tương lai vẫn còn là một câu hỏi. Tổng thống Barack Obama đã cảnh báo chính quyền Trump rằng hiệp định này không thể dễ dàng bị hủy bỏ và điều đó có thể đưa tới xung đột.
Dù Mỹ vẫn lên án những hành động được cho là hỗ trợ cho các nhóm khủng bố của Tehran, "những thách thức chúng ta đối mặt với Iran sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu Iran đứng trên ngưỡng cửa phát triển vũ khí hạt nhân", ông Obama nhận định.
Ông Trump vẫn thường lên án thỏa thuận hạt nhân này, và trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Times of London và tờ Bild của Đức, ông tiếp tục những chỉ trích rằng, "Tôi không hài lòng với thỏa thuận Iran, tôi nghĩ rằng đây là một trong những thỏa thuận tồi tệ nhất được thực hiện."
Tuy nhiên, ông từ chối cho biết liệu có ý định "đàm phán lại" thỏa thuận này hay không.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hôm thứ ba đã nói với các phóng viên rằng thỏa thuận này mang lại lợi ích cho Hoa Kỳ, nhưng Trump "không hiểu được điều này." Ông bác bỏ những nhận xét của ông Trump nói rằng "Tôi không nhìn thấy thỏa thuận này đang được thực hiện trong thực tế."
Bất chấp những lời chỉ trích của ông Trump, chính sách sắp tới đối với thỏa thuận Iran từ chính quyền mới vẫn chưa rõ ràng.
Một trong những ứng cử viên hàng đầu trong nội các của ông Trump, tướng về hưu Marine James Mattis, cho biết tuần trước rằng nếu được chính thức bổ nhiệm là Bộ trưởng Quốc phòng, ông sẽ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân này.
"Khi Mỹ đưa ra cam kết của mình," ông nói với các thượng nghị sĩ trong buổi một phiên điều trần về vị trí sắp tới trong chính quyền Trump, "chúng ta phải tiếp tục thực hiện và làm việc với các đồng minh của chúng ta."
(Theo AP, AFP)