(Tổ Quốc) - Các nhà lãnh đạo BRICS đã đồng ý mở rộng số lượng thành viên vào nhóm và thông qua các điều kiện gia nhập, nước chủ nhà Nam Phi cho biết hôm thứ Tư (23/8).
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này có chủ đề “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm", cho thấy định hướng của các nước thành viên thúc đẩy hợp tác với Nam bán cầu. Đại diện cho 40% dân số thế giới, các nước BRICS có mong muốn chung về một trật tự toàn cầu phản ánh tốt hơn lợi ích của mình và gia tăng ảnh hưởng trên thế giới.
Những lời kêu gọi mở rộng BRICS, hiện gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cũng chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày ở Johannesburg, theo AFP.
Các quan chức Nam Phi cho biết gần 20 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS - khu vực hiện chiếm 40% dân số thế giới và 1/4 nền kinh tế toàn cầu.
Hôm thứ Tư, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết các nhà lãnh đạo BRICS đã "đồng ý về vấn đề mở rộng" và một thông báo chi tiết sẽ được đưa ra trước khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc vào thứ Năm.
Ông Pandor nói với đài phát thanh Ubuntu Radio của Nam Phi: "Chúng tôi có một tài liệu được cả nhóm thông qua nhằm đặt ra các hướng dẫn và nguyên tắc, quy trình để xem xét các quốc gia mong muốn trở thành thành viên của BRICS. Đây là một tín hiệu rất tích cực."
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh rằng ông ủng hộ việc mở cửa cho các thành viên mới và "hoan nghênh cả nhóm tiến tới với sự đồng thuận".
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng cho biết: "Chúng tôi đang trên đà mở rộng gia đình BRICS".
Khối này đưa ra quyết định bằng sự đồng thuận và không có thành viên mới nào được kết nạp kể từ Nam Phi vào năm 2010.
"Cần sự chuyển đổi"
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong chuyến công du nước ngoài lần thứ hai trong năm nay, cho biết việc mở rộng khối sẽ "tổng hợp sức mạnh của chúng ta (và) tập hợp trí tuệ của chúng ta hướng đến đưa quản trị toàn cầu trở nên công bằng và bình đẳng hơn".
Đứng đầu quốc gia chiếm khoảng 70% tổng GDP BRICS, ông Tập Cận Bình cho biết: "Chúng ta tập hợp lại vào thời điểm thế giới đang trải qua những thay đổi, chia rẽ và có những bước đi tập hợp lớn. Thế giới đã bước vào một thời kỳ nhiều biến động và chuyển đổi mới".
BRICS là sự quy tụ giữa các nền kinh tế lớn và nhỏ nhưng có chung mong muốn thay đổi trật tự toàn cầu. BRICS hiện cho rằng trật tự hiện tại chưa mang lại đầy đủ lợi ích cho họ và cũng không hỗ trợ cho ảnh hưởng ngày càng tăng của họ.
Về việc Nga tán thành mở rộng BRICS, ông Gustavo de Carvalho, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi, cho biết Nga "rất cần có bạn bè và đối tác nên không có gì đáng ngạc nhiên khi họ rất muốn mở rộng nhóm".
Bên cạnh các vấn đề về mở rộng khối, việc tăng cường sử dụng các đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong các giao dịch tài chính và thương mại nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD cũng là nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị BRICS.
BRICS vẫn còn chưa hoàn toàn nhất trí
Giống như sự đa dạng của nhóm BRICS hiện tại, các quốc gia nộp đơn đăng ký cũng rất khác nhau, từ những gã khổng lồ G20 như Indonesia và Saudi Arabia cho đến các nền kinh tế nhỏ hơn như Iran.
Khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và chính phủ đã tham gia cùng các lãnh đạo BRICS tại thượng đỉnh ở Johannesburg lần này.
Các nhà lãnh đạo BRICS cho biết mức độ quan tâm trên là bằng chứng cho thấy thông điệp của tổ chức này đã gây được tiếng vang sâu sắc ở khu vực các nước đang phát triển.
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người ủng hộ ngân hàng phát triển BRICS như một giải pháp thay thế cho các tổ chức cho vay có trụ sở tại Washington DC, cho biết ông ủng hộ sự gia nhập của Argentina.
Tuy nhiên, cường quốc Nam Mỹ này cũng lo ngại "làm loãng" ảnh hưởng của BRICS nếu khối này mở rộng quá nhanh, ông Carvalho nói. "Chắc chắn có sự chưa thống nhất đâu đó trong các thành viên BRICS vào lúc này", chuyên gia này đánh giá.