• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bơm tiền "khủng" vào xét nghiệm Covid-19 hàng loạt, Đan Mạch vượt qua dịch bệnh ra sao?

Thế giới 11/05/2022 14:17

(Tổ Quốc) - Đối với nhiều người trên khắp thế giới, xét nghiệm nhanh chẩn đoán Covid-19 đã trở thành thói quen trong suốt thời gian qua.

Chi phí xét nghiệm đắt đỏ

Sau hai năm dịch bệnh, chuyên gia y tế ở một số nước vẫn cho rằng các chương trình xét nghiệm rất tốn kém và cần xem xét về tính hiệu quả của phương pháp này.

Bơm tiền "khủng" vào xét nghiệm Covid-19 hàng loạt, Đan Mạch vượt qua dịch bệnh ra sao? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AFP

Theo trang SCMP, đất nước đầu tiên phải kể đến là Đan Mạch. Quốc gia vùng Scandinavia được đánh giá là có tỷ lệ xét nghiệm Covid-19 cao nhất thế giới.

"Người dân Đan Mạch đã thực hiện xét nghiệm nhiều hơn so với các quốc gia khác trong đại dịch", ông Jens Lundgren, Giáo sư về các bệnh truyền nhiễm ở Rigshospitale, Đại học Copenhagen đồng thời là thành viên của Ban Cố vấn chính phủ cho biết.

Trong hai năm qua, mặc dù dân số Đan Mạch, ước tính khoảng 5,8 triệu, nhưng đã thực hiện xét nghiệm hơn 127 triệu mẫu bằng phương pháp xét nghiệm nhanh hoặc PCR. Tất cả các hình thức xét nghiệm đều miễn phí cho người dân. Theo thống kê của Đan Mạch, nước này đã chi khoảng 2,36 tỷ USD để triển khai chương trình xét nghiệm mở rộng.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng là Na Uy, tương tự với dân số của Đan Mạch, chỉ thực hiện 11 triệu mẫu xét nghiệm PCR. Và con số ở Thụy Điển là khoảng 18 triệu mẫu xét nghiệm PCR mặc dù dân số gấp đôi Đan Mạch.

Christine Stabell Benn, Giáo sư về y tế toàn cầu thuộc Đại học Nam Đan Mạch cho rằng chiến lược xét nghiệm toàn dân của Đan Mạch rất tốn kém và kết quả chưa được thống kê cụ thể trong tài liệu.

"Cách tiếp cận xét nghiệm hàng loạt làm mất đi sự tập trung vào các trường hợp rủi ro cao", ông Christine Stabell Benn cho biết.

Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, một số chuyên gia và chính phủ Đan Mạch khẳng định xét nghiệm trên diện rộng sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và giúp người dân nhanh hòa nhập xã hội, phát triển kinh tế và sức khỏe tinh thần.

"Kinh tế Đan Mạch cũng bị ảnh hưởng ít hơn so với các quốc gia châu Âu khác", một báo cáo của chính phủ công bố vào tháng Chín năm ngoái cho biết.

"Tại Đan Mạch, dịch bệnh không ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống người dân và nền kinh tế. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, một khi áp dụng lệnh phong tỏa trên diện rộng, kinh tế đất nước sẽ bị tác động nghiêm trọng", Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch Nick Haekkerup cho biết. Nghiên cứu của nước này công bố trong năm ngoái cũng cho rằng chương trình xét nghiệm và cách ly đã giảm mức độ truyền nhiễm bệnh lên tới 25%.

Theo SCMP, dựa trên các thống kê về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, Nhật Bản vừa có khả năng tránh được xu hướng xét nghiệm hàng loạt vừa triển khai chống dịch tương đối tốt. Các quốc gia khác như Anh và Tây Ban Nha cũng đã rút lại chương trình xét nghiệm diện rộng. Đến hiện tại, chỉ Trung Quốc vẫn tiếp tục chiến lược chống Covid-19 mạnh mẽ. 

Ở Anh, xét nghiệm Covid-19 miễn phí chỉ ưu tiến cho những người làm trong ngành y tế của chính phủ và những người phải nhập viện. Đối với những người khác, cho dù có triệu chứng đều phải trả phí xét nghiệm hoặc đơn giản là nên ở nhà cho đến khi cảm thấy khỏe hơn.

Tính hiệu quả của xét nghiệm?

Gần đây, một số nghiên cứu tiếp tục triển khai để xác định tính hiệu quả thực sự của phương pháp xét nghiệm này.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào thời điểm đầu tiên, WHO từng kêu gọi "xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm" đối với tất cả các trường hợp nghi nhiễm. Việc quan sát tình hình dịch bệnh trên toàn cầu đã giúp nhà khoa học hiểu thêm về các nguyên nhân rủi ro khiến bệnh phát nặng, tử vong và khả năng lây nhiễm.

"Bởi sự thống trị của biến thể Omicron, sự sẵn sàng của vaccine và phương pháp điều trị hiệu quả hơn, chính phủ các nước gần đây đang cân nhắc thêm về các chiến lược như lấy mẫu xét nghiệm từ người dân", các chuyên gia nhận định.

"Nếu từ bỏ chương trình xét nghiệm có thể khiến thế giới rơi vào mất kiểm soát trước biến chủng mới của virus", một số quan chức nói thêm.

Tạp chí Medical Virology công bố một báo cáo vào cuối tháng Ba liên quan đến việc xét nghiệm nhanh hàng loạt cho những người không có triệu chứng cho biết, chưa khẳng định được "tính chắc chắn" về tác động của phương pháp này.

Theo bà Angela Raffle, giảng viên cao cấp tại Trường Y Đại học Bristol, nhận định rằng xét nghiệm hàng loạt có thể ngăn chặn đỉnh dịch và giảm 90% khả năng truyền nhiễm là không hoàn toàn đúng.

Một số chuyên gia y tế toàn cầu cũng cảnh báo chiến lược xét nghiệm giờ đã không được chú ý nhiều ở nhiều nước vào thời điểm hiện tại.

"Trong một số hoàn cảnh nhất định, khi các nước đã xác định mục tiêu sống chung với Covid-19 thì quá trình triển khai xét nghiệm đã giảm đi. Nếu không xét nghiệm và khi chúng ta mất cảnh giác trước các biến thể mới nguy hiểm hơn thì thế giới rơi có thể rơi vào thảm họa", Giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học McGill, Canada Madhu Pai nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ