(Tổ Quốc) - AP đưa tin, hôm thứ Năm (11/4), các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý trì hoãn thời hạn nước Anh rời khỏi liên minh cho tới dịp lễ Halloween (31/10).
Hai quan chức giấu tên cho biết, các cuộc thảo luận giữa 27 nhà lãnh đạo EU được tiến hành kín, kéo dài hơn 6 giờ và chỉ đạt được thống nhất vào rạng sáng ngày 11/4. Thời hạn mới được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk công bố trên Twitter, sau buổi gặp với Thủ tướng Anh Theresa May. Bà May trước đó yêu cầu kéo dài thời hạn chỉ tới ngày 30/6.
Các nhà lãnh đạo châu Âu có cuộc họp về Brexit vào ngày 10/4 tại Brussels (ảnh: AP)
Một số tỏ ra lạc quan, tuy nhiên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã kịp đưa ra lời cảnh báo. "Không có gì được quyết định", ông Macron nói và yêu cầu bà May phải "làm rõ" nước Anh muốn những gì. "Điều cần thiết là không gì có thể làm tổn hại tới kế hoạch của châu Âu trong các tháng sắp tới".
Bà May tin rằng, thời hạn 30/6 là đủ để Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận Brexit và thông qua các thủ tục pháp lý cần thiết. Tuy nhiên, các nhà lập pháp Anh từng ba lần từ chối bản thỏa thuận mà bà Thủ tướng đề xuất; trong khi những nỗ lực của bà nhằm đạt được một thương lượng với các đối thủ chính trị, lại vẫn chưa có kết quả.
Thủ tướng Anh đã phát biểu trước các nhà lãnh đạo EU trong vòng một giờ trước khi họ ăn tối cùng nhau mà không có bà, để quyết định số phận của London. AP hé lộ, khác với các thượng đỉnh gần đây, hội nghị hôm qua cho thấy một số dấu hiệu về sự nồng ấm và vui vẻ. Bà May và Thủ tướng Đức Angela Merkel thậm chí còn được chụp ảnh đang cười với nhau khi cùng nhìn vào một chiếc iPad.
Những hình ảnh thân thiện giữa Thủ tướng Anh Theresa May và người đồng cấp nước Đức Angela Merkel (ảnh: EPA-EFE)
Một quan chức của Văn phòng Tổng thống Pháp cho hay, nhà lãnh đạo Anh đã không đưa ra đủ các bảo đảm cho một trì hoãn lâu dài. Ông Macron lo ngại, việc Anh ở lại quá lâu sẽ khiến EU bị mất phân tâm khỏi các vấn đề khác, ví dụ như buộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới.
"Tình huống không thỏa thuận là một lựa chọn thực sự", quan chức trên chia sẻ với AP. "Đảm bảo an toàn cho các hoạt động của châu Âu là một ưu tiên hơn so với khả năng không có thỏa thuận".
Một số người khác nhận định, cần thiết phải có sự trì hoãn lâu dài, nhất là trước những bất đồng chính trị sâu sắc hiện tại của nước Anh.
Bà May bày tỏ sẽ chấp nhận một trì hoãn lâu dài, chừng nào nó bao gồm điều khoản cho phép rời đi sớm trong trường hợp London kết thúc cuộc khủng hoảng Brexit của mình. Bà cũng hy vọng, thời điểm đó sẽ đến sớm – vào khoảng ngày 22/5 – nhằm giúp cho London tránh khỏi việc tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu.
Trưởng đoàn đàm phán EU về Brexit Michel Barnier cũng có mặt tại hội nghị ngày 10/4 (ảnh: EPA-EFE)
Đã nhiều tháng trôi qua kể từ khi bà May và EU đạt được một thỏa thuận về sự rời đi của nước Anh và quan hệ tương lai giữa hai bên. Tuy nhiên, đề xuất này đã ba lần bị giới lập pháp Anh từ chối. Khi ngày rời đi ban đầu của Anh (29/3) đã trôi qua mà không có giải pháp nào được đưa ra, EU đặt ra thời hạn thứ Sáu (12/4) để London phê chuẩn kế hoạch rời đi hoặc tìm kiếm thêm một sự trì hoãn khác cho Brexit, thậm chí là rời đi mà không đạt được một thỏa thuận nào.
Nếu thời hạn trì hoãn không kéo dài tới 31/10, Anh sẽ rời liên minh vào ngày 12/4 một cách "trắng tay" trừ khi họ tự hủy bỏ Brexit.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo một Brexit không thỏa thuận sẽ dẫn tới những ảnh hưởng khổng lồ cho thương mại và đi lại cho cả Anh và các nước EU. Đây là điều mà không ai muốn xảy ra.
"Tôi không hy vọng Anh sẽ rời đi vào thứ Sáu này", Thủ tướng Ai-len Leo Varadkar nói. Tuy nhiên, kiên nhẫn của EU đối với London đang ngày càng ít đi.
Một số nhà lãnh đạo cũng cho biết, họ mong muốn có được sự đảm bảo về hành vi tốt từ phía Anh, nhằm đổi lại gia hạn thời gian trì hoãn.
Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, quyết định của các nhà lãnh đạo EU sẽ dựa vào "kế hoạch của bà May hiện giờ là gì để Quốc hội Anh thông qua thỏa thuận Brexit và cách chúng ta có thể chắc rằng trong thời gian đó, Anh vẫn là một đối tác trung thành".
Tương lai của bà Anh dường như cũng phụ thuộc vào các quyết định từ EU.
Họ không muốn rời đi mà không có thỏa thuận, hiện họ không muốn bỏ phiếu cho thỏa thuận. Và tất nhiên, nhiều người, có thể lên tới một nửa dân số, không muốn rời đi một chút nào.
Thủ tướng Ai-len Leo Varadkar
Trước đó bà từng tuyên bố, trong vai trò Thủ tướng, bà không thể đồng ý để Anh ở lại EU sau ngày 30/6, và hứa sẽ từ chức nếu Brexit được thực hiện. Một số nghị sỹ Đảng Bảo thủ muốn bà rời đi ngay bây giờ và để một nhà lãnh đạo mới đảm đương các giai đoạn tiếp theo của Brexit. Tuy nhiên, họ không thể ép buộc bà cho tới cuối năm nay sau khi bà đã qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tháng 12 năm ngoái.
Theo Thủ tướng Ai-len, nước Anh đang ở trong một "vị thế khó khăn". "Họ không muốn rời đi mà không có thỏa thuận, hiện họ không muốn bỏ phiếu cho thỏa thuận. Và tất nhiên, nhiều người, có thể lên tới một nửa dân số, không muốn rời đi một chút nào", ông Varadkar nói.