• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Bùa lưỡi” - nguy cơ gây hoang tưởng, tâm thần cao

Thời sự 28/09/2017 12:30

(Tổ Quốc) - Ban đầu chỉ là một chất được sử dụng trong điều trị tâm thần nhưng hiện nay bùa lưỡi đã biến thành một chất gây nghiện được giới trẻ “ưa chuộng” bởi vì loại chất này dễ chơi, kín đáo và mang đến những ảo giác đặc biệt. 

Bùa lưỡi (hay còn được gọi là tem giấy) có kích thước 1,5x1,5cm, được tẩm ướp chất gây ảo giác được sử dụng bằng cách ngậm ở lưỡi hoặc dưới lưỡi. Chất này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1938 từ một loại nấm mọc trên lúa mì đen.

Tuy nhiên sau khi phát hiện được những tác hại của nó, đã có nhiều quốc gia đưa vào danh sách cấm tàng trữ, buôn bán và sử dụng.

Bùa lưỡi còn có tên gọi khác là LSD (Lyceric Acid Dyethylamide) là loại chất gây kích thích trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương, kích thích xuất hiện những ảo giác, chủ yếu là về thị giác. Theo nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành Danh mục chất ma túy và tiền chất, LSD được xếp vào danh mục I là các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội.

Người “chơi” bùa lưỡi chỉ cần xé một miếng nhỏ của bùa lưỡi dán vào lưỡi và ngậm, nó có tác dụng trong vòng 5 phút, tầm khoảng 2 - 3 giờ miếng bùa này mới tan hết. Đặc biệt tác dụng của chúng kéo dài tới tận 12 giờ đồng hồ.

Người sử dụng bùa lưỡi sẽ thấy màu sắc xung quanh trở nên rực rỡ hơn, thậm chí là họ có thể thấy những sự vật không có thực, có những nhận thức sai lệch về những đối tượng, sự vật và sự việc xung quanh, mất cảm giác và khái niệm về thời gian, hiện thực.

Ảnh minh họa: khoahoc.tv

Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Mai Thương – Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD, bùa lưỡi hoàn toàn có thể gây nghiện, do những ảo giác không có thực mà nó mang lại, thôi thúc người sử dụng bùa lưỡi tiếp tục tìm đến nó để tìm cảm giác lạ. Thời gian sử dụng càng lâu dài với tần suất sử dụng càng liên tục thì nguy cơ lệ thuộc (nghiện) càng cao.

Sử dụng bùa lưỡi trong một thời gian dài sẽ xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, trạng thái tâm lý bất ổn như: lo âu, hoảng loạn,…Bùa lưỡi làm khởi phát những triệu chứng bệnh lý tâm thần như loạn thần hoặc tâm thần phân liệt.

Chuyên gia tâm lý Mai Thương cũng cho biết thêm, để điều trị, giúp cai nghiện bùa lưỡi, việc đầu tiên là người nghiện cần dừng sử dụng bùa lưỡi, ngừng dung nạp chất này vào cơ thể. Khi có xuất hiện hoang tưởng, ảo giác, cần đưa người nghiện đến cơ sở tâm thần uy tín để chẩn đoán mức độ bệnh lý, điều trị các bệnh về tâm thần trước khi cho họ tham gia cai nghiện. Khi tham gia trị liệu tâm lý chống tái nghiện như ở Viện PSD, tâm lý và tinh thần minh mẫn là một trong những điều kiện tiên quyết để trị liệu tâm lý chống tái nghiện có hiệu quả.

Thực tế cho thấy, bùa lưỡi thường hấp dẫn, thu hút tầng lớp thanh thiếu niên như: học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết, ham chơi, thích những thứ mới lạ. Vì vậy, cần phải tuyên truyền tác hại, cách phòng chống để tránh những trường hợp không may đáng tiếc xảy ra gây ảnh hưởng đến xã hội./.

Ngọc Ánh

 

Ngọc Ánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ